|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp thép 6 tháng đầu năm: Bất ngờ với những con số

15:23 | 11/08/2019
Chia sẻ
Trong nửa đầu năm 2019, các chỉ tiêu tổng doanh thu thuần, lợi nhuận gộp, lợi nhuận sau thuế của nhiều doanh nghiệp ngành thép cùng sụt giảm mạnh, báo hiệu một năm khó khăn do giá quặng đầu vào tăng cao cũng như chủ nghĩa bảo hộ thương mại trên thế giới lên ngôi.

Doanh thu thuần giảm gần 4.000 tỉ đồng

Theo thống kê của FiinPro về 19 doanh nghiệp thép có cổ phiếu giao dịch trên HOSE, HNX và UPCoM, tổng doanh thu thuần nửa đầu năm 2019 của các doanh nghiệp này đạt 72.765 tỉ đồng, giảm 5,1% (3.906 tỉ đồng) so với 6 tháng đầu 2018.

Riêng CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đạt doanh thu tới 30.061 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, bỏ xa đối thủ thứ hai là CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HPG) với 14.139 tỉ đồng.

Các đại gia ngành thép khác là CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco – Mã: TIS), CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG), CTCP Thép Pomina (Mã: POM) đạt doanh thu thuần trong khoảng trên 5.000-6.000 tỉ đồng.

doanh thu thep

Hòa Phát bỏ xa các doanh nghiệp khác về doanh thu thuần. Nguồn số liệu: FiinPro, Kiên Dương tổng hợp. (Số liệu 6 tháng của Hoa Sen là tổng của quí II và quí III theo niên độ kế toán riêng của công ty từ 1/10 đến 30/9 năm sau).

Trong số các doanh nghiệp thép được thống kê, Hòa Phát cũng là ông lớn duy nhất có doanh thu tăng trưởng (tỉ lệ 10,3%). 

4 doanh nghiệp khác có doanh thu tăng so với 6 tháng đầu năm 2018 đều là các công ty nhỏ, gồm: CTCP Cán thép Thái Trung (Mã: TTS) tăng 441%, CTCP Kim khí KKC (Mã: KKC) tăng 45%; CTCP Chế tạo Kết cấu Thép Vneco.Ssm (Mã: SSM) tăng 38% và CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ (Mã: KVC) tăng 5%.

Hoa Sen, Pomina, Nam Kim, Tisco đều có doanh thu thuần giảm từ 5 đến 25%.

Lợi nhuận gộp sụt giảm hàng loạt

Giống như doanh thu thuần, lợi nhuận gộp của 19 doanh nghiệp được thống kê cũng suy giảm 18% so với 6 tháng 2018, còn 7.732 tỉ đồng. 

Hòa Phát và Hoa Sen tiếp tục là hai đại gia dẫn đầu với lãi gộp 5.648 tỉ đồng và 1.752 tỉ đồng. Đây cũng là hai doanh nghiệp duy nhất có lãi gộp trên 200 tỉ đồng. 

Các doanh nghiệp còn lại có lãi gộp "tí hon" hay thậm chí là thua lỗ như CTCP Thép Dana – Ý (Mã: DNY) hay CTCP Thép tấm lá Thống Nhất (TNS). 

Mã cổ phiếu

Tên công ty

Lợi nhuận gộp

(tỉ đồng)

Tăng/giảm so với cùng kì

Biên lãi gộp

HPG

Tập đoàn Hòa Phát

5.648

-3%

18,8%

HSG

Tập đoàn Hoa Sen

1.752

-15%

12,4%

KTL

Kim Khí Thăng Long

116

13%

27,8%

NKG

Thép Nam Kim

111

-82%

1,9%

POM

Thép Pomina

104

-81%

1,7%

TMG

Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico

59

-42%

13,7%

TIS

Gang thép Thái Nguyên

38

-10%

0,7%

TDS

Thép Thủ Đức

23

-18%

1,9%

TNB

Thép Nhà Bè

17

-29%

1,4%

VCA

Thép Vicasa-VnSteel

17

-667%

1,7%

VIS

Thép Việt Ý

12

-25%

0,5%

KVC

XNK Inox Kim Vĩ

7

0%

2,2%

TTS

Cán thép Thái Trung

3

-57%

0,6%

MEL

Thép Mê Lin

3

-70%

0,2%

SSM

Kết cấu Thép Vneco

2

-117%

1,8%

DNS

Thép Đà Nẵng

1

-97%

0,2%

KKC

Kim khí KKC

0

-100%

0,0%

TNS

Thép tấm lá Thống Nhất

-10

-1,8%

DNY

Thép Dana Ý

-171

-1315,4%

Sở dĩ thép Dana Ý lỗ nặng trong nửa đầu năm nay là do công ty vẫn đang vướng vào vụ kiện với UBND Thành phố Đà Nẵng, nhà máy thép phải đóng cửa và ngừng sản xuất. Doanh thu trong kì của công ty chủ yếu đến từ thanh lí, hoặc xuất trả một số vật tư, thiết bị. 

Về biên lợi nhuận gộp, Hòa Phát đạt mức 18,8% - cao nhất trong nhóm các công ty sản xuất thép, bỏ xa Hoa Sen (12,4%), Nam Kim (1,9%), Pomina (1,7%) và Tisco (0,7%). Kim Khí Thăng Long (KTL) có biên lãi gộp lên tới 27,8%, tuy nhiên đây là công ty sản xuất hàng tiêu dùng từ thép, không phải hãng sản xuất thép. 

Kim Khí Thăng Long cũng là doanh nghiệp duy nhất có lợi nhuận gộp tăng trưởng (+13%), các công ty còn lại, từ hay bé tí hon đến khổng lồ như Hòa Phát hay Hoa Sen đều ghi nhận lãi gộp giảm sút. 

Hoa Sen: Điểm sáng trong bức tranh lợi nhuận ròng

Tổng lợi nhuận sau thuế của 19 công ty được thống kê là 4.058 tỉ đồng, giảm gần 27% so với con số 5.540 tỉ đồng của 6 tháng đầu năm ngoái. Ngoại trừ Dana-Ý lỗ ròng vì sản xuất hoàn toàn đình trệ như nói ở trên, một số tên tuổi khác cũng thua lỗ như Pomina (-133 tỉ đồng), Thép Việt Ý (-66 tỉ đồng) và Thép tấm lá Thống Nhất (-10 tỉ đồng).  

Trong số những doanh nghiệp thép có lãi 6 tháng đầu năm nay, chỉ hai doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng là Hoa Sen (+26%) và Kim khí Thăng Long (+12,6%). 

lnst

Chỉ một một số ít doanh nghiệp thép có lợi nhuận đáng kể, số còn lại lãi rất ít hoặc thua lỗ. Nguồn số liệu: FiinPro, Kiên Dương tổng hợp.

Riêng trong quí II/2019 (quí III trong niên độ kế toán của Hoa Sen), công ty của Chủ tịch Lê Phước Vũ đạt Hoa Sen đạt lợi nhuận trước thuế 216 tỉ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kì năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 161 tỉ đồng, tăng 94%.

Đại gia Hòa Phát lãi sau thuế 3.860 tỉ đồng, lớn hơn tất cả doanh nghiệp khác cộng lại, tuy nhiên vẫn suy giảm 12,8% so với cùng kì năm ngoái. 

Chia sẻ với các nhà đầu tư gần đây, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT của Hòa Phát nhận định: "Chưa khi nào ngành thép thế giới và Việt Nam gặp khó khăn như vậy. Giá quặng sắt vượt 120 USD/tấn, gần gấp đôi cùng kì năm trước". Trong điều kiện như vậy, ông Long đánh giá kết quả của Hòa Phát là khá tốt.

Lợi nhuận của Nam Kim giảm 85%, của Tisco giảm 9,6%. 

Hàng tồn kho đa phần đi lên, riêng Hoa Sen cắt giảm mạnh

Tổng giá trị hàng tồn kho tại thời điểm 30/6/2019 của 19 doanh nghiệp thép được thống kê là 32.686 tỉ đồng, giảm 3,4% so với một năm trước. Đáng chú ý, chỉ riêng Hoa Sen đã giảm hàng tồn kho tới gần 3.400 tỉ đồng, một số tập đoàn lớn có hàng tồn kho giảm như Nam Kim (-1.282 tỉ đồng), Tisco (-862 tỉ đồng).

Ngược lại, hàng tồn kho của Hòa Phát tăng 2.418 tỉ đồng, Pomina tăng 1.293 tỉ đồng.

hang ton kho

Những doanh nghiệp thép có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỉ đồng. Nguồn số liệu: FiinPro, Kiên Dương tổng hợp.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Hoa Sen tiếp tục quá trình tái cơ cấu hệ thống phân phối. Hàng trăm chi nhánh được chấm dứt hoạt động và chuyển đổi thành cửa hàng trực thuộc chi nhánh tỉnh. Trong quá trình chuyển đổi, các chi nhánh này không được kí kết thêm hợp đồng với đối tác và không phát sinh công nợ mới.

Vì vậy mà các khoản phải thu và hàng tồn kho của Hoa Sen cùng đi xuống. Tập đoàn còn giảm dư nợ vay ngắn hạn dẫn tới hạn chế chi phí lãi vay, từ đó đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận.

Tuy Hòa Phát có giá trị hàng tồn kho lớn nhất nhưng tỉ lệ so với tổng tài sản lại vào nhóm nhỏ nhất, chỉ 16,6%. Trong khi đó, tỉ lệ này của Hoa Sen là 27%, của Pomina là 29%, Nam Kim 31%, Tisco 19%, Thép Việt-Ý 40%, …

Tổng tài sản thêm hơn 27.000 tỉ đồng; Hòa Phát tăng trưởng mạnh nhờ Dự án Dung Quất

Tổng tài sản của các doanh nghiệp thép tại ngày 30/6 đạt 153.636 tỉ đồng, tăng 22% (tương đương 27.579 tỉ đồng) so với một năm trước đó.

tts thep

Hòa Phát có tổng tài sản tăng 50% so với cùng kì năm ngoái lên 93.019 tỉ đồng. Hoa Sen giảm tổng tài sản trong quá trình tái cơ cấu. FiinPro, Kiên Dương tổng hợp.

Riêng Hòa Phát có tổng tài sản tăng tới gần 31.000 tỉ đồng (50%) lên hơn 93.000 tỉ đồng. Trong một năm qua, Hòa Phát tập trung đầu tư vào Dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi).

Dự án Dung Quất có tổng vốn đầu tư ước tính ban đầu 52.000 tỉ đồng, trong đó đầu tư tài sản cố định là 40.000 tỉ đồng , vốn lưu động 12.000 tỉ đồng. Trong quá trình đầu tư, chi cho tài cố định được điều chỉnh lên thành 50.000 tỉ đồng, chi cho vốn lưu động 15.000 tỉ đồng, tức tổng cộng tăng thêm khoảng 13.000 tỉ đồng. 

Tính đến ngày 30/6/2019, Hòa Phát đã đầu tư gần 43.000 tỉ đồng vào dự án Dung Quất.

Hoa Sen có khối tài sản giảm lớn nhất với giá trị giảm 5.457 tỉ đồng (23%) vì sự điều chỉnh hàng tồn kho và phải thu trong quá trình tái cơ cấu hệ thống phân phối nói trên.

Kiên Dương