|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Hồng Kông muốn thâu tóm nhiệt điện Vĩnh Tân 3

08:17 | 23/01/2021
Chia sẻ
Các cổ đông trong nước của CTCP Năng lượng Vĩnh Tân 3 chuyển nhượng cổ phần cho OneEnergy Ventures Limied (Hong Kong, Trung Quốc) để thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3.
Lễ ký kết biên bản thỏa thuận Hợp đồng xây dựng Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3. (Ảnh: ICON).

Lễ ký kết biên bản thỏa thuận Hợp đồng xây dựng Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3. (Ảnh: ICON).

Sở KH&ĐT tỉnh Bình Thuận cuối tháng 11/2020 có văn bản lấy ý kiến về việc chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài trong CTCP Năng lượng Vĩnh Tân 3, là chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3. 

UBND huyện Tuy Phong (nơi thực hiện dự án) trong văn bản trả lời tháng 12/2020, cho biết, CTCP Năng lượng Vĩnh Tân 3 được Phòng ĐKKD thuộc Sở KH&ĐT tỉnh Bình Thuận cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 3400743037 ngày 15/4/2009 và thay đổi lần thứ 10 ngày 11/12/2019, với vốn điều lệ 344 tỷ đồng. Trong đó, OneEnergy Ventures Limied (Hong Kong, Trung Quốc) chiếm 49%.

CTCP Năng lượng Vĩnh Tân 3 được Thủ Tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 trong Trung tâm điện lực Vĩnh Tân theo hình thức BOT.

Theo báo cáo của CTCP Năng lượng Vĩnh Tân 3, hiện nay, Công ty đang hoàn tất các thủ tục để ký kết hợp đồng BOT. Nay các cổ đông còn lại trong nước của CTCP Năng lượng Vĩnh Tân 3 chuyển nhượng cổ phần cho OneEnergy Ventures Limied (Hong Kong, Trung Quốc). 

Nếu việc này diễn ra, OneEnergy Ventures Limied chiếm 71% vốn điều lệ để thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3. 

Qua nghiên cứu nội dung văn bản giải trình chuyển nhượng của CTCP Năng lượng Vĩnh Tân 3, UBND huyện Tuy Phong cho biết, nếu việc chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài trong CTCP Năng lượng Vĩnh Tân 3 không có vướng mắc về công tác quản lý người nước ngoài. Đồng thời, được Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh và các Sở, ngành của tỉnh đồng ý thì thống nhất thông qua.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 được giới thiệu gồm ba tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.980 MW, sản lượng điện bình quân hơn 12 tỷ kWh/năm. Đây cũng là một trong những dự án đầu tiên sử dụng than nhập khẩu liên quan đến cả mua và vận chuyển theo hình thức BOT. Nhà máy dự kiến hòa lưới tổ máy đầu tiên trong năm 2018.

Đây là dự án nhiệt điện than lớn nhất với tổng mức đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD. CTCP Năng lượng Vĩnh Tân 3 có vốn điều lệ 344 tỉ đồng được thành lập ngày 15/4/2009 bởi ba cổ đông là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (29%), Công ty OneEnergy Ventures Ltd (49%) và CTCP Tập đoàn Thái Bình Dương (22%).

Theo thông tin từ Báo Đấu thầu, dù theo đuổi Dự án từ năm 2009 nhưng hiện VTEC vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục phát triển Dự án. Tính đến cuối năm 2019, Công ty ghi nhận khoản lỗ lũy kế 58,6 tỷ đồng.

VTEC đã hoàn thành công tác san lấp, giải phóng mặt bằng. Hợp đồng mua bán điện, hợp đồng lựa chọn đơn vị tổng thầu EPC… đã cơ bản hoàn thành hoặc đã được ký tắt. Mấu chốt quan trọng hiện tại là việc ký kết hợp đồng BOT thực hiện Dự án với Bộ Công Thương.

Hai bên đã thống nhất hầu hết các điều khoản và ký tắt dự thảo hợp đồng BOT. Tuy nhiên, việc ký chính thức chỉ được thực hiện khi VTEC hoạt động theo mô hình công ty TNHH thay vì công ty cổ phần như hiện tại.

Theo đó, EVN mới đây đã có công văn xin chuyển đổi mô hình VTEC từ công ty cổ phần sang công ty TNHH để đảm bảo doanh nghiệp dự án không được bán cổ phần ra ngoài thị trường. Việc chuyển đổi phải đáp ứng các quy định tại Điều 43 (chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án) của Nghị định 63/2018/NĐ-CP. 

Bên cạnh việc chuyển đổi mô hình hoạt động của doanh nghiệp dự án, EVN cũng trình phương án góp vốn để đảm bảo tỷ lệ sở hữu 29% trong suốt thời gian thực hiện Dự án. Trong giai đoạn đầu tư xây dựng (sau khi ký kết hợp đồng BOT), EVN dự kiến sẽ phải góp thêm 243,14 triệu USD (tương đương khoảng 560 tỷ đồng). Giá trị góp vốn chính xác của EVN có thể điều chỉnh khi tiến hành đàm phán với nhà thầu.

Hiện VTEC đã ký kết biên bản ghi nhớ về các điều kiện cung cấp vốn với các bên cho vay. Đứng đầu tổ hợp các ngân hàng cho vay là Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CDB), Báo Đấu thầu thông tin.


Chu Lai

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.