|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh thu tháng 4 của PV Power đi lùi, nhà máy Vũng Áng 1 không đủ than để vận hành tối đa

15:31 | 10/05/2022
Chia sẻ
Nhà máy Vũng Áng 1 từng đóng góp lớn nhất vào cơ cấu doanh thu của PV Power song sự cố ở tố máy 1 xảy ra tháng 9/2021 cộng với tình trạng thiếu hụt nguồn than trong nước hiện nay đã tác động không nhỏ tới kết quả kinh doanh của tổng công ty.

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power - Mã: POW) đã công bố kết quả kinh doanh tháng 4 với doanh thu ước đạt 2.824 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, nhà máy điện (NMĐ) Nhơn Trạch 2 đóng góp lớn nhất vào tỷ trọng doanh thu tháng (32,4%). NMĐ Cà Mau 1&2 chiếm gần 26%, Vũng Áng 1 chiếm 19,2%, Nhơn Trạch 1 đóng góp 16,5% vào tổng doanh thu. Còn lại doanh thu đến từ các NMĐ khác.

Luỹ kế 4 tháng, doanh thu của PV Power là 9.948 tỷ đồng, giảm gần 2,6% so với 4 tháng đầu năm 2021 và đạt 41% mục tiêu năm.

Kết quả kinh doanh tháng 4 của PV Power. (Nguồn: PV Power).

Tổng công ty cho biết nhu cầu phụ tải trên hệ thống tăng dần do hoạt động sản xuất đã trở lại bình thường. Giá thị trường cao do giá khí và than đều tăng làm tăng chi phí biến đổi của các nhà máy nhiệt điện. 

NMĐ Cà Mau 1&2 được giao Qc rất cao (513,4 triệu kWh). Nhà máy chỉ vận hành được hai tổ máy do khó khăn về nguồn khí và vận hành được 335 triệu kWh. 

NMĐ Nhơn Trạch 1 được giao sản lượng điện hợp đồng (Qc) thấp (61,2 triệu kWh) nên vận hành vượt kế hoạch được giao.

Nhà máy Vũng Áng 1 được giao Qc 276,6 triệu kWh. Do khả năng cung cấp than của TKV hạn chế do thiếu nguồn than, nên nhà máy không đủ than để vận hành tối đa tổ máy dẫn tới không hoàn thành kế hoạch được giao.

Trước đó, tại buổi họp Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 19/4, lãnh đạo PV Power cũng chia sẻ hiện than đang rất khan hiếm, nhà máy Vũng Áng 1 chỉ đủ than cho 5 ngày dữ trữ, thấp hơn rất nhiều theo quy định dự trữ là 1 đến 2 tháng. Phần than thiếu do TKV cung cấp, PV Power đã chủ động tìm nhiều nguồn như nhập khẩu nước ngoài trong đó có Lào (đối tác thân thiết và đang đàm phán) hay Nga. 

Vấn đề nan giản được lãnh đạo PV Power chia sẻ là nhà máy phải tự lo than còn thiếu nhưng giá lại không được cao hơn giá của TKV cấp. Để có nguồn than, PV Power bắt buộc phải đi nhập khẩu trong khi giá  nhập khẩu than cao hơn TKV 3-4 lần.

Không có một nhà bán than nào chấp nhận bán than thấp hơn giá TKV dẫn tới các nhà máy điện than đang kêu gào. Lãnh đạo PV Power mong muốn EVN tháo gỡ khó khăn và cố gắng tìm đủ nguồn than để chạy, nhất là trong năm nay. Hiện nhà máy vẫn đủ nguồn than, chưa phải dừng như một số nhà máy khác.

Sự cố ở tổ máy số 1 nhà máy Vũng Áng 1 cộng thêm việc thiếu than đã ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả kinh doanh của tổng công ty khi nhà máy này từng đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu và là động lực tăng trưởng của PV Power hai năm gần đây.

Về kế hoạch kinh doanh tháng 5, PV Power dự kiến sản lượng điện trong tháng là 1.137 triệu kWh và doanh thu ước đạt 1.937 tỷ đồng.

Về tiến độ dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 & Nhơn Trạch 4, HĐQT PV Power đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu EPC ngày 27/1. Theo đó, đơn vị trúng thầu là Tổ hợp Liên doanh nhà thầu Samsung C&T và LILAMA. Hợp đồng EPC đã ký ngày 14/3. Lễ khởi công dự kiến sẽ tổ chức trong tháng 5/2022. 

Kết phiên 10/5, cổ phiếu POW tăng 2,7% lên 13.300 đồng/cp, giảm hơn 33% từ đầu năm tới nay.

 Diễn biến giá cổ phiếu POW nửa năm qua. (Nguồn: TradingView).

Hoàng Kiều

NHNN cho vay nhiều nhất trong 7 năm trên kênh OMO, nâng lãi suất lên 4,25%
Ngày 23/4, NHNN đã có động thái nâng lãi suất và kỳ hạn và quy mô cho vay qua kênh OMO. Trong đó, tổng giá trị cho vay trong phiên đạt mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm.