|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp đang chết mòn, thực tế 'xấu hơn rất nhiều' từ đầu quý III

18:19 | 25/07/2021
Chia sẻ
Theo Chủ tịch VCCI, ngoài khu vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hệ thống các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, ... đang chết dần, chết mòn và nhiều khả năng không có khả năng vực dậy sau đại dịch nếu như chúng ta không có biện pháp hỗ trợ thiết thực và mạnh mẽ hơn.

Cổng thông tin điện tử Quốc hội ngày 22/7 đưa tin, báo cáo thẩm tra trước Quốc hội, Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, những tháng đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng mạnh, đặc biệt tại khu vực Châu Á.

Một số quốc gia đã đạt kết quả bước đầu trong triển khai tiêm vắc xin. Trong nước, dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng với tính chất phức tạp hơn, số ca nhiễm gia tăng mạnh đã tạo áp lực lớn lên công tác cách ly, điều trị; nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội .

Trong bối cảnh đó, nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đã được ban hành kịp thời với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của người dân; duy trì, ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; ổn định việc làm, hỗ trợ người dân, người lao động và các doanh nghiệp; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. 

Phát biểu tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV ngày 25/7, đại biểu Vũ Tiến Lộc (tỉnh Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt nhịp độ 5,64 %, chưa đạt như kỳ vọng nhưng vẫn là tỷ lệ rất cao so với quốc tế và khu vực.

Tuy nhiên đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng nêu thực tế “xấu hơn rất nhiều” về tình hình ở đầu quý 3/2021 và cho rằng đây là điều cần tính toán hết sức cẩn trọng trong kế hoạch phát triển những tháng cuối năm.

GDP Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 tuy thấp nhưng là mức tăng tích cực - Ảnh 1.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV ngày 25/7. (Ảnh: TTXVN).

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, căn cứ số liệu của 6 tháng đầu năm cho thấy, có sự phân hóa rất lớn trong sự phát triển của các khu vực trong nền kinh tế. Trong khi kinh tế đối ngoại phục hồi rất mạnh mẽ với tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao hơn 30% so với năm 2020 thì khu vực kinh tế trong nước lại rơi vào tình trạng trầm lắng do sức mua rất yếu.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc dẫn chứng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2021 gần như không tăng so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ chỉ tương đương tốc độ tăng trưởng của khu vực nông lâm, ngư nghiệp, trong khi khu vực nông lâm, ngư nghiệp trước nay luôn là khu vực có tốc độ tăng trưởng thấp nhất và dịch vụ bao giờ cũng là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất. So với tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp xây dựng, dịch vụ cũng chỉ bằng khoảng một nửa. Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, đây là những tín hiệu rất đáng lo ngại, cho thấy rõ ảnh hưởng to lớn của đại dịch COVID-19.

Việc tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội rất cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, song cũng khiến các doanh nghiệp gặp thêm nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó chịu tác động lớn nhất là các doanh nghiệp ở khu vực dịch vụ.

“Trong khu vực dịch vụ, ngoài khu vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, các lĩnh vực dịch vụ khác thực sự là những tử huyệt của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, vận tải đang chết dần, chết mòn và có nhiều khả năng nhiều doanh nghiệp trong khu vực này không có khả năng vực dậy sau đại dịch nếu như chúng ta không có biện pháp hỗ trợ thiết thực và mạnh mẽ cho khu vực này. Trong thời gian qua, đã có một số biện pháp nhưng thực sự chưa đưa đi vào cuộc sống bao nhiêu,” đại biểu Lộc nêu thực tế.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, việc chuẩn bị điều kiện, lộ trình để mở cửa lại nền kinh tế tương ứng với tỷ lệ tiêm chủng vắc xin của người dân là biện pháp căn cơ. Để vực dậy lĩnh vực dịch vụ, cùng với việc trợ giúp về vốn, tài chính, điều kiện quan trọng nhất là phải áp dụng hộ chiếu vắc xin càng sớm càng tốt.

“Ở đây không chỉ hiểu là hộ chiếu vắc xin cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, mà là hộ chiếu vắc xin cho toàn bộ dân Việt Nam. Khi chúng ta có được đủ tỷ lệ dân tiêm đủ hai mũi vắc xin, điều đó sẽ là động lực quan trọng nhất để nền kinh tế có thể quay trở lại phục hồi,” đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Chu Lai tổng hợp

Sự kiện chứng khoán nổi bật 2024: Thách thức mốc 1.300 điểm, khối ngoại bán ròng kỷ lục, VNDirect bị hacker quốc tế tấn công
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng năm thứ hai liên tiếp (2023 - 2024). Cùng điểm lại những sự kiện đáng chú ý nhất ngành chứng khoán trong năm qua như sự kiện nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục, hệ thống của VNDirect bị hacker quốc tế tấn công.