Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch chuyển sang giao đồ ăn, bán kit test COVID-19, cho vay,... để tồn tại qua đại dịch
Ngay cả giữa đại dịch, Traveloka vẫn là đại lý lữ hành trực tuyến phổ biến nhất Indonesia với 86% số người tham gia một khảo sát của Rakuten Insight nói rằng họ thường xuyên sử dụng ứng dụng này.
Không thể phủ nhận thực tế rằng COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mảng kinh doanh chính của Traveloka mặc dù startup này vẫn kêu gọi thành công 250 triệu USD vào tháng 7/2020. Khoản vốn này đã giúp cải thiện tình hình tài chính của Traveloka. Dù vậy, định giá của Traveloka vẫn giảm từ 4,5 tỷ USD xuống còn hơn 2,7 tỷ USD, theo Tech in Asia.
Để vượt qua đại dịch, Traveloka thực tế đã thực hiện đa dạng hoá mô hình kinh doanh của mình bằng cách triển khai hàng loạt dịch vụ mới như Traveloka Xperience (dịch vụ cung cấp nhiều khoá học kỹ năng từ xa), Traveloka Eats (dịch vụ giao đồ ăn từ hơn 200 cửa hàng ở khu vực Greater Jakarta, Java và Bali) và Traveloka Covid-19 Test (tính năng cho phép người dùng đặt lịch tiêm vắc-xin, test nhanh hoặc test PCR COVID-19).
Trước đây, Traveloka từng nói rằng các nỗ lực đa dạng hoá dịch vụ của nó sẽ giúp startup này có thể có lãi vào cuối năm 2020. Vào thời điểm tháng 10 năm ngoái, ông Henry Hendrawan, chủ tịch Traveloka, cho biết số lượng giao dịch của Traveloka tại Việt Nam và Thái Lan đã gần chạm mốc bằng 100% mức trước khi COVID-19 bùng phát.
Bên cạnh đó, Traveloka cũng đang xây dựng hình ảnh của mình ở mảng công nghệ tài chính (fintech) tại Đông Nam Á.
Nền tảng cho vay ngang hàng Danamas, đối tác của Traveloka PayLater (sản phẩm mua trước, trả sau của Traveloka), cho biết khối lượng giao dịch thông qua Traveloka đã chạm mốc 500 tỷ rupiah (35 triệu USD) từ đầu năm 2019.
Traveloka PayLater cũng hợp tác cùng các công ty khác như Caturnusa Sejahtera Finance và cả các ngân hàng như Bank Negara Indonesia. Để mở rộng dịch vụ tài chính số ở Thái Lan, Traveloka đã thành lập liên doanh với SCB 10X, một công ty con của ngân hàng lớn nhất Thái Lan Siam Commercial Bank.