|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Doanh nghiệp địa ốc “lật bài ngửa” chuyện thế chấp dự án

10:46 | 09/08/2016
Chia sẻ
Nhiều công ty bất động sản tại Sài Gòn đã chủ động cung cấp tình trạng pháp lý của chung cư đang bán cho khách hàng sau khi xảy ra sự cố "hiểu nhầm" 77 dự án bị bêu tên cắm ở ngân hàng là những chủ đầu tư yếu về tài chính. 

Công ty Quốc Cường Gia Lai (mã CK: QCG) là một trong những doanh nghiệp chọn chiến lược lật bài ngửa về tình trạng thế chấp tất cả các dự án để bán hàng sau khi cơ quan quản lý công bố 77 dự án trên địa bàn thành phố đang "cắm" ở ngân hàng. Nguyên nhân doanh nghiệp chọn cách làm này vì QCG bị cơ quan chức năng công bố sai thông tin, khiến cho nhà đầu tư và khách mua nhà hiểu nhầm uy tín của chủ đầu tư.

Trong đợt mở bán mới nhất của dự án chung cư cao cấp De Capella quy mô 380 sản phẩm tại mặt tiền đường Lương Định Của, quận 2, TP. HCM, lãnh đạo QCG đã kèm theo những thông điệp khá rắn.

Theo đó, để minh bạch tình trạng thế chấp của các dự án, Chủ tịch HĐQT QCG, Nguyễn Thị Như Loan tuyên bố đang tiến hành khiếu nại Sở Tài nguyên Môi trường TP. HCM và các cơ quan truyền thông đưa tin chưa chính xác và thiếu kiểm chứng. Bà Loan khẳng định: "Đến đầu tháng 8/2016 chúng tôi hoàn toàn không thế chấp bất cứ dự án căn hộ nhà ở thương mại nào dù rất nhiều công trình đang xây dựng, mở bán và cả dự án sắp giao nhà".

Người đứng đầu Quốc Cường Gia Lai trần tình, ngay cả dự án có vị trí đắc địa ngay khu trung tâm quận 1, dễ thế chấp nhất là công trình tại số 24 Lê Thánh Tôn, TP HCM công ty vẫn không vay và đang giao nhà cho đối tác BIDV. "Trên thực tế chúng tôi chỉ thế chấp duy nhất dự án nhà ở xã hội 6B để vay, vì lãi suất ưu đãi 5%, phục vụ khách hàng thu nhập thấp. Khi bán, công ty tiến hành giải chấp theo đúng quy định", bà Loan nói.

Việc lật bài ngửa với khách hàng về tình trạng thế chấp của toàn bộ các dự án chung cư như QCG khá phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp tại TP HCM. Phó tổng giám đốc Công ty Hưng Lộc Phát, Nguyễn Văn Bình tiết lộ, doanh nghiệp đang triển khai 2 dự án tại khu vực quận 7 và sẵn lòng cung cấp cho khách hàng mọi tình trạng pháp lý của dự án.

Vị này giải thích, mặc dù doanh nghiệp chỉ thế chấp phần diện tích thương mại và những căn hộ lớn chưa bán (thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư) nhưng công ty vẫn sẽ cung cấp chứng thư giải chấp của ngân hàng cho người mua nhà trong vòng 24 giờ đồng hồ. "Chúng tôi có đủ cơ sở chứng minh không hề thế chấp căn hộ của khách hàng và sẵn sàng hướng đến một thế trận minh bạch thông tin trên thị trường bất động sản", ông Bình nói.

Tổng giám đốc Công ty Gia Hòa, Lê Hùng Mạnh, chủ đầu tư chung cư The Art, quận 9, TP HCM cũng chọn chiến lược cung cấp tình trạng pháp lý dự án một cách sòng phẳng cho khách mua nhà. Trước đó, hồi tháng 7, doanh nghiệp bị bêu tên oan trong danh sách 77 dự án thế chấp đã khiến cho nhiều khách hàng mua căn hộ hoang mang, lo lắng.

Ông Mạnh kể lại, doanh nghiệp vừa giải thích cặn kẽ cho khách hàng hiểu, vừa yêu cầu phía ngân hàng làm chứng thư xác nhận dự án thế chấp vì mục đích bảo lãnh bán nhà hình thành trong tương lai theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản chứ không vay đồng nào. Từ sự vụ này, công ty quyết định chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ pháp lý của dự án để chủ động công bố thông tin mỗi đợt bán hàng chứ không thể chờ cơ quan nhà nước cập nhật thông tin hay đính chính vụ việc.

Đối với doanh nghiệp quy mô hàng chục dự án cũng bắt đầu rục rịch cân nhắc quy trình công khai toàn bộ thông tin cho khách hàng trong thời gian tới. Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên phát triển bất động sản cao cấp đang có 35 dự án đã, đang và sắp triển khai tại TP HCM tiết lộ: "Chúng tôi xác định rõ phải sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu về pháp lý của khách hàng cho đến khi người mua yên tâm đặt bút ký hợp đồng".

Tuy nhiên, chuyên gia này nhận xét, giữa một rừng thủ tục pháp lý nhà đất, cách phục vụ khách hàng tốt nhất là giải đáp mọi thắc mắc từng bước, từng khâu, tránh nhiễu loạn thông tin. "Doanh nghiệp địa ốc cần chứng minh bằng 2 cách, một là minh bạch thông tin, hai là bàn giao nhà đúng hẹn, chất lượng đúng cam kết", ông nói

Ghi nhận của VnExpress, cộng đồng doanh nghiệp đang có nhiều phản ứng trái chiều về việc công bố danh sách các dự án thế chấp. Những chủ đầu tư bị công bố thông tin sai lệch đang hành động khá tích cực bằng cách minh bạch thủ tục pháp lý để củng cố niềm tin với khách hàng. Những chủ đầu tư bị công bố đúng tình trạng thế chấp chọn cách im lặng, xử lý nội bộ với người mua nhà. Nhưng 77 dự án được công bố thế chấp ngân hàng vừa qua được Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Lê Hoàng Châu xác nhận chưa phản ánh đúng thực trạng thế chấp của gần 600 dự án đã và đang triển khai trên địa bàn.

Nhiều ý kiến cho rằng tảng băng chìm là hàng trăm dự án còn lại tại TP HCM chưa được công bố thế chấp ngân hàng liệu có lịch sử tài chính rõ ràng hay không vẫn là câu hỏi lớn. Và cuộc chiến minh bạch pháp lý trên thị trường chung cư sẽ chỉ là nửa vời nếu như việc công bố dự án thế chấp còn thiếu thông tin như hiện nay.

Một chuyên gia bất động sản hoạt động 15 năm tại thị trường TP. HCM cho biết, cuộc chiến minh bạch thông tin các dự án bán nhà hình thành trong tương lai khá cam go và đầy thách thức. Cam go vì thông tin công bố chưa đầy đủ, chưa phân loại cụ thể cũng như chưa bao quát được toàn bộ thị trường. Thách thức vì các quy định của pháp luật chưa chặt chẽ về vấn đề này, đồng thời thông tin thiếu chính xác có thể gây hiểu nhầm, làm nhiễu loạn thị trường. "Nếu tất cả các doanh nghiệp không công bố thông tin đều bị phạt nặng và bị cảnh cáo công khai như trên thị trường chứng khoán thì may ra mới tạm gọi là minh bạch", ông đánh giá.

Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, Trần Khánh Quang cho rằng, tính minh bạch của thị trường thách thức không chỉ người mua nhà, các doanh nghiệp bất động sản mà còn là đòn cân não đối với cơ quan quản lý. Nếu công bố sai hoặc chưa chính xác, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và cá nhân, cơ quan quản lý có thể đối diện với việc khiếu nại và khiếu kiện. Nếu công bố chưa đủ, thị trường bất động sản có thể xảy ra kịch bản "vàng thau lẫn lộn", thiếu công bằng, càng không thể bảo vệ khách hàng một cách triệt để.

Theo ông Quang, bên cạnh việc kêu gọi các chủ đầu tư chủ động công khai tình trạng pháp lý của dự án, cơ quan quản lý nhà nước phải có công cụ giám sát, chế tài việc mập mờ thông tin cho toàn bộ thị trường. "Việc cấp bách cần làm ngay là công bố những dự án đang thế chấp quyền tài sản, vì đây là diện khó xử lý hơn thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất", ông Quang nhận định.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.