|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp Nhật Bản mong Việt Nam thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp với năng lượng tái tạo

14:35 | 20/05/2023
Chia sẻ
Trước nguy cơ thiếu điện, nhiều người dân, chủ doanh nghiệp cũng mong chờ cơ chế có thể mua bán điện trực tiếp, đặc biệt là với mảng năng lượng tái tạo, điện mặt trời mái nhà.

Băn khoăn của doanh nghiệp FDI Nhật Bản

Ngày 19/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Fujimoto Masayoshi, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sojitz trong chương trình làm việc tại Nhật Bản.

Tập đoàn này hiện có 17 công ty liên doanh tại Việt Nam với doanh thu khoảng 1 tỷ USD trong các lĩnh vực thiết bị, năng lượng, hóa chất, khu công nghiệp và nông lâm nghiệp…

Tại buổi làm việc, ông Fujimoto Masayoshi cho biết hiện nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có các doanh nghiệp lớn đang muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam hoặc chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Fujimoto Masayoshi, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sojitz. (Ảnh VGP/Nhật Bắc).

Có khoảng 70 doanh nghiệp đang tìm hiểu về khả năng Sojitz mở thêm các khu công nghiệp tại Việt Nam. Và bản thân Tập đoàn Sojitz cũng đã đưa ra một số ý tưởng mở rộng hoạt động đầu tư thời gian tới trong các lĩnh vực khu công nghiệp, năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, ông Fujimoto Masayoshi cũng trao đổi về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư thời gian qua và nêu một số đề xuất liên quan tới cơ chế mua bán điện trực tiếp, phát triển năng lượng tái tạo…

Liên quan đến đề xuất của FDI Nhật Bản, Thủ tướng Phạm minh Chính cho biết Chính phủ vừa ban hành Quy hoạch điện VIII, trong đó ưu tiên phát triển mạnh năng lượng tái tạo.

Đồng thời yêu cầu ban hành thí điểm, tiến tới xây dựng chính thức cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất điện năng lượng tái tạo và khách hàng tiêu thụ đồng bộ với sửa đổi Luật Điện lực và lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh.

Mong chờ cơ chế có thể mua bán điện trực tiếp điện mặt trời

Không chỉ với Tập đoàn Sojitz, việc thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp cũng là mối quan tâm chung của các doanh nghiệp nội địa và khách hàng có nhu cầu sử dụng điện lớn.

Trong thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục phát đi cảnh báo về nguy cơ thiếu điện, nhiều người dân, chủ doanh nghiệp cũng mong chờ cơ chế có thể mua bán điện trực tiếp điện mặt trời mái nhà nói riêng, cũng như giữa các chủ đầu tư năng lượng tái tạo với các khách hàng sử dụng điện có nhu cầu mua trực tiếp.

Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cho biết Bộ Công Thương đang soạn thảo và trình Chính phủ ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

Theo đó, các nhà máy điện tham gia chương trình thí điểm mua bán điện trực tiếp không quá 1.000 MW. EVN có trách nhiệm kiểm tra khả năng bị giới hạn công suất phát điện của các nhà máy điện tại thời điểm đăng ký vào vận hành thương mại.

Trong giai đoạn vận hành thí điểm, bên phát điện và khách hàng sử dụng điện được lựa chọn tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp phải hoàn thành việc đàm phán, ký kết các hợp đồng liên quan, hoàn thành việc xây dựng nhà máy điện năng lượng tái tạo và đưa nhà máy điện vào vận hành thương mại, tham gia thị trường điện để chính thức thực hiện các giao dịch theo nguyên tắc vận hành thí điểm mua bán điện trực tiếp quy định.

Hết thời hạn thí điểm 1 năm, các đơn vị phát điện đưa nhà máy điện vào vận hành thương mại và tham gia thị trường điện. Bộ Công Thương sẽ đánh giá các khía cạnh về thị trường, kỹ thuật, tài chính và pháp lý… đề xuất để áp dụng chính thức cơ chế này.

Ông Võ Quang Lâm cho rằng nếu được thông qua,dự thảo này sẽ mở ra cơ hội cho khách hàng sử dụng có thể mua bán trực tiếp điện được với chủ đầu tư năng lượng tái tạo bởi việc mua bán điện mặt trời mái nhà giữa các hộ gia đình với nhau đang khá phổ biến trên thế giới.

Hiện, EVN đã giao Tổng Công ty Điện lực miền Trung nghiên cứu cơ chế này, bản chất sử dụng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số là hướng thế giới đang làm, EVN đang đề nghị Bộ Công Thương cho phép triển khai sớm.

"Nếu cơ chế được thông qua, EVN sẽ hỗ trợ các đơn vị kết nối và chịu trách nhiệm khâu truyền tải và phân phối. Chúng tôi sẽ sử dụng lưới điện truyền tải của mình để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp có thể mua bán trực tiếp. Còn nếu sử dụng lưới điện trong khu công nghiệp, khu vực thì các bên có thể mua bán trực tiếp với nhau", ông Võ Quang Lâm cho biết.

Hoàng Anh

Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brazil lên Đối tác chiến lược
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Lula da Silva đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brazil lên Đối tác chiến lược và ra Tuyên bố chung Việt Nam – Brazil về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược.