|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

‘Doanh nghiệp sản xuất Việt sẽ thất bại nếu không có hệ thống thương mại, hàng hoá không rẻ hơn Trung Quốc’

09:09 | 19/10/2024
Chia sẻ
Theo ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình, nếu hệ thống thương mại hoạt động không tốt, không rẻ hơn Trung Quốc thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ thất bại bởi hàng hoá tại Trung Quốc đang rẻ hơn trong nước tới 50 - 60%.

Tham gia thảo luận tại Hội thảo "Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới: Doanh nghiệp phải làm gì?" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức vào sáng ngày 18/10, các chuyên gia chỉ ra rằng ngành sản xuất của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Trung Quốc.

Theo PGS TS. Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASIE), việc ba tập đoàn bán lẻ Trung Quốc gồmTemu, Taobao và 1688 vào Việt Nam là rất quan trọng và đáng chú ý.

Hiện họ bán hàng hóa giá rẻ hơn chúng ta, đồng thời không mất tiền ship… Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lo sợ đây là sẽ gặp tác động tiêu cực. 

Ông Tuất nói thêm: "Đúng là 'chuyện số, xanh' quan trọng, nhưng đang có xu hướng doanh nghiệp lo sợ quá nên làm cho có, rất nguy hiểm. Vì vậy cần lập một nhóm chuyên gia tư vấn để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nghiệp lớn. Nhóm chuyên gia sẽ lập lộ trình chi tiết giúp doanh nghiệp ứng phó ngay với các thách thức gần nhất của xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh".

Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình (Ảnh: BTC).

Không có hệ thống thương mại, sản xuất khó phát triển

Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình cũng cho rằng, nếu không có hệ thống thương mại riêng, hoạt động không tốt, không rẻ hơn Trung Quốc thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ thất bại.

Theo ông, các doanh nghiệp Trung Quốc đang thừa hàng và rẻ hơn Việt Nam tới 50 - 60%. Do đó, hiện tại, doanh nghiệp trong nước chỉ tập trung làm khách sạn và nhà ở xã hội, rất hạn chế sản xuất. Nếu có hệ thống thương mại tốt, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn.

Kể lại câu chuyện từ năm 2014 ông đã xây dựng một nhà máy sản xuất nước ngọt có gas, ông Đường cho biết, đến năm 2016 sản phẩm nước ngọt có gas được đưa ra thị trường, nhưng không bán được vì thiếu sự hỗ trợ của hệ thống bán lẻ. 

"Vì vậy, đến năm 2017, Coca-Cola đến đặt vấn đề, doanh nghiệp phải ký hợp đồng trở thành đơn vị gia công sản xuất nước có gas. Tôi sản xuất ra sản phẩm nhưng mang vào Lotte không mua, Big C không mua... Tôi mang sản phẩm vào Co.opmart nhờ mà họ cũng không mua", ông Đường cho hay. 

Như vậy, dù doanh nghiệp làm chủ công nghệ sản xuất nước ngọt có gas nhưng vẫn phải đi gia công thuê cho Coca-Cola. Vì thế, cái quan trọng nhất là doanh nghiệp trong nước phải lấy lại được hệ thống thương mại, làm chủ được hệ thống thương mại thì mới hỗ trợ được doanh nghiệp sản xuất".

Chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM, để giảm giá thành sản xuất doanh nghiệp cần tham gia nhiều hơn vào chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số trong thương mại nói riêng.

Trong đó, Chính phủ cần tạo thuận lợi về chính sách cũng như cải thiện hạ tầng số để cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng giảm thiểu rủi ro đối với hoạt động trên môi trường mạng, từ đó cải thiện niềm tin đối với các hoạt động tạo giá trị gia tăng gắn liền với chuyển đổi số trong thương mại, hướng tới thương mại số.

Hoàn thiện thể chế phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số trong thương mại ở cả hệ thống cơ quan quản lý thương mại và doanh nghiệp. Cũng như, tăng cường hiệu lực bảo vệ sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp và các cá nhân thực hiện cung ứng hàng hóa và dịch vụ trên nền tảng số, bao gồm cả các giao dịch xuyên biên giới. 

Cuối cùng, cần phát huy trách nhiệm môi trường - xã hội - quản trị (ESG) của doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số trong thương mại. 

Anh My

ADB nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,4% năm 2024 và 6,6% năm 2025
Theo các chuyên gia từ ADB, hoạt động thương mại của Việt Nam mạnh hơn dự kiến, sản xuất chế biến chế tạo hàng xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, và việc tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài khóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, tổ chức này đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam.