|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh thu 30.000 tỷ đồng của Saigon Co.op

12:42 | 04/03/2024
Chia sẻ
Cùng với WinCommerce và Bách Hoá Xanh, Saigon Co.op là một trong ba đơn vị bán lẻ tạp hoá nội có thị phần lớn nhất Việt Nam, xét theo doanh thu.

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2023, Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) công bố doanh thu gần 30.000 tỷ đồng, giảm so với 31.000 tỷ đồng năm 2022.

Trong 30.000 tỷ đồng doanh thu của Saigon Co.op có đóng góp gần 1.702 tỷ đồng từ mảng bán lẻ trực tuyến, tăng gần 21% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết trong tình hình kinh tế khó khăn, chuỗi bán lẻ vẫn duy trì được doanh thu nhờ kiểm soát chi phí, đảm bảo hiệu quả kinh doanh. 

 

Năm ngoái, Saigon Co.op - một trong ba đơn vị bán lẻ có thị phần hàng đầu Việt Nam, đã triển khai mô hình kinh doanh mới tập trung vào tuyến huyện là Co.opmart Chợ Mới (An Giang) và Trung tâm thương mại SenseMarket - Co.opmart Cái Bè (Tiền Giang). 

Đồng thời chuỗi cũng tập trung chuyển đổi số và cải thiện hoạt động logistics.

Song song với mảng bán lẻ trong nước, năm ngoái, Saigon Co.op tiếp tục duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy hải sản của Việt Nam với tổng giá trị xuất khẩu đạt gần 90 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.

Được thành lập từ năm 1989, đến nay cùng với WinCommerce (thuộc Masan Group) và Bách Hoá Xanh (thuộc Đầu tư Thế Giới Di Động), Saigon Co.op là một trong ba đơn vị bán lẻ tạp hoá nội có thị phần lớn nhất Việt Nam, xét theo doanh thu.

Lĩnh vực kinh doanh chính mang về nguồn thu lớn nhất của Saigon Co.op là bán lẻ với hệ thống hàng trăm siêu thị, đại siêu thị, chuỗi cửa chàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, kênh mua sắm qua truyền hình, thương hiệu Co.opmart, Co.op Food, HTVCo.op, Co.opXtra, Sense City, Co.op Smiles, Cheers,….

Bên cạnh hoạt động thương mại, Saigon Co.op còn hiện diện trong lĩnh vực đầu tư bất động sản thương mại thông qua công ty thành viên là CTCP Đầu tư phát triển Saigon Co.op (SCID, UPCoM: SID). 

Ngoài việc độc quyền phát triển hệ thống siêu thị Co-opmart, SCID còn đầu tư, xây dựng và quản lý các trung tâm thương mại như Sense City, SC Vivo City, khu đô thị An Phú…

Tương tự Masan Group, trong những năm qua, Saigon Co.op cũng tham gia vào M&A trong ngành bán lẻ để tăng nhanh quy mô và độ phủ. Đáng kể nhất là vào cuối 2019, đơn vị này nhận chuyển nhượng hoạt động của thương hiệu bán lẻ Auchan Retail Việt Nam (Pháp). Trong đó gồm 15 cửa hàng hoạt động bán lẻ và cả kênh thương mại điện tử.

Sau thương vụ, Saigon Co.op tiếp tục duy trì thương hiệu Auchan cho đến hết tháng 2/2020, và các cửa hàng Auchan tại TP HCM, Hà Nội và Tây Ninh sẽ được chọn lọc để chuyển đổi sang thương hiệu bán lẻ của Saigon Co.op như Co.opmart, Co.opXtra hoặc Finelife.

Năm nay, Saigon Co.op đặt mục tiêu tăng 6-7% doanh thu so với năm ngoái, đạt 900 điểm bán vào cuối năm, đẩy mạnh điện toán hoá, số hoá và thúc đẩy mô hình mới.

Đức Huy

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).