Đồng hồ tiền tỷ và những cái bắt tay ngầm
Đồng hồ xa xỉ không chỉ là những món trang sức có giá trị cao mà còn xuất hiện trong những vụ hối lộ lùm xùm thu hút sự chú ý của dư luận. Chẳng hạn, năm 2014 New York Times đưa tin ông Sepp Blatter, cựu Chủ tịch FIFA, đã phải trả lại chiếc đồng hồ trị giá hơn 24.000 euro được tặng bởi Liên đoàn Bóng đá Brazil trước World Cup.
Hay năm 2020, Ủy ban Tokyo 2020 đã chi 46.500 USD cho việc mua đồng hồ nhằm giành phiếu bầu để tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020, theo Reuters.
Tại Việt Nam, mới đây trong vụ án liên quan đến Công ty Xuyên Việt Oil, nhiều chiếc đồng hồ xa xỉ hiệu Patek Philippe đã được sử dụng như quà hối lộ, trong đó có chiếc Patek Philippe Plus trị giá 421.000 USD (khoảng 10 tỷ đồng) được bà Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Xuyên Việt Oil, biếu ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, theo Vietnamnet.
Ngoài ra, bà Hạnh cũng đã tặng một chiếc đồng hồ hiệu Patek Philippe cho ông Nguyễn Lộc An, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (sau này ông An đã bán chiếc đồng hồ với giá 23.000 USD).
Vậy tại sao đồng hồ tiền tỷ lại được chọn để hối lộ? Trong bài báo nghiên cứu khoa học đăng tải trên tạp chí Sciene Direct đã chỉ ra những đặc điểm cho phép đồng hồ hay các món hàng xa xỉ phẩm khác thường được dùng trong các hoạt động hối lộ
Thứ nhất, đồng hồ cao cấp thường có giá trị rất lớn và được coi là biểu tượng địa vị, giúp người sở hữu phô trương sự giàu có mà không thu hút quá nhiều sự chú ý. Đồng thời, kích thước nhỏ gọn và tính di động của chúng khiến việc vận chuyển dễ dàng mà không gặp phải sự kiểm tra gắt gao từ các cơ quan chức năng như khi vận chuyển tiền mặt hay các loại tài sản khác.
Một trong những đặc điểm quan trọng thúc đẩy sử dụng đồng hồ xa xỉ trong các hoạt động hối lộ là việc khó theo dõi quyền sở hữu. Không có hệ thống nào theo dõi chính xác từng chiếc đồng hồ, điều này tạo điều kiện cho việc mua bán và chuyển nhượng diễn ra mà không để lại dấu vết. Giá trị của những chiếc đồng hồ này có thể so sánh với vàng hay kim cương, nhưng chúng lại ít bị chú ý hơn khi qua các trạm kiểm soát hải quan hay các cơ quan giám sát tài chính.
Hoạt động giao dịch đồng hồ xa xỉ được xếp vào "thị trường xám" - nơi không có quy định chặt chẽ về quản lý, cũng là nơi những kẻ rửa tiền và hối lộ dễ dàng trao đổi đồng hồ xa xỉ. Tại đây, các giao dịch diễn ra mà không cần đăng ký hay giám sát, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng đồng hồ trong các hoạt động phi pháp.
Cuối cùng, do tính toàn cầu và sự ổn định về giá trị, đồng hồ xa xỉ có thể dễ dàng được trao đổi, bán lại ở bất kỳ đâu trên thế giới. Chúng không chỉ giữ nguyên giá trị theo thời gian mà còn có thể tăng giá khi được bán lại trên thị trường thứ cấp. Điều này khiến chúng trở thành phương tiện hoàn hảo để chuyển giao tài sản trong các hoạt động hối lộ, nhất là khi cần tránh né sự giám sát của cơ quan chức năng.
Những yếu tố trên đã biến đồng hồ xa xỉ thành một công cụ lý tưởng trong các hoạt động hối lộ và rửa tiền, góp phần vào sự gia tăng của các tội phạm tài chính, kinh tế.
Patek Philippe, thương hiệu đồng hồ đắt giá nhất thế giới, không chỉ là biểu tượng của đẳng cấp mà còn nổi tiếng vì số lượng sản xuất giới hạn. Mỗi năm, thương hiệu này chỉ sản xuất 50.000 chiếc, làm tăng giá trị và sự khan hiếm của chúng trên thị trường.