|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nợ 13 tháng bảo hiểm, chuyện gì đang xảy ra ở Hoàng Phúc?

07:34 | 01/03/2024
Chia sẻ
Từ vị thế của một chuỗi bán lẻ hàng hiệu với gần 100 cửa hàng ở các vị trí đắc địa tại các thành phố lớn, Hoàng Phúc thu hẹp quy mô trong nhiều năm trở lại đây.

Khoảng 10 năm trước, khi những đôi bốt da của thương hiệu Dr.Martens trở thành một món hàng hot trend đối với các tín đồ của thời trang đường phố, thương hiệu Hoàng Phúc là điểm đến ưa thích của những ai mong muốn sở hữu sản phẩm của nhà sản xuất giày nước Anh.

Khi đó, Hoàng Phúc nổi lên là một chuỗi bán lẻ thời trang hàng hiệu của các nhãn hiệu đến từ châu Âu. Năm 1994, Hoàng Phúc bắt đầu hàng của Dr.Martens. Giai đoạn 2000 trở đi, chuỗi bán tiếp tục mang những thương hiệu như Ekco với logo hình con tê giác nổi tiếng đến từ Mỹ hay hàng loạt thương hiệu của Italia như Replay, Kappa, Superga...

Hoàng Phúc bán từ giày dép cho tới quần áo, phục vụ cả nhóm khách hàng người lớn lẫn trẻ em. Trước đây, giá sản phẩm của Hoàng Phúc được niêm yết lên tới hàng triệu đồng, không có nhiều sản phẩm ở mức giá hàng trăm nghìn.

Hoàng Phúc từng là điểm đến ưa thích của tín đồ thời trang đường phố khi muốn sở hữu một đôi giày đến từ nhà Dr.Martens. (Ảnh: Hoàng Phúc).

Đến năm 2016, Hoàng Phúc có khoảng 93 cửa hàng trên nhiều tỉnh thành phố lớn, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP HCM. Các cửa hàng của chuỗi này thường toạ lạc ở những mặt tiền có lưu lượng giao thông đông đúc hoặc trung tâm thương mại lớn. Chẳng hạn cửa hàng tại phố Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM) hay phố Hàng Bông, Chùa Bộc (Hà Nội)...

Từng có giai đoạn hoàng kim là thế nhưng ở thời điểm hiện tại, chuỗi Hoàng Phúc đã thu hẹp quy mô đi rất nhiều, chỉ còn 38 cửa hàng. Đáng nói hơn cả, các chương trình giảm giá ưu đãi, giảm sâu lên tới 50% thường xuyên diễn ra trong năm, kéo mức giá niêm yết tại Hoàng Phúc giảm tương đối sâu, chỉ loanh quanh trên dưới 1 triệu đồng.

Từ chỗ phân phối hàng cho hàng loạt thương hiệu thế giới như Dr.Martens, Replay, Ecko, Kappa, Skechers, Superga, United Color, Benetton, Sisley, Clarks... nay hệ thống Hoàng Phúc chỉ còn phân phối cho 5 thương hiệu gồm Ninu&Nick; Ekco; Kappa, Staple, Superga.

Những thương hiệu từng tạo nên sức hút của Hoàng Phúc như Dr.Martens nay cũng không còn xuất hiện trên kệ hàng của chuỗi bán lẻ này.

Tình hình kinh doanh của Hoàng Phúc trước đây vẫn là một ẩn số. Năm 2022 khi Đầu tư Hoàng Phúc Quốc tế - chủ sở hữu chuỗi bán lẻ, có lần đầu tiên huy động vốn thông qua trái phiếu thì kết quả kinh doanh mới được hé lộ.

Thời điểm này, Hoàng Phúc phát hành trái phiếu với giá trị 11 tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng. Lô trái phiếu của Hoàng Phúc là trái phiếu không chuyển đổi, được đảm bảo bằng 6,3 triệu cổ phần Hoàng Phúc thuộc sở hữu của ông Bùi Văn Phúc, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc.

 Cửa hàng của Hoàng Phúc trên phố Hàng Bông, Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Do đó, số liệu kinh doanh gần nhất có được cho thấy Hoàng Phúc ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt hơn 1,8 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ. Tính tới cuối năm này, vốn chủ sở hữu của Đầu tư Hoàng Phúc Quốc tế là 23 tỷ đồng, tăng 109% so với kỳ trước. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tăng từ mức 16,82 lần (kỳ trước) lên 19,66 lần trong năm 2022.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức 8,12% trong khi con số tương tự kỳ trước là 93,35%.

Trong báo cáo gửi HXN mới đây, Hoàng Phúc cho biết trong nửa đầu năm ngoái đã thanh toán hơn 475 triệu đồng cả gốc lẫn lãi cho lô trái phiếu nói trên. Trước đó, công ty cũng đã trả hơn 563 triệu đồng cho kỳ bán niên 2022.

Ở thời điểm phát bắt đầu huy động trái phiếu, hệ thống Hoàng Phúc ghi nhận khoảng 50 cửa hàng, song hiện tại con số đã giảm xuống dưới 40.

Song song với việc bo hẹp mảng bán lẻ truyền thống, Hoàng Phúc đã dịch chuyển sang kênh online nhiều hơn khi đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada hay TikTok Shop. Chuỗi này cũng đã làm mới hệ thống website của mình với giao diện trẻ trung, hiện đại hơn.

Hoàng Phúc có ứng dụng mua sắm trên smartphone dành cho người dùng.

Theo một bài đăng trên website, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc điều hành Hoàng Phúc Quốc tế từng nói rằng rằng việc đầu tư vào kênh trực tuyến là một sự đầu tư nghiêm túc và nằm trong tầm nhìn phát triển dài hạn của công ty, chứ không chỉ đơn thuần là phát triển thêm một kênh bán hàng.

Hoàng Phúc bắt đầu tập trung vào kênh online từ năm 2020. Kết thúc năm đó, kênh bán tăng trưởng 100% so với năm 2019. Nửa đầu năm 2021, bán hàng online của Hoàng Phúc tăng 300% so với cùng kỳ.

Lãnh đạo Hoàng Phúc cho rằng kênh phân phối online là bệ đỡ cho tương lai của chuỗi này.

Ông Tuấn lập luận rằng tập khách hàng trung lưu - nhóm dẫn dắt thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam, đang tăng mạnh. Theo thông tin từ tập đoàn Tư vấn Boston, quy mô tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đã tăng gấp đôi kể từ năm 2014 lên 33 triệu người, khoảng 1/3 dân số.

Do đó, với kinh nghiệm 30 năm trong ngành bán lẻ, lãnh đạo Hoàng Phúc cho biết sẽ chuyển mình nhiều hơn, tập trung đầu tư cho yếu tố "ngon - bổ -rẻ".

"Thị trường vẫn đang thiếu một địa chỉ mua sắm hàng hiệu giá phải chăng uy tín. Chính vì thế, chúng tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội này. Hoàng Phúc cung cấp những sản phẩm thời trang đa dạng đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng địa chỉ số một về mua sắm hàng hiệu giá mềm", ông Nguyễn Quốc Tuấn chia sẻ về chiến lược hàng hiệu giá tốt của Hoàng Phúc.

Bên cạnh kênh trực tuyến, các cửa hàng đóng vai trò là khu phân tán, giúp cải thiện thời gian giao hàng của Hoàng Phúc, đồng thời tạo ra thêm các trải nghiệm mua sắm hơn cho khách hàng.

Mới đây, theo Bảo hiểm xã hội TP HCM, CTCP Đầu tư Quốc tế Hoàng Phúc nằm trong danh sách các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội tính đến ngày 31/1/2024. 

Theo đó, Hoàng Phúc đang chậm đóng 13 tháng bảo hiểm xã hội với số tiền nợ bảo hiểm là 9,5 tỷ đồng. 

Thành Vũ