|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp chờ đợi gì từ động thái giảm lãi suất điều hành?

07:11 | 14/05/2020
Chia sẻ
Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành từ ngày 13/5, nhiều doanh nghiệp cho rằng, động thái này của NHNN giúp doanh nghiệp tiếp cận được lãi suất ưu đãi để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp chờ đợi gì từ động thái giảm lãi suất điều hành? - Ảnh 1.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Yên Bái đã kịp thời hỗ trợ khách hàng bị tác động bởi dịch COVID-19 nhằm duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Trước việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu…) từ ngày 13/5, nhiều doanh nghiệp cho rằng, động thái này của Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, qua đó giúp doanh nghiệp tiếp cận được lãi suất ưu đãi để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ cần sớm được triển khai tới doanh nghiệp và cũng cần thêm những chính sách hỗ trợ khác về thuế, chế độ cho người lao động để doanh nghiệp giảm bớt khó khăn bởi dịch COVID-19.

Bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam cho biết, hiện thị trường trong nước đã dần khôi phục trở lại, nhưng doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Thời gian trước Tết và sau Tết, doanh nghiệp đã lên kế hoạch để chào hàng tại thị trường Trung Quốc, nhưng vì lý do dịch bệnh nên mọi kế hoạch đều bị dừng lại.

Đặc biệt, 3 tháng nay doanh nghiệp không có doanh thu, mọi kế hoạch sản xuất, chào hàng đều bị “phá sản”. Việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành đồng nghĩa với việc giảm lãi suất, giúp nguồn vốn vay đến tay doanh nghiệp với mức lãi suất hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Thu Hằng cho rằng, vấn đề hiện nay của doanh nghiệp là liệu doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn đó hay không và đầu ra của thị trường như thế nào?

Bởi thực tế cho thấy, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn vốn eo hẹp, cơ sở nhà xưởng, sản xuất hạn chế sẽ rất khó có tài sản thế chấp để vay ngân hàng. Đó là chưa kể các thủ tục vay vốn còn nhiều phức tạp, chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

“Như doanh nghiệp chúng tôi đã kiến nghị hỗ trợ các chế độ cho người lao động liên quan đến bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp. Tất cả đã làm danh sách gửi lên, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm”, bà Hằng bày tỏ.

Còn theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí, việc giảm lãi suất là động thái hỗ trợ cho doanh nghiệp từ phía các cơ quan chức năng, nhưng chưa phải là điều quan trọng và tiên quyết giúp doanh nghiệp vươn lên. 

Bởi lẽ để tiếp cận được nguồn vốn này cũng không phải dễ dàng. Doanh nghiệp cần phải có tài sản thế chấp hoặc dự án như thế nào mới được vay. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp cơ khí Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ.

Vì vậy, để doanh nghiệp thúc đẩy năng lực và sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế, rất cần các chính sách giãn nợ, giãn các nghĩa vụ thuế, đơn giản hơn nữa các điều kiện áp dụng để các chính sách ưu đãi đến được tay doanh nghiệp.

Ngoài ra, về thị trường, quy hoạch và tổ chức lại sản xuất ngành cơ khí chế tạo nói riêng và nhiều ngành kinh tế, công nghiệp nói chung, song song với mở rộng các quan hệ thương mại, giảm bớt sự phụ thuộc vào nước ngoài, Chính phủ cũng cần giải quyết dứt điểm các dự án dở dang, kém hiệu quả; cương quyết và sát sao như chống dịch để đưa các dự án vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo nguồn công việc cho doanh nghiệp. Có việc làm, doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh.

Ông Phạm Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cao su Hà Nội cho biết, động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước rất kịp thời, giúp phần nào giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ cần sớm được triển khai tới doanh nghiệp và hiện các doanh nghiệp chưa tiếp cận được các văn bản hướng dẫn cũng như đầu mối giải quyết chính sách.

Ông Việt mong muốn các đơn vị liên quan sớm hướng dẫn thủ tục để doanh nghiêp đăng ký kịp thời và có một đầu mối hỗ trợ giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp.

Đồng thời, các quyết định của Ngân hàng Nhà nước cũng phải được triển khai nhanh để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là giúp doanh nghiệp có tiền chi trả lương cho người lao động dù ở mức tối thiểu. Qua đó, góp phần giúp doanh nghiệp có đủ nhân lực bắt tay ngay vào sản xuất.

Còn ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm mong muốn lãi suất được giảm sâu hơn nữa cho doanh nghiệp cũng như hỗ trợ giảm lãi suất về các khoản vay ngắn hạn, trung hạn, gia hạn và đáo hạn các khoản vay. 

Bên cạnh đó, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, các đoàn thanh kiểm tra, giảm giá điện và các chi phí bến bãi, kho vận.

Ngày 13/5, theo quyết định số 918/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 3,5%/năm xuống 3%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm. 

Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3,5%/năm xuống 3%/năm.

Với quyết định số 919/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014, lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại Quỹ Tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,25%/năm xuống 4,75%/năm.

Quyết định số 920/QĐ-NHNN về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng Việt Nam đồng của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ Tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm.

Thảo Nguyên