|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh: Khát vọng của tôi là ra khơi và phát triển mãi mãi

10:51 | 12/10/2019
Chia sẻ
Ngay từ khi thành lập, tên của Công ty Vĩnh Hoàn đã mang khát vọng của người sáng lập là vươn ra toàn cầu và tồn tại mãi mãi.

“Nữ hoàng” cá tra Trương Thị Lệ Khanh sinh năm 1961 ở vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long (An Giang). Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế tại Đại học Tài chính Kinh tế TP. HCM, bà Trương Thị Lệ Khanh làm việc ở một công ty xuất khẩu thủy sản tại An Giang. Quá trình làm việc ở đây đã giúp bà có sự am hiểu về ngành thủy sản và con cá.

Doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh: Khát vọng của tôi là ra khơi và phát triển mãi mãi - Ảnh 1.

Bà Lệ Khanh mong muốn Vĩnh Hoàn trở thành một công ty đa quốc gia.

Khát vọng mang tầm thế giới

Nói về khát vọng của mình từ những ngày đầu xây dựng Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), bà Trương Thị Lệ Khanh  cho biết: “Vì công ty xuất khẩu nên ngay từ khi thành lập, khát vọng của tôi là ra khơi và tôi muốn tồn tại, phát triển mãi mãi. Vĩnh là vĩnh viễn. Hoàn là hoàn cầu. Vĩnh Hoàn là mãi mãi tồn tại trên khắp thế giới”. Đây cũng là công ty "đa quốc gia" khá đặc biệt với 70% lãnh đạo cấp cao là nữ với Chủ tịch HĐQT Trương Thị Lệ Khanh.

Bà Lệ Khanh cho rằng, yếu tố quyết định thành công của cá nhân bà và Vĩnh Hoàn chính là “thiên thời, địa lợi”. Năm 1995, lệnh cấm vận kinh tế với Việt Nam được gỡ bỏ khiến đầu ra cho ngành cá được khơi thông, kéo theo sự bùng nổ của ngành chế biến xuất khẩu cá tra. “Công việc kinh doanh lúc đó luôn trong tình trạng sản xuất không đủ cho nhu cầu. Tôi cho rằng thiên thời địa lợi là yếu tố may mắn cho việc khởi nghiệp của mình”, bà Khanh nói.

Bà Khanh nhớ lại thời kỳ hoàng kim của cá tra là những năm từ 2000 đến 2006, thị trường rất nóng, hàng không bao giờ đủ để xuất cho dù nhiều doanh nghiệp ra đời. Nhưng những năm đó, chúng tôi không phải là doanh nghiệp lớn nhất, vị trí đó là của Agifish (Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang). Nhiều doanh nghiệp ra đời sau nhưng đã phát triển rất nhanh, ví dụ như Thủy sản Nam Việt. “Còn tôi là phụ nữ nên có phần cẩn trọng, trong một số tình huống không dám liều", bà chủ Vĩnh Hoàn trải lòng.

Mang phong cách kinh doanh thận trọng và chắc chắn, bà Trương Thị Lệ Khanh đã đưa Vĩnh Hoàn từ một xưởng sản xuất nhỏ với 70 nhân công năm 1997, vốn ban đầu 70 triệu đồng còn nhà xưởng thì đi thuê của công ty Sa Giang, trở thành một công ty đại chúng có 8.000 lao động, năng lực sản xuất 1.000 tấn cá tra/ngày, sở hữu vùng nuôi rộng 800 ha.

Giá trị tài sản hiện tại của nữ hoàng cá tra là 3.086,86 tỷ VNĐ".

Suốt 22 năm qua, dưới sự lèo lái của nữ thuyền trưởng Trương Thị Lệ Khanh, Vĩnh Hoàn đã trở thành doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Vĩnh Hoàn đạt gần 400 triệu USD, tiếp tục giữ vững vị trí quán quân trong ngành cá tra từ năm 2009 đến nay.

Hướng đến công ty đa quốc gia

Chủ tịch Vĩnh Hoàn là người theo đạo Phật, có niềm tin mạnh mẽ vào thuyết nhân quả, tham gia nhiều công tác từ thiện nhưng kín tiếng. Theo lời nhân viên và một số bạn bè, bà Khanh là người nghiêm túc trong công việc và trách nhiệm với sản phẩm, trong đầu có ý thức về phát triển sản phẩm nông nghiệp xanh.

Vĩnh Hoàn từng khiến các chính trị gia nước ngoài thay đổi định kiến với cá tra Việt Nam. Vài năm trước, sau khi thăm nhà máy Vĩnh Hoàn, nghị sĩ Struan Stevenson, Phó Chủ tịch Ủy ban Thủy sản của Nghị viện Châu Âu viết: “Nhà máy lớn của Vĩnh Hoàn ở Cao Lãnh sạch đến mức bạn có thể dọn bữa ăn ngay trên sàn nhà. 

Nói thế có vẻ sáo, nhưng là hoàn toàn chính xác!” Trước đó vị nghị sĩ này không tiếc lời công kích mạnh mẽ ngành cá tra của Việt Nam trong đó giữ định kiến các nhà máy chế biến cực kỳ bẩn, mất vệ sinh và gây ô nhiễm. Bài báo của vị nghị sĩ có title: “Xin lỗi cá tra!”.

“Nữ hoàng” cá tra tự bạch, con đường kinh doanh của bà khá suôn sẻ kể từ khi khởi nghiệp. Thử thách kinh doanh đối với Vĩnh Hoàn là các vụ kiện chống bán phá giá với tư cách bị đơn bắt buộc do chiếm thị phần lớn nhất tại Mỹ. 

Bà Khanh luôn căng thẳng trước các vụ kiện nhưng kể rằng mình từng gặp đối thủ cạnh tranh nước ngoài và nói: “Người Việt Nam rất giỏi đấu tranh trong công việc và trong cuộc sống. Chúng tôi sẽ theo đuổi đến cùng để bảo vệ lẽ phải!”.

Mặc dù khởi nghiệp với thiên thời, địa lợi, nhưng khó khăn lúc nào cũng trực chờ trong quá trình kinh doanh. Do đó, theo bà Khanh, điều quan trọng là “phải vượt qua khó khăn chứ không phải ngồi than vãn”. 

Trong tương lai, bà Lệ Khanh mong muốn Vĩnh Hoàn trở thành một công ty đa quốc gia. “Không chỉ mở rộng vùng nuôi và tăng cường chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm mà còn phải làm sao đó để Vĩnh Hoàn có thể bán hàng trực tiếp cho siêu thị với thương hiệu của mình tại nhiều quốc gia”, người sáng lập Vĩnh Hoàn chia sẻ khát vọng về đứa con tinh thần của mình.

Nguyễn Việt