Dồn dập câu hỏi của cổ đông về hoạt động của 'đại gia đất vàng' Hapro
Ngay từ phần mở đầu Đại hội, khi Ban tổ chức giới thiệu thành phần chủ tịch đoàn, đã có cổ đông lên tiếng không đồng tình, báo trước một buổi Đại hội với nhiều tranh luận "sôi nổi".
Cụ thể, cổ đông được thông báo: Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Nga không thể tham dự và đã ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Chủ tịch và ông Vũ Thanh Sơn - Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc điều hành Đại hội.
Một số cổ đông cho rằng, cả năm mới có một phiên đại hội đã được chuẩn bị, lên lịch từ rất sớm, Chủ tịch HĐQT có trách nhiệm sắp xếp công việc để tham dự và có những trao đổi với cổ đông, việc bà Nga không đến đại hội lần này thể hiện sự thiếu tôn trọng cổ đông.
Đoàn chủ tọa Đại hội gồm ông Vũ Thanh Sơn - Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Chủ tịch HĐQT. Ảnh: Đức Quyền.
"Bộ mặt" của công ty rất cần được "tân trang"
Một số vấn đề khác được cổ đông đưa ra chất vấn ban lãnh đạo công ty là việc Hapro là một công ty về thương mại nhưng bộ mặt của công ty là trang web thì "rất tệ", không có các thông tin hữu ích về hoạt động kinh doanh, các sản phẩm thế mạnh của công ty mà chỉ có lịch họp, làm việc của lãnh đạo - thậm chí ngay các tin này cũng bị lỗi, không hiển thị được.
Chưa kể, website của Hapro hiện chưa có phần Quan hệ cổ đông hay Quan hệ nhà đầu tư như website của các công ty đại chúng khác, khiến cổ đông không tìm được các thông tin cần thiết.
Tổng Giám đốc Vũ Thanh Sơn tiếp thu ý kiến của cổ đông, cho rằng các góp ý về website mà cổ đông nêu là rất xác đáng. Lãnh đạo công ty nhận khuyết điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc và cho rằng đây là "bệnh của doanh nghiệp nhà nước, bao cấp, trì trệ" còn lại ở Hapro, chưa được loại bỏ hết sau thời gian ngắn cổ phần hóa. Ông Sơn cam kết sẽ nhanh chóng khắc phục vấn đề này.
Cổ đông Nguyễn Thanh Long sở hữu 319.900 cổ phần HTM phát biểu ý kiến tại Đại hội, bày tỏ sự không hài lòng với việc Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Nga vắng mặt. Ảnh: Đức Quyền.
Vì sao bị chiếm dụng vốn, vì sao biên lợi nhuận thấp?
Cổ đông cũng góp ý các báo cáo của Ban Tổng Giám đốc, HĐQT, Ban Kiểm soát tại đại hội nội dung còn sơ sài và chung chung, chưa cụ thể hóa chuỗi cửa hàng nào đang lỗ - đang lãi, công ty đang kinh doanh những mặt hàng gì, mặt hàng nào là thế mạnh - thế yếu ...
Trên báo cáo tài chính của công ty, tổ chức kiểm toán cho biết khoản mục nợ phải thu ngắn hạn của Hapro tại ngày 31/12/2018 là gần 1.076 tỉ đồng, chiếm 66% tổng tài sản ngắn hạn, trong đó nợ phải thu khách hàng là 412,6 tỉ đồng, nợ ứng trước cho người bán là 403 tỉ đồng. Trong khi đó, số dư nợ phải trả người bán và tiền người mua trả trước cho Hapro đều rất thấp. Những con số này cho thấy công ty đang bị chiếm dụng vốn lớn.
Cổ đông yêu cầu ban lãnh đạo làm rõ tại sao công ty lại để bị chiếm dụng vốn, trách nhiệm thuộc về ai? Trong số nợ phải thu hơn 1.000 tỉ đồng kể trên có bao nhiêu % là nợ xấu, nợ khó đòi.
Một vấn đề khác khiến nhiều cổ đông trăn trở là biên lợi nhuận của công ty quá thấp. Theo báo cáo của HĐQT tại Đại hội, trong năm 2018 công ty đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 3.507 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ gần 20 tỉ đồng, chiếm chưa đầy 0,6%.
Tổng giám đốc Vũ Thanh Sơn cho biết Hapro chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại xuất khẩu nông sản, ngành này nhìn chung biên lợi nhuận không cao, đây là thực trạng của không chỉ riêng Hapro mà của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam. Chúng ta hiện nay đa phần chỉ xuất khẩu nông sản thô, chưa qua chế biến hoặc chế biến chưa sâu nên giá bán thấp, biên lợi nhuận thấp.
Bản thân Hapro hiện chưa có đủ năng lực tự sản xuất, phải đi mua về để bán lại nên không có nhiều lợi nhuận. Ông Sơn chia sẻ, Hapro có một nhà máy gạo qui mô nhỏ do công ty mua lại từ nhiều năm trước với tổng giá trị đất và nhà xưởng chỉ 30 tỉ đồng, không đủ công xuất để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của công ty.
Theo ông Sơn, trong thời kì công ty còn là doanh nghiệp nhà nước, việc xin kinh phí để đầu tư rất khó khăn, nay công ty đã là doanh nghiệp cổ phần với sở hữu tư nhân, ban lãnh đạo hi vọng sẽ có nguồn vốn để đầu tư thêm vào sản xuất. "Anh em ngày đêm mong mỏi có tiền để đầu tư thêm mấy nhà máy gạo, điều, ... để xuất khẩu", ông Sơn chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Nga và ông Vũ Thanh Sơn thăm xưởng gốm Chu Đậu. Ảnh: Hapro.
Hapro đang quản trị doanh nghiệp như thế nào? Vì sao có loạt đất vàng mà làm ăn vẫn "lẹt đẹt"?
Cũng liên quan đến các báo cáo mà lãnh đạo Hapro trình bày tại Đại hội, một cổ đông cho rằng công tác quản trị doanh nghiệp của Hapro đang có vấn đề. Hội đồng quản trị làm gì trong nửa cuối năm 2018 sau khi Hapro cổ phần hóa? Các báo cáo không thể hiện được những lãnh đạo nào đang phụ trách mảng nào, quản lí công ty con nào? Tại sao lại xảy ra tình trạng Tổng công ty không thu thập đầy đủ báo cáo tài chính của hàng loạt công ty con và do vậy không thể hợp nhất báo cáo của các công ty này vào báo cáo tài chính hợp nhất của Hapro, khiến cho tổ chức kiểm toán độc lập phải đưa ra ý kiến ngoại trừ?
Một số báo cáo tài chính của công ty con chưa được kiểm toán nên tổ chức kiểm toán độc lập cũng không thể đánh giá được ảnh hưởng của các hoạt động liên quan đến BCTC hợp nhất của Hapro.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết HĐQT công ty đã phân công từng thành viên phụ trách từng mảng. Cụ thể, ủy viên HĐQT Trần Anh Tuấn phụ trách các dự án bất động sản, bà Trần Thị Tuyết Nhung phụ trách phát triển thị trường quốc tế, ông Vũ Thanh Sơn đồng thời là Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh chung của công ty và bản thân bà Thu Hằng phụ trách tái cấu trúc doanh nghiệp.
Bà Hằng cũng chia sẻ, hiện nay Hapro đã bước vào quá trình tái cấu trúc giai đoạn 2, thể hiện qua việc bổ nhiệm và đề cử một số nhân sự mới có năng lực vào ban lãnh đạo công ty. Đại hội hôm nay đã thông qua việc bầu ông Nguyễn Thái Dũng vào HĐQT công ty. Ông Dũng sinh năm 1975, từng là Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thăng Long GTC - đơn vị sở hữu chuỗi đại siêu thị BigC nổi tiếng.
Một Phó Tổng giám đốc của Hapro hiện nay là ông Đinh Tiến Thành - người từng là Tổng giám đốc Công ty CP Intimex Việt Nam - đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Intimex thuộc Bộ Công thương.
Bà Hằng tự tin cho biết, HĐQT của Hapro hiện gồm những người có nhiều kinh nghiệm về bán lẻ và rất tâm huyết với sự phát triển của công ty.
Từ sau khi tiếp quản Hapro, HĐQT mới của công ty đã rất nỗ lực để tái cấu trúc hoạt động doanh nghiệp. Chẳng hạn, công ty đã bắt đầu thực hiện chính sách mua chung, tức là gom đơn hàng của nhiều cửa hàng trong chuỗi rồi đặt mua. Làm như vậy, Hapro có thể đặt mua với số lượng lớn và hưởng chiết khấu cao hơn, bà Hằng lấy ví dụ.
Hapro hiện có hơn 100 điểm bán hàng ở nhiều vị trí được cho là đắc địa của Hà Nội nhưng bà Hằng chia sẻ, việc làm ăn của các điểm bán này rất manh mún, hạ tầng xuống cấp nhiều, nên chưa thể mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn ngay.
Cổ tức thua gửi ngân hàng, lãnh đạo cũng thấy xấu hổ
Trong năm 2018, Hapro trình đại hội cổ đông thông qua việc không chi trả cổ tức do lợi nhuận của công ty quá thấp, chỉ 20 tỉ đồng. Sang năm 2019, công ty phấn đấu đạt lợi nhuận gần 60 tỉ đồng trả cổ tức tỉ lệ 2%.
Một cổ đông bày tỏ quan điểm không đồng tình và cho rằng mình là người đầu tư vào doanh nghiệp thì cần được hưởng lợi ích từ hoạt động của doanh nghiệp, ở đây là cổ tức. Dù ít dù nhiều doanh nghiệp doanh nghiệp cũng nên chia cho cổ đông chứ không thể không chia như năm 2018, và mức 2% của năm 2019 là quá thấp - thấp hơn nhiều so với gửi ngân hàng. "Tôi đầu tư mấy chục tỉ đồng vào cổ phiếu Hapro, số tiền đó tôi có thể gửi ngân hàng, không cần lo nghĩ gì cũng được hưởng lãi ít nhất 5-7%/năm", một cổ đông lên tiếng.
Nói về kế hoạch năm 2019, Tổng Giám đốc Vũ Thanh Sơn rất chia sẻ băn khoăn của cổ đông: Công ty đặt mục tiêu lãi trước thuế năm nay đạt gần 60 tỉ đồng và cổ tức 2%, tăng mạnh thực hiện năm 2018 nhưng vẫn quá thấp so với kì vọng của nhiều cổ đông cũng như mức vốn chủ sở hữu 2.200 tỉ đồng. "Tự chúng tôi cũng cảm thấy xấu hổ khi đặt mục tiêu lợi nhuận và cổ tức quá thấp như vậy. Lúc nào xấu hổ quá không làm được nữa, không cố gắng làm tốt được thì chúng tôi phải xin thôi", ông Sơn nói.
"Chúng tôi tự nhận thấy mình là lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước lâu, nên có nhiều chỗ trì trệ. Tự tôi vẫn thường cảm thấy mình thiếu hụt về năng lực. Có cổ đông nói đến việc HĐQT thuê Tổng Giám đốc mới, tôi rất đồng ý".
Tổng Giám đốc Vũ Thanh Sơn phát biểu tại Đại hội cổ đông sáng 25/4. Ảnh: Đức Quyền.
Theo báo cáo của Ban Tổng Giám đốc công ty, năm 2019, Hapro đặt mục tiêu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 3.675 tỉ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm 2018.
Kim ngạch xuất khẩu dự tính 115,2 triệu USD, tăng 8%. Lợi nhuận trước thuế phấn đấu đạt 59,34 tỉ đồng, tăng 173%. Thu nhập bình quân của người lao động dự kiến 11,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 6% so với năm 2018. Tỉ lệ cổ tức ước đạt 2%.
Về các biện pháp cụ thể, công ty sẽ tiếp tục căn chỉnh, xây dựng và triển khai phương án đổi mới hoạt động kinh doanh thương mại bán lẻ, tái cơ cấu hệ thống. Căn chỉnh hệ thống hình ảnh và nhận diện các điểm bán lẻ của Tổng Công ty, quan tâm đến việc phát triển mảng kinh doanh online.
Hapro cũng đặt kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường và phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu mới. Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại với đối tác trong nước và ngoài nước để thúc đẩy kinh doanh nhất là kinh doanh xuất khẩu, quảng bá các thương hiệu HaproExport, Hapromart.