|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp FDI chiếm hơn 82% tổng kim ngạch xuất khẩu tỉnh Bình Dương

03:42 | 07/04/2021
Chia sẻ
Theo UBND tỉnh Bình Dương, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp đã chủ động được nguồn nguyên liệu, thay đổi phương thức tiếp cận, giới thiệu sản phẩm thông qua hệ thống thương mại điện tử do đó thu hút được các đơn hàng lớn. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2021 của tỉnh ước tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, một số ngành hàng chủ lực như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 15,26%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn trừ máy móc, thiết bị tăng 11,14%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 14,7%...

Tuy nhiên cũng có một số ngành mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ, do đó ảnh hưởng đến chỉ số tăng trưởng chung như chế biến thực phẩm tăng 1,08%; đồ uống tăng 0,29%; hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 2,41%; sản phẩm từ cao su và plastic tăng 1,14%...

Hiện trên địa bàn Bình Dương có trên 8.500 doanh nghiệp hoạt động ngành công nghiệp; trong đó, doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ chiếm 26,4% số doanh nghiệp, nhưng chiếm áp đảo về giá trị sản xuất công nghiệp trong tỉnh, lên tới 63,3%. Việc chiếm tỷ trọng lớn sản xuất công nghiệp đã nâng giá trị xuất khẩu của khối doanh nghiệp vốn FDI lên trên 82% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Ông Phan Thế Hải, Giám đốc Công ty gỗ Triệu Phú Lộc cho biết, hiện nay ngành chế biến gỗ Bình Dương đã dần thu hẹp khoảng cách với các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài về công nghệ lẫn mẫu mã, thậm chí giá cả sẵn sàng cạnh tranh.

Theo đó, các đơn hàng sản xuất và xuất khẩu ra nước ngoài hiện không thiếu, thậm chí có đơn vị nhận đủ đơn hàng cả năm 2021; trong đó, thị trường tiềm năng lớn nhất vẫn là thị trường châu Âu và Mỹ đang gia tăng đơn hàng.

Theo ông Hải, hiện nay các nhà máy chế biến đồ gỗ hoạt động hết công suất. Công ty Triệu Phú Lộc đã xây dựng một nhà máy đảm bảo khoảng 80% dòng hàng sản xuất đồ gỗ đáp ứng đủ tiêu chuẩn khắt khe để xuất sang thị trường châu Âu.

Tuy nhiên, theo ông Hải hiện nay phần lớn các nhà máy chế biến đồ gỗ đang gặp khó khăn chung về tuyển dụng nguồn lao động phổ thông. Rào cản thiếu hụt lao động đang là thách thức lớn đối với ngành chế biến gỗ, làm chậm sức cạnh tranh cũng đáp ứng các đơn hàng lớn.

Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn, bên cạnh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương  phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút thêm nhiều dự án sản xuất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất kinh doanh.

Song song đó, tỉnh cũng khuyến khích thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, sản phẩm cạnh tranh, thân thiện với môi trường; đồng thời chuẩn bị đầy đủ điều kiện hạ tầng đón các nhà đầu tư mới triển khai các dự án hoạt động lâu dài, góp phần nâng cao giá trị cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Chí Tưởng