|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp ngành gỗ \"khát\" nguyên liệu đạt \"chuẩn\"

08:29 | 03/01/2017
Chia sẻ
Trong năm 2016, ngành gỗ đã có nhiều khởi sắc với sự tăng lên về kim ngạch XK, dự tính có thể đạt tới con số trên 7 tỷ USD. Tuy nhiên, các DN ngành này luôn thường trực mối lo thiếu nguyên liệu để sản xuất, thậm chí, không ít DN phải ngừng XK vì không đủ nguyên liệu cho các đơn hàng xuất khẩu.
doanh nghiep nganh go khat nguyen lieu dat chuan
DN ngành gỗ có nhiều triển vọng để XK, nhưng phải tìm ra được giải pháp về nguyên liệu. Ảnh: Trần Việt.

Tăng trưởng khá

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, qua 11 tháng năm 2016, XK gỗ và các sản phẩm gỗ đã đạt gần 6,22 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường XK chủ yếu của ngành này gồm: Hoa Kỳ đạt kim ngạch gần 2,52 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ; Trung Quốc với 903 triệu USD, tăng 9%; Nhật Bản đạt kim ngạch 884 triệu USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ.

Mặc dù có mức tăng nhẹ, nhưng đây đã là tín hiệu khả quan sau một năm nhiều khó khăn đối với ngành gỗ, nhất là về thị trường. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho biết, dự kiến cả năm nay số này có thể đạt tới 7,3 tỷ USD. Thậm chí, trong năm 2017, dự kiến XK gỗ và sản phẩm gỗ có thể cán mốc 8 tỷ USD.

Nguyên nhân của việc tăng trưởng này là do những tác động tích cực từ việc tiến tới ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cùng chủ động từ các DN chế biến, XK gỗ. Theo đó, không ít DN đã chuyển hướng sang các thị trường mới nhưng giàu tiềm năng như Hàn Quốc, Trung Đông, Ấn Độ hay Nga… Theo Vifores, thị trường Hàn Quốc đã ghi nhận mức tăng mạnh tới 17,5% trong 10 tháng năm 2016; hơn nữa, các thị trường khác cũng có nhiều tín hiệu tích cực khi nhu cầu tiêu dùng gia tăng.

Chia sẻ về vấn đề này, theo ông Nguyễn Lê Thắng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và XK gỗ An Hòa, nếu như trước đây, thị trường Nhật Bản và Trung Quốc là 2 thị trường chủ lực của DN, thì hiện nay, do tình hình kinh tế nên lượng đơn hàng từ Trung Quốc giảm hơn, thị trường Nhật Bản khá khó tính, luôn đòi hỏi yêu cầu cao nên DN chưa thể đáp ứng được hết yêu cầu. Vì thế, DN đã mở rộng sang thị trường Trung Đông, thị trường hiện đang có nhu cầu cao mà lại không khắt khe về chất lượng, mẫu mã. Nhờ đó, doanh thu của DN đã tăng đều qua từng năm, trung bình khoảng 10-20%. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là làm sao để DN có thể lo đủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất.

Nỗi lo nguyên liệu đủ "chuẩn"

Thực tế, hiện nguồn nguyên liệu gỗ trong nước cũng như NK đã khan hiếm hơn rất nhiều. Ông Nguyễn Tôn Quyền cho hay, gần đây Chính phủ Lào đã có văn bản cấm XK gỗ khi chưa phải là sản phẩm gỗ. Điều này khiến cho các DN Việt không thể tiếp tục trông đợi vào nguồn gỗ nguyên liệu NK từ Lào. Trong khi đó, nguồn gỗ NK từ các quốc gia khác sẽ tốn kém nhiều chi phí, nguồn gỗ trong nước không đủ cho số lượng hàng nghìn DN hiện nay.

Đại diện Công ty TNHH XNK Gỗ Việt chia sẻ, năm 2016, DN chủ yếu sản xuất để cung cấp cho thị trường nội địa, gần như ngưng hoạt động XK. Không phải do DN không có đơn hàng mà bởi DN “không dám” nhận đơn hàng XK vì thiếu nguồn nguyên liệu đủ “chuẩn”, đủ giấy tờ hợp lệ theo yêu cầu để sản xuất. Hiện nay, nguồn nguyên liệu của DN chủ yếu từ việc khai thác gỗ trong nước, phải là các DN mạnh, đủ tiềm lực tài chính mới có khả năng NK gỗ từ quốc gia khác về sản xuất. Do vậy, trong năm 2017, việc quay trở lại XK của DN vẫn là “câu hỏi” chưa có lời đáp, chỉ cần tìm được giải pháp về nguyên liệu thì thị trường XK hay các vấn đề khác không phải là mối lo lớn.

Cùng chung cảnh ngộ, đại diện Công ty Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ - Lục Giao cho hay, từ năm 2015, thị trường trong nước và XK đều rơi vào tình trạng “ế ẩm”, bởi nguồn nguyên liệu và cơ sở sản xuất, kinh doanh không đạt theo tiêu chuẩn, yêu cầu của phía đối tác. Trong khi trông chờ vào thị trường nội địa cũng rất khó do kinh tế chưa đủ mạnh để người dân tiếp tục chi cho sản phẩm nội thất.

Từ những ý kiến trên cho thấy một thức tế là đa phần DN gỗ Việt Nam sản xuất từ gỗ tự nhiên trong khi xu hướng dùng gỗ nhân tạo đã được nhiều DN trên thế giới đón đầu từ lâu. Hơn nữa, việc sử dụng gỗ nguyên liệu có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, khu vực rừng nhiệt đới… đã nhiều lần được đưa ra cảnh báo DN về độ rủi ro. Do vậy, các chuyên gia ngành gỗ đã lưu ý DN chuyển hướng sang loại hình gỗ nhân tạo để tăng năng lực XK, hiện Việt Nam đã có một vài nhà máy sản xuất gỗ công nghiệp, nếu phát triển tốt, đây sẽ là nguồn nguyên liệu thay thế lâu dài và tốt nhất khi nguyên liệu tự nhiên ngày càng khan hiếm và không ổn định.

Tuy việc thay thế là cần thiết nhưng điều quan trọng là phải thay đổi được tư duy, tập quán sản xuất và lãnh đạo DN phải tìm ra được phương hướng để thay đổi cho phù hợp. Điều này không chỉ cần sự chủ động, nỗ lực của DN mà cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, hiệp hội để hướng dẫn, cập nhật thông tin thị trường… và trên hết, giúp đa số DN ngành gỗ có thêm nguồn lực tài chính để cơ cấu lại theo hướng phát triển mới.

Hiện nhu cầu sử dụng gỗ và sản phẩm gỗ của thị trường thế giới rất rộng lớn, khoảng 240 tỷ USD/năm, riêng thị trường Mỹ khoảng 30 tỷ USD/năm, thị trường EU khoảng 85 tỷ USD/năm.

Hương Dịu