Thực hư chuyện khách sạn tại TP HCM được rao bán khắp nơi
Chủ đầu tư bất đắc dĩ phải bán khách sạn quy mô nhỏ
Đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ tại TP HCM và các tỉnh thành phía Nam kéo dài từ hồi tháng 4 đến nay lại thử sức chống chọi của thị trường khách sạn một lần nữa. Chưa kịp phục hồi từ những đợt dịch trước, hàng loạt chủ khách sạn tiếp tục đối mặt với cảnh thua lỗ, thậm chí phá sản, buộc phải bán đi khách sạn để trả nợ.
Thời gian gần đây, nhiều website rao bán nhà đất liên tục đăng tải thông tin rao bán hàng loạt khách sạn tại TP HCM, từ khách sạn quy mô nhỏ, đến những khách sạn có quy mô hàng trăm phòng, nằm ngay trung tâm thành phố.
"Siêu khách sạn 4 sao khu vực Lý Tự Trọng (quận 1) giá 860 tỷ đồng", "bán khách sạn ba sao ngay mặt tiền đường Phạm Ngũ Lão (quận 1) giá 250 tỷ đồng", "bán khách sạn cao cấp ngay chợ Bến Thành (quận 1) giá 87 tỷ",... là những quảng cáo dễ bắt gặp trên các website rao bán nhà đất vào thời điểm này.
Từ những khách sạn cao cấp, nằm ngay những con phố du lịch nổi tiếng của TP HCM như Phạm Ngũ Lão, Lê Lai, Lý Tự Trọng, Nguyễn Trãi,... đến những khu vực ngoại thành như quận 7, TP Thủ Đức, đâu đâu cũng có khách sạn được rao bán với giá từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng.
Anh Ngọc Quang, chủ một khách sạn tại quận 7 cho biết: "Trước dịch, mình và anh trai có vay ngân hàng để đầu tư kinh doanh một khách sạn nhỏ quy mô 12 căn phòng. Thời điểm đó, mỗi tháng khách sạn thu về lợi nhuận 80 - 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, đặc biệt là lần thứ 4 này, khách sạn liên tục thua lỗ, không có khách thuê, thu không đủ để trả lãi ngân hàng. Bất đắc dĩ hai anh em mới quyết định bán lại khách sạn với giá 15 tỷ đồng để thu hồi vốn. Tuy nhiên, việc rao bán khách sạn thời điểm hiện tại cũng gặp nhiều khó khăn".
Khách sạn 4-5 sao ở trung tâm Sài Gòn bất ngờ bị rao bán
Theo ghi nhận của người viết, việc rao bán khách sạn là có thật, nhưng chỉ xảy ra ở một số khách sạn có quy mô nhỏ, nhiều khách sạn có quy mô lớn nằm tại trung tâm TP HCM "đột nhiên" bị rao bán với giá hàng trăm tỷ đồng mà chủ đầu tư không hay biết.
Đơn cử như có thông tin khách sạn 4 sao Golden Saigon Hotel nằm trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP HCM rao bán với giá hơn 860 tỷ đồng trên website Batdongsan.com.vn. Tuy nhiên, khi người viết liên hệ với khách sạn, nhân viên khách sạn lại cho hay: "Khách sạn bên mình vẫn hoạt động bình thường, mình không biết tại sao báo và các trang web lại đăng bài rao bán. Đó là tin giả".
Tương tự, nằm cách khách sạn trên vài mét, khách sạn 4 sao Grand Silverland cũng bị rao bán với giá gần 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, "khách sạn này hiện tại vẫn đang hoạt động bình thường", người tiếp nhận điện thoại đặt phòng của khách sạn cho biết.
Hoặc trường hợp một khách sạn khác nằm tại đường Đông Du được rao với giá 250 tỷ đồng. Khi người viết liên hệ với người môi giới đăng bài rao bán tỏ ý muốn hỏi thông tin và xem khách sạn, vị môi giới này lại không cung cấp được thông tin rõ ràng. Sau cùng người này cho biết khách sạn tên "Queenland" nằm tại số 9 - 11 Đông Du (quận 1, TP HCM) trong khi không có khách sạn nào trên tuyến đường Đông Du mang tên này.
Nhiều khách sạn chuyển hình thức kinh doanh tạm thời
Dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020 đã làm tê liệt ngành du lịch, khách du lịch quốc tế không thể quay lại Việt Nam khiến cho công suất thuê giảm mạnh. Nhiều khách sạn phải chuyển đổi mô hình kinh doanh sang khách sạn cách ly để giảm lỗ, "cứu cánh" tạm thời giữa mùa dịch.
Theo báo cáo mới công bố của Savills Việt Nam, trong quý II/2021, tại TP HCM đã có 17 dự án khách sạn buộc phải tạm ngưng hoạt động. Nguồn cung giảm 11% so với quý trước ở cả ba phân khúc, còn 13.400 phòng với 103 khách sạn hoạt động.
Tuy nhiên, nguồn cung tăng 7% theo năm với 28 dự án hoạt động trở lại, một nửa trong số đó được sử dụng làm cơ sở cách ly tập trung có tính phí. Nhu cầu cách ly tập trung đến từ nguồn khách nhập cảnh, quan chức nhà nước và khách trong nước tiếp tục tăng.
Savills dự báo, đến cuối năm 2023, TP HCM dự kiến sẽ có thêm 2.500 phòng khách sạn.
Trong quý, TP HCM có 8 khách sạn cách ly mới đi vào hoạt động, nâng tổng số khách sạn làm nơi cách ly lên 25 dự án, cung cấp hơn 3.000 phòng. Đa số các khách sạn cách ly tập trung ở quận 1, 3, 5, 7 và Tân Bình.
Mới đây, Sở Du lịch TP HCM đã kêu gọi hệ thống khách sạn trên toàn thành phố đăng ký làm cơ sở cách ly cho những người có nguy cơ mắc COVID-19 cao với mức giá hỗ trợ tối đa.
Tính đến ngày 26/7, TP HCM đã có 72 khách sạn trở thành khách sạn cách ly, với hơn 5.560 buồng/phòng sẵn sàng đón khách. Hiện các cơ sở này cũng tiếp nhận khách có nguy cơ mắc COVID-19 cao (F1) đến cách ly.