|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh nhân Phạm Phú Trường: Khả năng lãnh đạo do rèn luyện tạo thành

17:11 | 17/07/2018
Chia sẻ
Từng lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Phạm Phú Trường khẳng định khả năng lãnh đạo của con người do quá trình rèn luyện trí tuệ, thể chất tạo thành.
 

“Thiếu gia” khởi nghiệp

Là con trai cựu Chủ tịch Pepsico Việt Nam, Phạm Phú Trường gặp áp lực rất lớn khi bố anh là doanh nhân thành đạt. Thay vì quan tâm người khác nghi ngờ năng lực của mình, anh tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng hơn nữa.

Chia sẻ trong chương trình Café Khởi nghiệp gần đây, Trường cho biết: “Thời còn trẻ, bố tôi từng làm tài xế, mẹ tôi bán bánh mì. Nghiên cứu ra công thức nước ngọt, gia đình tôi thành lập công ty Tribeco. Sau khi liên doanh với hãng nước giải khát Pepsi, bố được bổ nhiệm vào vị trí cấp cao”.

doanh nhan pham phu truong kha nang lanh dao do ren luyen tao thanh
Doanh nhân Phạm Phú Trường trong chương trình Café Khởi nghiệp.

Quan sát sự nghiệp của bố, Trường cho rằng khả năng lãnh đạo do rèn luyện mà thành. Anh muốn mở quán cà phê khi mới 18 tuổi. Nhưng vâng lời gia đình, anh từ bỏ ý định kinh doanh để tiếp tục việc học.

Mê kinh doanh, chàng sinh viên tích cực tham gia nhiều hoạt động ở trường như hội chợ, dán quảng cáo, làm thêm. Thậm chí, anh từng thành lập công ty sản xuất nước rửa tay chuyên dụng cho nhân viên sửa xe. Thất bại do sản phẩm không đáp ứng nhu cầu bức thiết của khách hàng, anh học bài học đầu tiên về thị trường.

Nhận thấy ngành kiến trúc đầy tiềm năng, Trường quyết định sang nước ngoài du học. Sau đó, anh về nước khởi nghiệp công ty thiết kế ánh sáng với nhiều sản phẩm kiến trúc giá trị như Cầu Rồng - Đà Nẵng, nhiều khách sạn năm sao. Muốn khám phá hết khả năng, anh tiếp tục dấn thân vào nhiều lĩnh vực kinh doanh khác.

Với kinh nghiệm quản lý, nền tảng chuyên môn đa dạng, hiện tại, anh đảm nhận vai trò Giám đốc Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu GIBC. Tại đây, anh lãnh đạo đội ngũ chuyên viên, chuyên gia cấp cao là nhà lãnh đạo doanh nghiệp đến từ các doanh nghiệp trong nước, tập đoàn đa quốc gia.

Vị giám đốc trẻ tuổi đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn Trường Lộc dẫn dắt sự phát triển của nhiều dự án kinh doanh resort, khách sạn, khu dân cư nghỉ dưỡng cao cấp. Anh đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch của Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ VINAWEALTH.

Ngoài ra, Phú Trường còn là chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Phát, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sóng Việt. Anh cũng tham gia một số hoạt động xã hội trong vai trò Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh, góp phần phát triển nền kinh tế Việt nam thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

doanh nhan pham phu truong kha nang lanh dao do ren luyen tao thanh
Hiện tại, Phạm Phú Trường đảm nhận vai trò lãnh đạo cấp cao tại nhiều doanh nghiệp.

Hạn chế của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam

Từng tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo, CEO tư vấn GIBC nhận định, tất cả chủ doanh nghiệp đều đam mê làm giàu, mang lại giá trị cho xã hội. Tuy nhiên, do những mục tiêu ngắn hạn, họ làm đảo lộn giá trị cốt lõi của công ty. Doanh nghiệp mất tính bền vững, người đứng đầu trở thành nhà quản lý thay vì nhà lãnh đạo kinh doanh.

“Tập đoàn lớn gặp áp lực từ cổ đông, doanh nghiệp nhỏ khó khăn về cơm áo gạo tiền. Đôi khi người đứng đầu công ty dao động khi quyết định hy sinh kế hoạch 5 năm để đạt mục tiêu dài hạn”, Trường nói.

Phú Trường cho rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam sử dụng quyền lực mềm còn hạn chế. Họ ưa chuộng áp dụng hình thức thưởng - phạt (quyền lực cứng) nhiều hơn kích thích nhân sự phát triển trí tuệ tối đa trong môi trường làm việc.

Nền kinh tế tri thức là sử dụng công trình nghiên cứu, sản xuất thành sản phẩm và thương mại hóa ra thị trường. Đây là xu hướng phát triển của Việt Nam và thế giới. Bởi vậy, nhà lãnh đạo phải là người đưa ra tầm nhìn, mục tiêu chung cho đội ngũ nhân sự, kết nối họ và đưa ra giải pháp mới. Trí tuệ sẽ được tối ưu hóa cho một nhóm người, mỗi người sở hữu thế mạnh riêng để tạo ra giá trị chung.

Tố chất lãnh đạo hình thành do quá trình rèn luyện

Trải qua quá trình khổ luyện tư duy lãnh đạo, Phú Trường khẳng định, nhà lãnh đạo trước hết phải học phát triển bản thân về trí và lực. Họ cần có trí tuệ để thuyết phục mọi người và sức chịu đựng trong môi trường áp lực cao.

Doanh nhân Phú Trường đánh giá khó khăn lớn nhất của nhà lãnh đạo trẻ là lời nói không đủ sức nặng, tầm ảnh hưởng tới những người xung quanh. Họ nên xác định rõ chuỗi giá trị, tầm nhìn để cố gắng theo đuổi. Khi doanh nghiệp chuyển hóa tầm nhìn đó thành kết quả, mọi người sẽ tin tưởng họ hơn.

Nhà lãnh đạo kinh doanh phải thường xuyên cập nhật kiến thức để thích ứng với sự thay đổi của nền kinh tế. Trường khuyên các bạn trẻ nên học tập những nhà lãnh đạo thành công từ nhiều kênh như Youtube, báo chí.

“Không chỉ chủ doanh nghiệp, nhân viên cũng nên học lãnh đạo để làm chủ chính mình. Người ta sẽ tin tưởng hơn vào những người biết lãnh đạo bản thân”, Trường nhấn mạnh.

CEO tư vấn GIBC tin rằng khả năng lãnh đạo do quá trình rèn luyện tạo thành. Điều quan trọng nhất của nhà lãnh đạo là nuôi dưỡng tư duy tích cực, kiên trì rèn luyện sức khỏe, trí tuệ mọi lúc, mọi nơi.

“Con người sinh ra có nhóm máu A, máu O, nhưng không có nhóm máu lãnh đạo”, anh nói.

Bùi Mến

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).