|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Doanh nghiệp khách sạn trước bờ vực phá sản, đề xuất áp dụng trường hợp bất khả kháng

10:14 | 15/08/2021
Chia sẻ
Theo Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam, cần phải áp dụng trường hợp bất khả kháng do doanh nghiệp vay ngân hàng để kinh doanh đang mất dần khả năng trả vốn cùng lãi vay, đối mặt với nguy cơ trở thành nhóm nợ xấu, đang đứng trước bờ vực phá sản.

Khách sạn đóng cửa, doanh nghiệp muốn vay gói gỗ trợ nhưng có hoạt động đâu mà vay?

90% doanh nghiệp khách sạn vay ngân hàng để kinh doanh nhưng đóng cửa vì dịch - Ảnh 1.

Các cửa hàng kinh doanh trong phố cổ Hội An đóng cửa vì dịch COVID-19. Ảnh tư liệu chụp tháng 9/2020. (Ảnh: Văn Luận).

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát lần đầu năm 2020 đến nay đã hơn một năm rưỡi, trong thời gian đó, doanh nghiệp du lịch tỉnh Quảng Nam nhiều lần đóng cửa rồi lại mở cửa kinh doanh, thấp thỏm từng ngày.

Trao đổi với người viết, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, hiệp hội có 200 hội viên thường xuyên tương tác hỗ trợ, trong đó hội viên chính thức có 56 người.

Theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam, có 90% doanh nghiệp khách sạn đi vay ngân hàng để hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, do dịch ảnh hưởng nặng nề nên các doanh nghiệp này đang tạm dừng hoạt động, khó khăn trăm bề.

Thời gian qua, doanh nghiệp có biết đến các gói hỗ trợ vay vốn của nhà nước nhưng việc tiếp cận gói hỗ trợ, vay thì chỉ có một doanh nghiệp.

"Thông tin tôi nắm được thì chỉ có một doanh nghiệp vay mà thôi", ông Thanh nói.

Theo ông Thanh giải thích, trong khi hiện tại, doanh nghiệp không hoạt động thì việc vay trả lương, đóng bảo hiểm cho nhân viên để làm gì? Bởi việc vay gói hỗ trợ có điều kiện bắt buộc là vay để trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động.

"Doanh nghiệp nào cũng đều muốn vay, nhưng vay để kinh doanh, còn khi nào hoạt động lại thì không biết là khi nào?

Hiện nay, để giữ chân người lao động, doanh nghiệp nào còn cố gắng được thì chi một chút nào đó hỗ trợ, đợi ngày mở cửa hoạt động", ông Thanh chia sẻ.

Đề xuất áp dụng trường hợp bất khả kháng do dịch COVID-19

Theo ông Thanh, doanh nghiệp vay ngân hàng để kinh doanh đang mất dần khả năng trả vốn cùng lãi vay, đối mặt với nguy cơ trở thành nhóm nợ xấu, đang đứng trước bờ vực phá sản.

"Trước đó, Thông tư 01 của Ngân hàng nhà nước đưa ra, khi nào mà Chính phủ thông báo hết dịch thì lúc đó sẽ trả lãi và gốc như cũ. Hiện nay dịch kéo dài, tình hình đã thay đổi nhưng Ngân hàng Nhà nước lại có Thông tư 03, chỉ cho phép cơ cấu lại nợ đến cuối năm nay. Trong khi tình hình dịch kéo dài không biết đến khi nào, đến tháng 12/2021 có hết không?", Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam bày tỏ lo ngại.

Trước tình hình trên, Hiệp hội Du lịch đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ngân hàng nhà nước tỉnh Quảng Nam đề nghị xác định khoảng thời gian cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ là thời điểm khi hết dịch hoặc bắt đầu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, không thể là ngày 31/12/2021 như Thông tư 03.

Theo quan điểm của các luật sư thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định về trách nhiệm bắt buộc phải chia sẻ thiệt hại do gặp phải sự kiện bất khả kháng, nhưng bên bị thiệt hại hoàn toàn có quyền đề nghị bên kia xem xét miễn/giảm các nghĩa vụ tài chính liên quan để chia sẻ thiệt hại với mình, vì bản chất của bất khả kháng là sự kiện khách quan ngoài khả năng tiên liệu của cả hai bên, chứ không phải do lỗi của bên không thực hiện đúng nghĩa vụ đó.

Do dịch, hoạt động du lịch khủng hoảng trước nhưng phục hồi sau cùng, nên Hiệp hội cũng đề nghị Ngân hàng nhà nước không giới hạn số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ.

Dựa trên cơ sở hợp đồng tín dụng giữa doanh nghiệp và ngân hàng, cần áp dụng trường hợp bất khả kháng do dịch COVID-19 cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không trả nợ đúng hạn thì vẫn không chuyển nhóm nợ, hoặc không phạt doanh nghiệp nếu trả trước tiền vay khi được ngân hàng khác mua về.

"Tôi nghĩ đã đến lúc doanh nghiệp nên ngồi lại cùng với nhau, làm việc cùng ngân hàng để bàn về việc áp dụng trường hợp bất khả kháng do dịch COVID-19", ông Thanh đề nghị.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Lãnh đạo Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch và Ngân hàng nhà nước tỉnh Quảng Nam hỗ trợ đề xuất, kiến nghị đến Chính phủ có những điều chỉnh, bổ sung, hỗ trợ chính sách về thời gian cơ cấu nợ, về vốn và lãi suất tiền vay theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp để vượt qua khủng hoảng này.

Theo báo cáo tại Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển du lịch đến năm 2020 định hướng đến năm 2025, trong giai đoạn 2016-2019, lượng khách tham quan, lưu trú du lịch Quảng Nam tăng trưởng bình quân đạt trên 21%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân lượng khách quốc tế đạt trên 27%/năm...

Tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch năm 2019 đạt gần 7,8 triệu lượt; trong đó, khách quốc tế đạt gần 4,7 triệu lượt, khách nội địa đạt hơn 3,1 triệu lượt.

Năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19, tổng khách tham quan, lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 1.477.700 lượt, giảm trên 66% so với năm 2016, và chỉ đạt khoảng 18% chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết số 08 (khách quốc tế giảm 65% khách nội địa giảm 66% so với năm 2016).

Từ cuối năm 2020 đến nay, có khoảng 14.000 người lao động ngành du lịch tạm ngừng việc, nghỉ luân phiên, nghỉ việc tại các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh hoặc chuyển sang ngành nghề khác. Cùng với tâm lý e ngại của du khách là những khó khăn, thách thức trong việc khôi phục lại hoạt động du lịch sau dịch bệnh.

Văn Luận