Doanh nghiệp Thái dồn sức phủ sóng thị trường Việt
Thúc đẩy thương mại song phương
Đang diễn ra rất nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại của doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan được tổ chức, nhằm tăng cường thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước.
Tại Việt Nam, từ ngày 17 đến 20/8, Cục Xúc tiến thương mại quốc tế (Bộ Thương mại Thái Lan), Thương vụ Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội phối hợp với Công ty Vinexad tổ chức sự kiện “Thương hiệu hàng đầu Thái Lan 2017 tại Hà Nội”. Tại sự kiện, lần đầu tiên hoạt động gặp gỡ giao thương (B2B) và các hoạt động thương mại liên quan được tổ chức. Trong hai ngày đầu tiên, 113 công ty và hiệp hội doanh nghiệp Thái Lan sẽ gặp 300 doanh nghiệp Việt Nam để thiết lập các cơ hội kinh doanh.
Central Group gia tăng đầu tư vào kênh bán lẻ còn vì muốn đẩy mạnh tiêu thụ hàng Thái ở Việt Nam |
Trước đó, tại trung tâm thương mại phức hợp Central Plaza Ladprao Bangkok (Thái Lan) đã diễn ra “Tuần lễ Việt Nam tại Thái Lan 2017”. Sự kiện do Central Group - một tên tuổi không xa lạ ở Việt Nam - phối hợp với Bộ Công thương tổ chức. Nơi đây quy tụ các thương hiệu Việt trưng bày và giới thiệu các mặt hàng đồ gốm, sơn mài, lụa, đồ gỗ nội thất, đặc biệt là các đặc sản Việt Nam như trái cây mang dấu ấn vùng miền, thực phẩm chế biến...
Năm 2016, các thương hiệu hàng Việt như Điện Quang, gốm sứ Minh Long, bia Sài Gòn, dệt may Hòa Thọ; các nhãn hàng sản xuất thực phẩm Bích Chi, Hoàn Châu và Tân Huê Viên, Công ty Trà Tâm Lan và cà phê Highlands… đều được người tiêu dùng Thái Lan đón nhận nồng nhiệt.
Phủ sóng mọi trận địa
Vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp Thái Lan và Việt Nam có động thái thâm nhập thị trường của nhau mạnh hơn, nhằm khai thác tiềm lực của thị trường Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) với dân số lên đến 600 triệu người và tổng GDP lên tới 3.000 tỷ USD. Tuy nhiên, chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện diện ở Thái Lan, ngoại trừ “ông lớn” Vietjet Air đã đầu tư vào thị trường này hơn 150 triệu USD. Còn lại chủ yếu các doanh nghiệp Thái Lan đang dồn sức “đánh chiếm” tổng thể thị trường Việt.
Các nhà đầu tư từ Thái Lan tập trung nhiều vào lĩnh vực phân phối, bán lẻ, sản xuất vật liệu xây dựng và hoá chất. Cách nhanh nhất để họ thâm nhập thị trường là thông qua các thương vụ M&A. Trong đó, hai tên tuổi lớn nhất là Tập đoàn TCC chi 655 triệu euro (tương đương 704 triệu USD) mua lại toàn bộ chuỗi Metro Cash & Carry Việt Nam và Central Group chi 920 triệu euro (khoảng 1,05 tỷ USD) mua lại Big C Việt Nam.
Sau khi 2 thương vụ này được hoàn tất, chỉ trong vòng 1 năm, TCC và Central Group đã tính nước thay đổi chiến lược, trước mắt là đổi tên thương hiệu. Ngoài ra, cách bài trí gian hàng trong siêu thị cũng được điều chỉnh để tiếp cận khách hàng thuận tiện nhất. MM Mega Market còn có thêm các sản phẩm mới và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng tại Việt Nam. TCC Group cũng tìm nhiều cách khác nhau để đưa hàng Thái vào MM Mega Market.
Hệ thống các công ty của tỷ phú Charoen – với công ty trung tâm là TCC Holdings – đang có hàng chục khoản đầu tư lớn nhỏ tại Việt Nam, hiện diện trên rất nhiều lĩnh vực như phân phối, bán lẻ, bao bì, đồ uống và tất nhiên không thể thiếu được bất động sản. Thương vụ mua lại Metro cũng góp phần nâng tổng giá trị các khoản đầu tư trực tiếp và gián tiếp của TCC tại Việt Nam lên đến gần 2 tỷ USD.
Việc tiếp quản Metro cùng với thương vụ công ty con Berli Jucker mua lại 65% cổ phần của Phú Thái Group từ năm 2013 sẽ giúp tỷ phú Charoen có được vị thế vững chắc trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ hàng tiêu dùng tại Việt Nam.
Hệ thống các công ty của tỷ phú Charoen đang có hàng chục khoản đầu tư lớn nhỏ tại Việt Nam, hiện diện trên rất nhiều lĩnh vực như phân phối, bán lẻ, bao bì, đồ uống và tất nhiên không thể thiếu được bất động sản.
Còn Central Group dự kiến sẽ hoàn tất việc đổi tên chuỗi siêu thị Big C tại Việt Nam trong năm nay, dù có quyền sử dụng thương hiệu này trong 10 năm tới. Central Group đang thực hiện tham vọng bành trướng hoạt động tại Việt Nam kể từ khi nhà bán lẻ này bắt đầu hoạt động tại đây từ năm 2011 thông qua đối tác Nguyễn Kim.
Hiện Central Group sở hữu hai cửa hàng Robins tại Hà Nội và TP.HCM, hai cửa hàng Marks & Spencer, 27 cửa hàng Supersports, 21 siêu thị điện máy Nguyễn Kim và 13 siêu thị Lan Chi tại Việt Nam. Cùng với chiến lược đổi tên thương hiệu Big C ở Việt Nam, Central Group đã thay đổi chiến lược, dừng việc sản xuất nhãn hàng riêng Big C đã triển khai ở Việt Nam từ 6 năm trước.
Động thái trên khiến giới chuyên môn cho rằng, Central Group gia tăng đầu tư vào kênh bán lẻ còn vì muốn đẩy mạnh tiêu thụ hàng Thái ở Việt Nam. Tại siêu thị Lan Chi, sau khi đón Central Group, hàng hóa Thái đã chiếm nhiều vị trí trên các kệ hàng. Tỷ lệ hàng Thái tại Big C Việt Nam có thể chưa cao, nhưng một vài năm tới, chắc chắn sẽ được nâng lên.
Như vậy, từ bán lẻ đến bán buôn, từ hàng thời trang, đồ gia dụng đến hàng tiêu dùng đều lần lượt xuất hiện doanh nghiệp Thái. Với những đổi thay này, có thể lúc đầu người tiêu dùng Việt Nam được lợi, nhưng về lâu dài, doanh nghiệp Việt sẽ vất vả hơn trong cuộc chơi mới.
‘M&A bán lẻ còn nhộn nhịp trong 3 – 5 năm tới’ Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài đã hoàn tất nhiều thương vụ M&A tại Việt Nam, mà chính các doanh nghiệp lớn trong ... |
Người Thái thống trị M&A bán lẻ và thực phẩm Việt năm 2016 Những thương vụ M&A có giá trị lớn nhất năm 2016 đều thuộc lĩnh vực bán lẻ và sản xuất thực phẩm. Riêng 3 thương ... |
Doanh nghiệp bán lẻ Thái Lan 'lấn sân' sang lĩnh vực văn phòng phẩm Thương hiệu kinh doanh văn phòng phẩm, thiết bị văn phòng và nội thất hàng đầu Thái Lan B2S (Business to school) vừa khai trương ... |