|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Doanh nghiệp nội thất bỏ quên sân nhà

16:18 | 01/03/2019
Chia sẻ
Ngành gỗ nội thất Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, nhưng các doanh nghiệp chủ yếu tập trung đến thị trường xuất khẩu, mà bỏ quên sân nhà.


Doanh nghiệp nội thất bỏ quên sân nhà - Ảnh 1.

Thị trường nội thất Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển.

“Nhường sân nhà” cho doanh nghiệp ngoại

Sự phát triển trở lại của thị trường bất động sản trong 3 năm qua đã kéo theo các dịch vụ, sản phẩm đi kèm cũng có mức cầu lớn, đặc biệt là các sản phẩm trang trí nội thất. Ngoài ra, thu nhập của người tiêu dùng ngày một tăng, khiến nhu cầu có ngôi nhà tiện nghi, sang trọng cũng gia tăng. Vì vậy, họ quan tâm nhiều hơn và sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm trang trí nội thất đắt đỏ.

Ông Vũ Tiến Thập, chủ thương hiệu Home’Furni, siêu thị nội thất gia đình cho biết, sức mua thị trường nội địa hiện nay rất khả quan. Người dùng Việt đang ngày càng quan tâm nhiều hơn về không gian sống, chú ý đến tính hữu dụng của các đồ dùng nội thất, chứ không còn mang tính cảm quan, thích gì thì đưa về nhà như trước đây.

Theo báo cáo thị trường của Công ty TNHH Nghiên cứu, tư vấn, chuyển giao công nghệ và đầu tư (Concetti) thị trường nội thất Việt Nam tăng trưởng mạnh trong 3 năm qua cùng sự phát triển của thị trường bất động sản. Dự đoán, nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Theo thông tin từ Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), trong năm 2018, tổng giá trị tiêu dùng nội thất của thị trường Việt Nam đạt khoảng 4 tỷ USD.

Còn theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 tăng rất ấn tượng, đạt con số kỷ lục 8,9 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2017. Các thị trường có tốc độ tăng trưởng về kim ngạch lớn bao gồm Mỹ (3,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2017), Nhật Bản (1,119 tỷ USD, tăng 13,1% so với năm 2017) và Hàn Quốc (938,7 triệu USD, tăng 39,2% so với năm 2017).

Theo ông Ngụy Thanh Vĩ, chuyên gia nội thất (Công ty cổ phần Gỗ An Cường), cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có ảnh hưởng đến thị phần của thị trường gỗ nội thất. Một trong những mặt hàng Mỹ đánh thuế Trung Quốc cao là gỗ nội thất, nên đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp gỗ nội thất Việt Nam.

Doanh nghiệp nội thất bỏ quên sân nhà - Ảnh 2.

Nhưng doanh nghiệp nội đang nhường sân nhà cho doanh nghiệp ngoại

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Cụ thể, cuộc chiến làm kìm hãm sự phát triển của ngành gỗ Trung Quốc, trong khi Việt Nam là nguồn cung nguyên liệu đầu vào quan trọng cho Trung Quốc. Do đó, xuất khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc năm 2018 không tăng trưởng.

Mặc dù ngành gỗ và sản phẩm gỗ nội thất Việt Nam có sự phát triển mạnh với kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua, nhưng theo các chuyên gia, điều đáng ngạc nhiên là các doanh nghiệp nội thất Việt Nam dường như đang bỏ quên sân nhà cho các doanh nghiệp ngoại. Trong khi, đây là thị trường đầy tiềm năng và phát triển mạnh trong thời gian qua.

Cụ thể, ông Trần Việt Tiến (Hawa) cho biết, tại buổi làm việc với Thương vụ Ý tại Việt Nam mới đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã rất ngạc nhiên với cách người nước ngoài đánh giá tiềm năng của thị trường nội thất Việt Nam.

Theo Thương vụ Ý, dù là quốc gia đang xuất khẩu gỗ và gỗ nội thất hàng đầu thế giới, nhưng thị trường nội địa của Việt Nam lại đang thuộc về những “tay chơi” lớn từ Đức và Pháp (phân khúc cao cấp), Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan (phân khúc còn lại).

Cần hướng đi mới

Dù thị trường nội thất nội phát triển mạnh trong 3 năm trở lại đây, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, thị trường nội thất là thị trường “ăn theo” bất động sản, nên cũng sẽ phập phồng theo thị trường địa ốc. Do đó, ngoài việc hướng tới về sân nhà, các doanh nghiệp nội thất nội vẫn nên tiếp tục hướng tới thị trường xuất khẩu. Trong đó, nếu biết tận dụng tốt, cuộc chiến Mỹ - Trung sẽ tạo ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Các chuyên gia cũng nhận định rằng, năm 2019 có thể sẽ chứng kiến thêm các vụ điều tra của Chính phủ Mỹ về các gian lận thương mại của các công ty Trung Quốc, nên đây sẽ là một năm quan trọng đối với Việt Nam trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung, đặc biệt kiểm soát nguồn cung gỗ nhập khẩu.

Với doanh nghiệp, cần đổi mới công nghệ, tập trung vào khâu thiết kế, thương mại, tạo ra sản phẩm độc đáo, có giá trị cao để tận dụng cơ hội, chiếm lĩnh thị trường khó tính như Mỹ.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gỗ An Cường cho biết, Việt Nam đã bắt đầu có những doanh nghiệp đi theo cách của một số hệ thống như IKEA, JYSK..., đó là trở thành địa chỉ để khách chọn mua đồ nội thất khi muốn thiết kế một ngôi nhà mới. Những cửa hàng nội thất mới này với khái niệm “one-stop shopping” - điểm dùng mua sắm, ứng dụng công nghệ tối đa hỗ trợ người dùng.

Ở đây không chỉ bán gỗ lót sàn, cửa hay tủ, bàn, ghế..., mà còn cho phép người dùng có thể tự phối cảnh 3D ngay với những món hàng họ muốn mua ở đây.

“Khách không phải rơi vào cảnh tha từng món nhỏ nhiều nơi mà không biết nó có phù hợp với nhau hay không. Các căn nhà diện tích nhỏ hơn đang đòi hỏi nội thất sẽ ngày càng tối giản, tập trung vào công năng hơn, đó là điều kiện để thị trường nội thất Việt Nam phát triển”, ông Nghĩa nói.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, bà Nguyễn Thanh Thủy, đại diện Công ty Nội thất Xếp gọn cũng cho biết, doanh nghiệp nội địa muốn chủ động trước thị trường, trước hết phải thay đổi giá sản phẩm, cải tiến mẫu mã để phù hợp với thị trường. Về hợp tác có thể đi theo dạng các nhóm đầu tư với nhau, như hiệp hội bất động sản, hay hiệp hội ngành đồ gỗ để đi theo dự án.

Còn đơn vị nào bán lẻ, nên đầu tư mạnh hơn các khâu quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chiến lược quảng cáo đến người tiêu dùng mạnh hơn và có nhiều chính sách ưu đãi hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp nội cũng nên mở rộng thêm hệ thống của mình, phát triển thêm thị trường nội địa một cách phù hợp.

Ở một góc nhìn khác, ông Vĩ nhận định, các doanh nghiệp nội thất Việt Nam cần nhanh chóng tìm kiếm cơ hội bắt tay với các nhà phân phối chuyên nghiệp để có được thị phần, chủ động trước phản ứng của thị trường. Bên cạnh đó, việc hợp tác với doanh nghiệp ngoại sẽ giúp doanh nghiệp Việt nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.

Mặt khác, do thị trường bất động sản có xu hướng đi chậm lại, nên thị trường nội thất nội sẽ nương theo, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt hơn trong năm 2019. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoại xâm nhập cũng tạo ra áp lực cạnh tranh lớn trên thị trường.

“Mặt dù thị trường nội thất Việt được ví như miếng bánh lớn, nhưng phải chia cho nhiều người. Do đó, các doanh nghiệp phải chủ động trong mọi tình huống, từ cải tiến mẫu mã, chất lượng, giá cả và hậu mãi phải tốt hơn mới có thể thu hút được khách hàng”, ông Vĩ cho biết.

Nhất Nam