Doanh nghiệp Việt trước nguy cơ Mỹ tăng điều tra phòng vệ thương mại
Chiều 22/3, Trung tâm Hội nhập quốc tế TPHCM phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam tổ chức hội thảo “Xung đột thương mại Mỹ- Trung, những điểm doanh nghiệp cần lưu ý về phòng vệ thương mại”. Nhiều chuyên gia kinh tế, luật sư, đại diện các hiệp hội và 150 doanh nghiệp tham gia hội thảo.
Nhiều chuyên gia phân tích, thường các nền kinh tế nhỏ, trong đó có Việt Nam, vận dụng tối đa các quy tắc trong các hiệp định, tổ chức kinh tế thế giới để giải quyết các vấn đề. Thế nhưng thực tế trong xung đột thương mại Mỹ- Trung, chỉ riêng trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hai nước lớn đã đơn phương sử dụng các chính sách thương mại trong nước của mình để xử lý các mâu thuẫn, tranh chấp thương mại. Điều này gây khó khăn cho các thị trường xuất-nhập khẩu khác, trong đó có Việt Nam.
Cụ thể như, với thực thi nghĩa vụ trong WTO, Mỹ kiện Trung Quốc 23 vụ và Trung Quốc kiện Mỹ 12 vụ và hai bên giải quyết nhiều vụ trong số này theo cách riêng của mình.
Xung đột thương mại Mỹ- Trung dẫn đến hàng loạt rủi ro về phòng vệ thương mại của Mỹ và các quốc gia khác (Ảnh minh họa: KT)
Bên cạnh những thuận lợi mà doanh nghiệp Việt có được từ xung đột thương mại Mỹ - Trung, là hàng loạt những rủi ro phải lường trước, đặc biệt là rủi ro về phòng vệ thương mại của Mỹ và các quốc gia khác.
Tính đến nay, phía Mỹ kiện Việt Nam cùng với Trung Quốc trong 13/14 vụ việc chống bán phá giá và 6/6 vụ việc trợ cấp. Các vụ kiện này diễn ra ngay sau khi Mỹ kiện Trung Quốc và tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa (liên quan đến ngành hàng bị kiện) của Việt Nam tăng lên.
Trong điều kiện xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục diễn biến phức tạp, doanh nghiệp Việt đứng trước nguy cơ gia tăng điều tra phòng vệ thương mại của Mỹ khi sản xuất từ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam, áp lực nhập khẩu từ các nước khác, nguy cơ các quốc gia khác gia tăng xu thế bảo hộ khiến hàng Việt xuất khẩu bị cạnh tranh nhiều hơn… Tất cả đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải đặc biệt chú ý đến vấn đề phòng vệ thương mại, phải có chiến lược cụ thể để tránh tổn thất lớn trong kinh doanh.
“Những rủi ro liên quan đến việc chúng ta dễ dàng trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại mà các nước hướng tới, đặc biệt là Hoa Kỳ. Trong bối cảnh Việt Nam là một nền kinh tế nằm ngay sát Trung Quốc và thời gian qua cũng có rất nhiều luồng đầu tư chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam, nguy cơ đó càng lớn”, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương cho biết./.