|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh nghiệp tố startup liên quan đến bà Lê Diệp Kiều Trang nợ hàng tỷ đồng không trả là ai?

15:44 | 25/12/2024
Chia sẻ
Giám đốc công ty cho biết do tin tưởng vào danh tiếng người sáng lập nên đã ký kết hợp đồng. Nhưng đến nay startup liên tục trốn tránh thanh toán.

Tháng 6, Cục Thi hành án Dân sự TP HCM đã ra quyết định thi hành án đối với CTCP TNHH Arevo HCM (Arevo), yêu cầu doanh nghiệp này có nghĩa vụ thanh toán hơn 7,6 tỷ đồng cho CTCP Kỹ nghệ lạnh Á Châu (Arico).

Khoản tiền gồm nợ gốc từ các hợp đồng gia công, tiền lãi trên số tiền chậm thanh toán và tiền phạt vi phạm. Ngoài ra, Arevo phải bồi hoàn 384 triệu đồng phí trọng tài và 150 triệu đồng phí luật sư cho Arico.

Theo quy định, số tiền trên phải được thanh toán trong vòng 30 ngày kể từ ngày ban hành phán quyết. Tuy nhiên, Arevo đến nay vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Bà Lê Diệp Kiều Trang. (Nguồn: Viettimes).

Trước khi đệ đơn lên Cục Thi hành án Dân sự TP HCM, Arico đã khởi kiện Arevo ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) do doanh nghiệp này không thanh toán các hợp đồng, đơn hàng gia công thực hiện từ các năm trước.

Ông Huỳnh Khôi Bình - Giám đốc Arico, nói với ZNews rằng do tin tưởng vào danh tiếng của nhà sáng lập, doanh nghiệp đã ký hợp đồng gia công các chi tiết cho xe đạp của Arevo. Tuy nhiên, dù đã hoàn thành các đơn hàng gia công, phía Arevo liên tục trốn tránh thanh toán tiền hợp đồng.

Arevo HCM được thành lập vào tháng 5/2021 với vốn điều lệ 800.000 USD do Arevo Inc. (pháp nhân tại Mỹ) làm chủ sở hữu với tỷ lệ góp vốn 100%. Bà Lê Diệp Kiều Trang hiện là người đại diện phần vốn góp của Arevo Inc. tại đây.

Arevo là startup gắn liền với tên tuổi của bà Lê Diệp Kiều Trang (cựu CEO Facebook Việt Nam) và chồng là ông Sonny Vũ (Vũ Xuân Sơn). Năm 2020, cặp vợ chồng này được bổ nhiệm lần lượt vào các vị trí Giám đốc điều hành và Giám đốc tài chính của công ty.

Về phía công ty khởi kiện Arevo, Arico có tiền thân là Khối lạnh công nghiệp thuộc CTCP Kỹ nghệ Lạnh (Searefico, mã: SRF). Arico chính thức đi vào hoạt động từ năm 2010 nhưng nền tảng kế thừa của doanh nghiệp này bắt đầu từ một xưởng cơ khí ra đời năm 1977. 

Thế mạnh của công ty con Searefico là sản xuất, chế tạo máy móc thiết bị phục vụ ngành công nghiệp thủy sản và thực phẩm. Công ty cổ phần hóa vào năm 2017 và sau đó tăng vốn điều lệ lên 120 tỷ đồng vào năm 2021, để nhận các dự án lớn hơn. Đến cuối tháng 9 vừa qua, Searefico vẫn đang nắm 84% vốn với giá gốc hơn 96 tỷ đồng.

 Ban lãnh đạo Arico. (Nguồn:Searefico).

Tuy nhiên, ngày 21/12 vừa qua, HĐQT Searefico đã ra quyết định thoái 51% vốn cổ phần của Arico. Trong đó, Searefico sẽ bán 50,9% vốn Arico cho Hoshizaki Southeast Asia Holdings Pte. Ltd có trụ sở tại Singapore và 0,1% còn lại chuyển cho Hoshizaki Vietnam Corporation - doanh nghiệp có địa chỉ tại TP HCM.

Sau thương vụ, Searefico sẽ còn giữ 33%% vốn Arico. 

Dù không còn là công ty mẹ nhưng Searefico vẫn còn ảnh hưởng tới Arico. Trong đó, Arico sẽ có hai người đại diện pháp luật, một trong số đó được đề cử bởi Searefico và đồng thời giữ chức Giám đốc.

Ba trong số 7 thành viên HĐQT của Arico cũng do Searefico đề cử và được chỉ định bởi Đại hội Đồng cổ đông. Riêng Searefico sẽ đề cử một trong 3 thành viên Ban kiểm soát và cùng Hoshizaki đề cử một người. Kế toán trưởng của Arico sẽ do HĐQT Searefico chỉ định.

Thực tế, kế hoạch tái cấu trúc lại công ty, bao gồm giảm tỷ lệ sở hữu đơn vị thành viên được lãnh đạo Searefico nhắc đến trong đại hội đầu năm nay. Theo báo cáo tài chính quý III, Searefico có 6 công ty con và hai công ty liên kết. Ngoài Arico, còn hai đơn vị khác cũng hoạt động trong mảng lạnh công nghiệp là Searee và Searefico E&C. 

Dự kiến, trong thời gian tới, Arico sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng sẽ thực hiện từ năm 2025 trở đi.

Về startup Arevo, đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực khoa học vật liệu được thành lập từ tháng 5/2013 tại Thung lũng Silicon. Công ty này chuyên hợp tác với các nhà sản xuất để phát triển sản phẩm chế tạo từ carbon nguyên khối với đặc tính siêu nhẹ, siêu bền trên quy mô lớn.

Sản phẩm nổi bật của Arevo là dự án sản xuất xe đạp Superstrata in 3D bằng sợi carbon nguyên khối. Tháng 7/2023, bà Trang thông báo dự án đã thất bại và những người điều hành công ty đã chuyển hướng sang lĩnh vực khác.

Trước khi thất bại, dự án sản xuất xe đạp Superstrata đã được ông Sonny Vũ - chồng bà Lê Diệp Kiều Trang, đưa lên trang gọi vốn cộng đồng Indiegogo để huy động vốn. Trong vòng chưa đầy 3 tháng, dự án đã huy động được hơn 7 triệu USD từ các nhà đầu tư online. Ngoài ra, theo tờ TechCrunch, ông Sonny Vũ còn huy động được 25 triệu USD từ các nhà đầu tư khác với dự án in 3D.

Với số tiền trên, năm 2021, Arevo được chấp thuận đầu tư xây dựng nhà máy tại Khu công nghệ cao TP HCM với tổng vốn 19,5 triệu USD. Tới tháng 7 năm ngoái, theo nguồn tin của tờ Sài Gòn Giải Phóng, nhà máy này đã chấm dứt hoạt động. 

Lý do là bởi “nhà đầu tư chưa thể sản xuất vật liệu carbon dẫn tới tăng chi phí, tạo ra thành phẩm không thể cạnh tranh trên thị trường và do dịch bệnh mà công ty không còn khả năng duy trì đội ngũ nghiên cứu và phát triển”. 

Như vậy, có thể thấy, nhà máy này chưa thể sản xuất ra sản phẩm là vật liệu carbon hay xe đạp như kế hoạch ban đầu.

Đức Huy

Tự doanh CTCK đẩy mạnh nắm giữ tiền gửi trong quý cuối năm
Tại cuối năm 2024, hơn phân nửa tài sản tự doanh của Chứng khoán SSI, VPS, ACBS, MBS hay Kafi là tiền gửi. VNDirect và VPBankS ghi nhận trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất mảng tự doanh. Trong khi đó, Vietcap và VIX dẫn đầu về nắm giữ cổ phiếu.