|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh nghiệp Hàn mê Việt Nam, rót gần 90 tỷ USD sau 36 năm

10:49 | 12/11/2024
Chia sẻ
Sức hút của Việt Nam khiến doanh nghiệp Hàn rót cả chục tỷ đô đầu tư và coi như quê hương thứ hai.

Doanh nghiệp của Peter Jung trước đây khó có thể hình dung sẽ có một ngày họ hiện diện ở TP HCM. Thế nhưng năm ngoái, ông đã mở Fill It, một phòng khám cao cấp chuyên về vi sắc tố da đầu, một phương pháp điều trị rụng tóc phục vụ cộng đồng người Hàn Quốc tại đây, theo Nikkei.

Một cơ sở kinh doanh mà chi phí dịch vụ có thể vượt cả tháng lương trung bình của người Việt Nam tồn tại trong một trung tâm thương mại cho thấy sức chi tiêu của cộng đồng người Hàn Quốc đã đủ lớn để tạo nên một hệ sinh thái tự duy trì trong nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Tại hai khu “Korea Town” ở TP HCM, người Hàn Quốc có thể làm hầu như mọi việc bằng tiếng Hàn, từ đi nha sĩ, chơi golf, mua cổ phiếu đến tư vấn bất động sản. Ngoài hai Korea Town này, còn có các khu tập trung người Hàn ở Hà Nội và các khu vực nhỏ hơn ở Bình Dương và Đồng Nai, nơi tập trung nhiều nhà máy nước ngoài.

Bên trong một khu phố Hàn Quốc tại Việt Nam. (Ảnh: Yuki Kohara/Nikkei).

Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, khoảng 178.000 người Hàn Quốc hiện sống tại Việt Nam - nhiều hơn 60.000 người so với tổng số người Hàn Quốc đang sống ở phần còn lại của Đông Nam Á. Chỉ có Mỹ, Nhật Bản, Canada và Trung Quốc có cộng đồng người Hàn Quốc lớn hơn. Yếu tố lịch sử, đầu tư và gia đình đã đưa họ đến trung tâm sản xuất này, và dòng người đến đây vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt.

Theo Statista, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư 670 triệu USD vào Việt Nam trong quý đầu năm nay, đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư nước ngoài hàng đầu của Hàn Quốc, chỉ sau Mỹ và một số nơi có ưu đãi thuế. Số liệu của chính phủ Việt Nam cho thấy Hàn Quốc hiện là nguồn đầu tư lớn nhất, với 88,3 tỷ USD từ năm 1988 đến cuối tháng 9 năm nay.

Người Hàn Quốc có mặt ở khắp các câu lạc bộ tennis và khu nghỉ dưỡng golf. Họ thuê đồng hương làm kế toán, châm cứu, gia sư, huấn luyện viên, thiết kế nội thất và đầu bếp. Khi cuộc sống tài chính ngày càng ổn định tại Việt Nam, họ cũng tìm đến các dịch vụ ngân hàng tư nhân để mua thêm nhà hoặc khởi nghiệp kinh doanh.

Năm nay, Woori Bank Việt Nam mở rộng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của khách hàng, “đặc biệt là huy động vốn cá nhân” - CEO Park Jongil chia sẻ. Ngân hàng đã ra mắt chương trình “Hai chiếc ghế,” cho phép khách hàng gặp trực tiếp các chuyên gia tư vấn tài sản, bổ sung vào các dịch vụ hiện có như vay thế chấp, quản lý quỹ và bảo hiểm.

“Sự tương đồng về văn hóa và truyền thống giúp người Hàn Quốc dễ dàng thích nghi khi sống và làm việc tại Việt Nam”, ông Park nói.

 

Ông Park - một luật sư, cũng chỉ ra những điểm tương đồng như việc cả Việt Nam và Hàn Quốc đều chịu ảnh hưởng từ Nho giáo và có những từ ngữ phát âm tương tự nhau. Ví dụ, từ “nam” trong tiếng Việt có nghĩa là nam giới, và trong tiếng Hàn là “namseong”.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều diễn ra thuận lợi trong mối quan hệ hợp tác. Ngày nay, người Việt có những mối lo về kinh tế, từ việc các nhà thầu khó thâm nhập vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn Hàn Quốc, đến việc lo ngại về môi trường làm việc căng thẳng mà một số công ty Hàn có thể mang đến.

“Người Việt rất chăm chỉ” nhưng họ mong muốn có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, ông Ngô Văn Khải, quản lý tài sản của Timensit, chia sẻ về khác biệt văn hóa.

Người Hàn Quốc, đặc biệt là những người chưa vượt qua rào cản ngôn ngữ, cũng gặp phải những căng thẳng thường nhật khi sống tại Việt Nam, như vấn đề hối lộ vặt hay các tài xế taxi không trung thực.

Tuy vậy, những lo ngại này bị lu mờ bởi mối quan hệ thương mại và xã hội bền chặt. Nhiều người Việt say mê phim Hàn hoặc sang Hàn Quốc làm việc và kết hôn. Theo số liệu chính thức, có khoảng 80.000 gia đình Việt - Hàn đang sinh sống tại Hàn Quốc.

Ngay cả Triều Tiên cũng duy trì quan hệ đặc biệt với Việt Nam. Theo một cách nào đó, Việt Nam gợi lên hình ảnh về một viễn cảnh khác cho người Hàn Quốc, một hình ảnh về sự thống nhất.

Ngày nay, Việt Nam chọn lấy Hàn Quốc làm hình mẫu phát triển, nơi các tập đoàn như Hyundai và Lotte đã dẫn dắt sự thay đổi kinh tế trong nước và đầu tư vào Việt Nam. 

Cộng đồng người Hàn ngày càng đông đúc tại Việt Nam giúp họ có thể tận hưởng các dịch vụ trước đây ít xuất hiện, như tại Lee Jiwon Pilates. Phòng tập này đã nhập khẩu thiết bị và có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn quốc tế để đáp ứng mọi nhu cầu, từ các buổi tập riêng đến chương trình dành cho thai phụ.

“Huấn luyện viên của chúng tôi có đủ kỹ năng để đáp ứng mọi yêu cầu”, bà Lee, chủ phòng tập, chia sẻ. “Chúng tôi thực sự quan tâm đến từng khách hàng”.

Luật sư Park cho biết người Hàn Quốc tại đây cảm thấy được chào đón, một phần nhờ làn sóng Hallyu từ thời trang đến âm nhạc đã thu hút đông đảo người hâm mộ Việt Nam.

“Khi đi hát karaoke, đồng nghiệp người Việt của tôi còn biết nhiều bài K-pop hơn cả tôi”, ông nói về tình yêu dành cho văn hóa Hàn, điều đã giữ chân nhiều người Hàn gắn bó và chi tiêu tại đây. “Đó là lý do người Hàn cảm thấy Việt Nam thân thiện… Chúng tôi cảm thấy đây không phải là một đất nước xa lạ”.

Đức Huy

Nghiên cứu giảm thuế phí năm 2025, kéo dài thời gian giảm 2% VAT đến tháng 6/2025
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sớm tổng kết, đánh giá, đề xuất ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất trong năm 2025, nhất là việc tiếp tục gia hạn thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025.