Doanh nghiệp Pháp muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế biển
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 30/6 tại thành phố Lorient, vùng Bretagne, Phòng Thương mại và Công nghiệp (CCI) tỉnh Morbihan đã tổ chức buổi tọa đàm doanh nghiệp với sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, đại diện Bộ Thương mại và Kế hoạch Đầu tư Việt Nam tại Pháp, cùng đông đảo các doanh nghiệp địa phương.
Tại buổi toạ đàm, ông Philippe Rouault, Chủ tịch CCI của tỉnh đã bày tỏ vui mừng trước chuyến thăm và làm việc của Đại sứ Việt Nam tại tỉnh Mobihan, đặc biệt trong bối cảnh 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.
Ông Rouauld cũng giới thiệu sơ qua các tiềm năng hợp tác kinh tế của tỉnh Mobihan với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế biển và quản lý, bảo vệ môi trường biển. Ông cho biết có nhiều doanh nghiệp của tỉnh Mobihan nói riêng và vùng Bretagne nói chung đã và đang có ý định phát triển hoạt động tại Việt Nam và Đông Nam Á. Ông Roualt cho rằng buổi toạ đàm tại CCI của Morbihan là cơ hội để hai bên tìm hiểu rõ hơn về tình hình cũng như tiềm năng hợp tác giữa địa phương này với Việt Nam.
Về phần mình, Đại sứ Đinh Toàn Thắng khẳng định vui mừng được thăm và làm việc với CCI của tỉnh Mobihan cũng như với các doanh nghiệp địa phương và các hiệp hội của người Việt tại vùng Bretagne. Đại sứ giới thiệu vài nét về nền kinh tế Việt Nam hiện nay, một trong những nền kinh tế năng động trong khu vực Đông Nam Á, cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương với rất nhiều Hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương với nhiều nước và khu vực trên thế giới.
Đại sứ khẳng định Pháp là một trong những đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam tại châu Âu cả về thương mại và đầu tư, cho rằng tỉnh Mobihan nói riêng và vùng Bretagne nói chung có nhiều lợi thế để phát triển hợp tác kinh tế với Việt Nam với thế mạnh về kinh tế biển, phát triển bền vững. Đại sứ bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp của Mobihan sẽ thúc đẩy các dự án hợp tác kinh tế, đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tại buổi toạ đàm, các doanh nghiệp Pháp đã giới thiệu các dự án đang hợp tác với Việt Nam cũng như định hướng, mong muốn hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới, trong một số lĩnh vực như khảo sát đáy biển, bờ sông phục vụ phát triển bền vững, xử lý nước biển để sản xuất nước ngọt cho các tàu đánh cá xa bờ hoặc các đảo thiếu nước ngọt, hợp tác sản xuất thực phẩm chức năng….
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho biết: "Trong quan hệ giữa Việt Nam và Pháp, kinh tế thương mại đầu tư là lĩnh vực hợp tác quan trọng, luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ của rất nhiều đối tác hai bên, từ chính phủ, bộ, ngành, các doanh nghiệp cũng như các hiệp hội.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ song phương, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy, kết nối kinh tế, thương mại đầu tư, cũng như đưa quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam và Pháp đi sâu và có hiệu quả hơn nữa.
Đây là dịp để hai bên cùng trao đổi, bàn bạc và xác định các phương hướng sắp tới để có thể đáp ứng được nhu cầu hợp tác của Việt Nam và Pháp, cũng như phục vụ yêu cầu phát triển của hai nước trong giai đoạn đang có nhiều thách thức, cũng như cơ hội cần tranh thủ".
Đại sứ cho rằng Việt Nam và Pháp là đối tác quan trọng của nhau trên nhiều lĩnh vực và hiện nay, quan hệ kinh tế đó đang đứng trước những yêu cầu mới vừa phải đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, vừa phải thúc đẩy hợp tác mang tính chiều sâu dựa trên khoa học công nghệ, đảm bảo sự phát triển bền vững của hai nước trên tất cả các lĩnh vực.
"Morbihand là một vùng đất giàu tiềm năng và có truyền thống hợp tác với Việt Nam kể cả trên lĩnh vực kinh tế, cũng như các lĩnh vực khác và các đối tác kinh tế tại địa bàn cũng đã thể hiện được những mong muốn, kỳ vọng và hướng phát triển hợp tác sắp tới giữa địa phương này với Việt Nam", Đại sứ khẳng định.
Đồng tình với sự nhìn nhận trên của Đại sứ Đinh Toàn Thắng, ông Philippe Rouault, Chủ tịch CCI tỉnh Morbihan cho rằng hai bên có nhiều cơ hội hợp tác kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực biển.
Ông nói: "Chúng tôi có nhiều doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ, chuyển đổi năng lượng và môi trường sinh thái liên quan đến biển. Các doanh nghiêp địa phương rất mong muốn hướng tới các thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam, giới thiệu những thành tựu công nghệ của họ trong các lĩnh vực xung quanh vấn đề chuyển đổi năng lượng, nước và biển, cũng như trong các vấn đề khác".
Trong khi đó, ông Benjamin Gury, Phó Giám đốc Công ty SLCE, thấy công ty của ông có nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực ngư nghiệp, khi tàu thuyền có nhu cầu vươn khơi để tìm kiếm nguồn cá mới và sản xuất nước ngọt trên tàu.
Hiện công ty này đang làm ăn với Việt Nam thông qua một công ty đóng tàu có trụ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau buổi toạ đàm, Đại sứ và đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam đã đi thăm một số doanh nghiệp địa phương đang có dự án hợp tác với Việt Nam như doanh nghiệp SLCE về xử lý nước biển, hay công ty Plastimo, doanh nghiệp hàng đầu của Pháp về các sản phẩm cứu hộ và thiết bị cho tàu thuyền và hoạt động trên biển.