|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp thủy sản than 'mất Tết' vì xuất khẩu sang Trung Quốc tắc cả đường bộ lẫn đường biển

09:58 | 14/12/2021
Chia sẻ
Một số doanh nghiệp thủy sản than "không có Tết" vì Trung Quốc ngừng nhập khẩu hàng đông lạnh theo đường biển, trong khi đường cửa khẩu đang ùn ứ, chưa có phương án giải quyết.

Tắc cả đường bộ lẫn đường biển

Mới đây, Trung Quốc thông báo tạm dừng nhập khẩu hàng đông lạnh trong vòng 14 ngày trước và sau Tết Nguyên đán 2022 qua đường cảng biển, theo báo Thanh niên.

Bà Phan Thùy Dung, chủ đầm tôm ở Khánh Hòa cho biết nước bạn thông báo thời điểm tạm ngừng nhập khẩu hàng đông lạnh vào đầu tháng 1/2022 nhưng giữa tháng 12, các nhà nhập khẩu đã đồng loạt ngưng mua hàng.

Một trong những nguyên nhân là các công ty chế biến thủy sản ở thành phố Đại Liên (Trung Quốc) ngưng hoạt động đến sau Tết, ít nhất sang tháng 2/2022 mới tái sản xuất.

"Công ty dự kiến chuyển hướng vận chuyển mấy chục tấn tôm bằng đường bộ nhưng nay đường bộ cũng tắc luôn.

Thêm một năm không có tết!", bà Dung nói.

Mới đây, ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn gặp nhiều khó khăn, năng lực thông quan ngày càng hạn chế trong khi lưu lượng người và phương tiện tại các cửa khẩu tăng cao.

Hiện, lượng hàng hóa tồn tại 3 cửa khẩu trên lên đến 4.058 xe, bến bãi đều quá tải. 

Ông Vy Công Trường, Phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết tình hình xe hàng trái cây ùn ứ tại các cửa khẩu đã được báo động từ rất sớm, khi phía Trung Quốc có thông báo.

Dù cơ quan chức năng nhiều lần làm việc với phía Trung Quốc nhưng với chính sách "zero Covid-19" mà Trung Quốc đang áp dụng, mọi tình thế rất khó xoay chuyển.

Trong khi đó, tháng giáp Tết là thời điểm thu hoạch rộ nhiều loại nông sản như thanh long, xoài, mít… từ các tỉnh phía Nam.

Doanh nghiệp thủy sản than 'mất Tết' vì xuất khẩu sang Trung Quốc tắc cả đường bộ lẫn đường biển - Ảnh 1.

Khu tập kết xe hàng tại cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn đang rơi vào tình trạng quá tải. (Ảnh: Thanh niên)

"Ngoài việc siết thông quan, phía Trung Quốc đang đặt ra nhiều yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì… khiến hàng thông quan đã chậm lại càng chậm thêm.

So với thời điểm năm 2019 khi chưa bùng phát dịch COVID-19, lượng hàng thông quan qua 3 cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn đến nay chỉ đạt 20 - 25%", ông Trường nói.

Trung tâm quản lý cửa khẩu khuyến cáo doanh nghiệp lập kế hoạch xuất nhập khẩu để tránh bị động.

Đồng thời, điều tiết hàng từ xa và hạn chế đưa các phương tiện chở hàng lên cửa khẩu Lạng Sơn trong thời gian này.

Đối thoại song phương cần dựa trên cam kết

Hiện, Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ hai của Việt Nam. Trong 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc đạt 8,4 tỷ USD, trong đó rau quả chiếm hơn 23% kim ngạch.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích việc Trung Quốc siết hàng đông lạnh nhập khẩu thì doanh nghiệp Việt phải đảm bảo quy định kiểm dịch để bán hàng.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc đóng cửa với hàng nông thủy sản Việt trong thời điểm giáp Tết, về mặt thương mại là người tiêu dùng nước họ sẽ chịu thiệt chứ chưa phải người bán.

Bên cạnh đó, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết hiệp ước tạo thuận lợi thương mại hàng hóa.

Nếu coi dịch bệnh là trường hợp bất khả kháng, việc họ đơn phương từ chối nhận hàng, siết không mở cửa cho hàng hóa vậy đã đúng với cam kết giữa hai nước ký kết chưa.

Do đó, khi trao đổi ở cấp Chính phủ, Bộ... cần bám vào những quy định cụ thể để thương thảo, điều chỉnh. Ở thời điểm này, việc trao đổi với phía Trung Quốc vẫn chưa muộn.

Còn trường hợp phía Trung Quốc theo đuổi chính sách "zero COVID-19" thì doanh nghiệp cần tìm kiếm thị trường mới để xuất và tăng kích cầu trong nước.

Hoàng Anh