|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Doanh nghiệp Mỹ đầu tiên niêm yết tại sàn Việt Nam

10:41 | 26/05/2018
Chia sẻ
Công ty lâu đời của Mỹ Stanley Furniture đã tìm đến Việt Nam để mở rộng thị trường và huy động vốn.
doanh nghiep my dau tien niem yet tai san viet nam Doanh nghiệp Mỹ không phải là 'nạn nhân' duy nhất của quyết định áp thuế nhập khẩu lên thịt heo Mỹ
doanh nghiep my dau tien niem yet tai san viet nam Công ty liên kết với Việt Nam mua lại một công ty sản xuất nội thất niêm yết trên Nasdaq
doanh nghiep my dau tien niem yet tai san viet nam

Với mức tăng trưởng 52% trong năm 2017, Bloomberg đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng tốt nhất châu Á. Không chỉ còn là nơi gia công sản xuất, Việt Nam đang trở thành một thị trường gọi vốn đầy tiềm năng.

Khả năng tăng hạng thị trường rất lạc quan sau khi phá đỉnh lịch sử 11 năm và tiếp tục đạt mức vốn hóa thị trường trên 190 tỉ USD. Đại diện của MSCI châu Á, ông Valentin Laiseca đã nhận định: “Quy mô và thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển rất tốt và tiến gần đến nâng bậc thị trường từ cận biên lên mới nổi. Rào cản còn lại là tỉ lệ free float (tự do chuyển nhượng) và khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài”.

Việc nới room ngoại của các mã chứng khoán chủ đạo đang diễn ra rất lạc quan từ cuối năm 2016 đến nay, đang dần mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài. Các chuyên gia kỳ vọng việc nâng hạng sẽ diễn ra vào năm 2020. Các điều kiện lạc quan này giúp thị trường chứng khoán trở thành nơi gọi vốn tiềm năng và lần lượt hấp dẫn kế hoạch niêm yết của các doanh nghiệp FDI. Đơn cử như doanh nghiệp Đài Loan, Vietnam Fotress Tools, dự kiến sẽ niêm yết trong quý II/2018. Một doanh nghiệp FDI đến từ Mỹ cũng dự định sẽ niêm yết trong quý I/2019.

Sức hấp dẫn kép

Stanley Furniture Company là công ty sản xuất nội thất được thành lập tại Mỹ vào năm 1942 và niêm yết trên sàn Nasdaq. Tổng tài sản của Stanley là 28,5 triệu USD với vốn chủ sở hữu 12,2 triệu USD vào cuối năm 2017. Thị trường của Công ty chủ yếu tại Mỹ, chiếm 91% doanh số. Là một thương hiệu lâu đời với các sản phẩm nội thất trung cao cấp, Công ty thiết kế mẫu mã, sản xuất, đặt hàng gia công và phân phối ra thị trường thông qua các nhà bán sỉ và phân phối bán lẻ nội thất (B2B). Các sản phẩm có xuất xứ tại Mỹ được bán cùng thương hiệu với các sản phẩm được gia công tại các nhà máy nước ngoài.

Vào cuối năm 2017, Stanley đã được Churchill Downs LLC mua lại toàn bộ với giá 11,5 triệu USD, một khoản trái phiếu thứ cấp có đảm bảo (subordinated secured promissory note) trị giá 4,6 triệu USD, 5% vốn chủ trong công ty mẹ sau khi hoàn tất thương vụ và chuyển giao toàn bộ nợ và trách nhiệm khác. Giao dịch cũng bao gồm việc sử dụng một phần tiền mặt để mua lại cổ phiếu phổ thông của Công ty, trả cổ tức đặc biệt cho các cổ đông và sử dụng một phần tiền mặt để mua lại các tài sản không liên quan đến mảng nội thất đồ gỗ, nhằm bù vào các khoản lỗ lũy kế từ hoạt động kinh doanh.

Ông Matthew Alan White, Giám đốc của Nu Advisory, công ty cố vấn thực hiện thương vụ này, chia sẻ cùng NCĐT: “Ngoài sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam, sức tiêu thụ đang tăng nhanh của thị trường nội thất tại các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, cũng là một trong những lý do chính cho quyết định niêm yết tại Việt Nam”. Thay vì chỉ phân phối tại thị trường nội địa Mỹ như trước nay, một trong những điểm trọng tâm của chiến lược xây dựng lại thương hiệu Stanley là phát triển hệ thống phân phối tại Đông Nam Á.

Thương vụ này còn có sự tham gia của Endurance Capital với mức góp 3 triệu USD cùng Christopher Beselin, nhà sáng lập của Endurance và Lazada. Chủ mới của Stanley rất am hiểu thị trường Việt Nam cũng là yếu tố quyết định cho việc niêm yết tại Việt Nam. Churchill Downs LLC được ông Walter Blocker thành lập để mua lại Stanley. Ông đã sống tại Việt Nam từ năm 1995 và thuộc thế hệ người Mỹ đầu tiên kinh doanh tại Việt Nam sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ.

Ông cũng là Chủ tịch của AmCham trong 3 nhiệm kỳ và thành lập Liên minh Thương mại Việt Nam (Vietnam Trade Alliance), bao gồm một nhóm các công ty kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng nhanh và phân phối tại các nước Đông Nam Á. Ông cũng là người mang thương hiệu bia Budweiser vào Việt Nam năm 2008. Thương vụ đến với ông Walter từ Quản lý cấp cao của Stanley, ông Richard Ledger - hiện là Tổng Giám đốc Stanley.

Vực dậy thương hiệu một thế kỷ

Trong năm 2017, doanh thu của Stanley là 45 triệu USD với lợi nhuận ròng đạt 4,8 triệu USD. Tuy nhiên, thu nhập ròng của Công ty lại âm 7,7 triệu USD. Lợi nhuận được bù đắp từ việc nhận lại các khoản thuế chống phá giá của Mỹ. Doanh số của Công ty đã bắt đầu sụt giảm sau khủng hoảng bất động sản một thập niên trước. Các nhà máy sản xuất tại Mỹ đã trở thành gánh nặng cho thương hiệu có tuổi đời một thế kỷ này và đã lần lượt đóng cửa.

Hiện nay, các sản phẩm của Stanley được chuyển hướng sang gia công tại các nước Đông Nam Á. Đơn vị gia công cho Stanley là Công ty Starwood Furniture, có nhà xưởng tại Bình Dương, Việt Nam và Java, Indonesia và cũng là đơn vị gia công cho nhiều thương hiệu nổi tiếng khác như Flexsteel, Home Meridian, Caracole, Home Insights...

Hai bên đã thỏa thuận chiến lược và bắt đầu đi vào sản xuất cuối năm 2015. Thỏa thuận này sẽ giúp Stanley tham gia sâu hơn vào quá trình sản xuất của Starwood, giúp Công ty kiểm soát chất lượng sản phẩm trực tiếp thông qua chính đội ngũ kỹ sư của mình để đảm bảo các tiêu chuẩn thiết kế và kỹ thuật.

Ông Matthew cho biết, tham gia sâu vào điều hành quá trình sản xuất cũng giúp sản phẩm Stanley giảm được 10-15% giá thành và bảo đảm chủ động hoàn thành đơn hàng đúng hẹn với nhà cung cấp. Dời trụ sở chính từ Mỹ về Việt Nam, quy trình quản lý hàng tồn kho và vận chuyển hàng hóa đang được thiết lập tại châu Á, sẽ giúp thương hiệu này giảm được đến 60% hàng tồn kho, vốn là vấn đề dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả và giảm vòng quay vốn của Stanley. Gia công tại Việt Nam và tiêu thụ tại chính nơi sản xuất và các quốc gia lân cận cũng giúp giảm chi phí vận chuyển, kho bãi và các chi phí bán hàng phát sinh đáng kể.

Stanley cũng đang lên kế hoạch tái thiết các thương hiệu con. Như kế hoạch tái thiết thương hiệu Young America sẽ thực hiện thông qua kênh thương mại điện tử. Dòng sản phẩm Sanctuary sẽ là nội thất đa năng dành cho các không gian có diện nhỏ, nhắm vào nơi có mật độ dân số dày đặc, phù hợp với các nước châu Á. Đồng thời, Công ty sẽ phát triển dòng sản phẩm cao cấp Stanley Custom dành cho khách hàng có yêu cầu cao.

Ông Matthew cho biết: “Giới thiệu các dòng sản phẩm mới sẽ giúp Stanley thiết lập kênh bán hàng B2C mới, thông qua thương mại điện tử và các cửa hàng Stanley Home. Các đối tác chiến lược sẽ được thiết lập tại Đông Nam Á và Trung Quốc dưới hệ thống Stanley Home. Việc mở rộng cửa hàng sẽ được thực hiện tại châu Á và Mỹ lần lượt vào năm 2020 và 2021”.

Thương hiệu lâu đời là thế mạnh được định giá tốt nhất của Stanley. Ngoài ra, thương vụ được đánh giá là có lợi cho bên mua khi Stanley đang sở hữu một lượng hàng tồn kho được định giá thấp so với giá trị thị trường. Phương pháp định giá khi thực hiện thương vụ dựa trên số lượng và xu hướng của các đơn đặt hàng hiện tại và một số sản phẩm tồn kho lâu sẽ bị xóa bỏ khỏi sổ sách. Giá trị hàng tồn kho hiện lên đến hơn 23 triệu USD. Việc mở rộng thị trường tiêu thụ với xu hướng nội thất hoàn toàn khác biệt sẽ là lợi thế lớn cho việc bán khối lượng hàng này

Bảo Ngọc