Doanh nghiệp Ấn Độ yêu cầu đánh giá lại thuế quan vì nhập khẩu linh kiện điện thoại từ Việt Nam tăng
Hiệp hội Thiết bị Điện tử và Di động Ấn Độ (ICEA) thông tin đến chính phủ rằng nước này đã nhập khẩu hơn 1 tỉ USD linh kiện điện thoại từ Việt Nam trong nửa đầu năm tài khóa 2019, so với 800 triệu USD trong giai đoạn 2018 - 2019 và chỉ 600 triệu USD trong năm tài khóa 2018.
Việt Nam là một trong các quốc gia Ấn Độ có kí kết hiệp định thương mại tự do (FTA).
"Giá trị linh kiện nhập khẩu từ Việt Nam bắt đầu tăng một cách đáng kinh ngạc", ICEA viết trong bức thư gửi Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ.
"Trước thực trạng này, chúng ta không thể áp thêm thuế quan và trên thực tế, chúng ta còn cần phải cân nhắc lại có nên tiếp tục áp dụng một số mức thuế hiện tại hay không", ICEA cho hay.
Thông qua đề xuất trên, ICEA thúc giục chính phủ Ấn Độ điều chỉnh lại các mức thuế quan hiện có trong chương trình sản xuất phân kì (PMP) nhằm thúc đẩy sản lượng điện thoại di động trong nước và hạn chế nhập khẩu sản phẩm nước ngoài.
"Chúng ta nên ngừng áp thuế mới, đồng thời gỡ bỏ các mức thuế không cần thiết. Ngoài ra, ta còn nên đánh giá lại toàn bộ thuế quan đối với từng cụm lắp ráp và linh kiện trong chương trình PMP thông qua nghiên cứu vấn đề nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam một cách tỉ mỉ", ICEA nhận định.
Ảnh: CNBC
Hiệp hội này cho rằng thật không hiệu quả khi ngành công nghiệp smartphone Ấn Độ chịu sự chi phối của thuế quan, khi mà các sản phẩm tương tự được phép nhập khẩu qua Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, cũng như Hàn Quốc và Nhật Bản mà không bị đánh thuế. Đây vốn là lợi thế mà nhiều công ty đang tận dụng.
Tờ India Times cho biết ba năm trước, các nhà sản xuất thiết bị cầm tay Ấn Độ đã đề nghị áp thuế để ngăn chặn việc nhập khẩu các thiết bị điện tử như điện thoại di động, linh kiện điện thoại,... nhằm giúp xây dựng năng lực trong nước, tăng sản lượng thiết bị và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Do đó, chính phủ Ấn Độ đã áp nhiều mức thuế hải quan cơ bản lên đến 15% đối với hơn 5 nhóm linh kiện điện thoại và 20% đối với điện thoại được lắp ráp hoàn chỉnh.
Mặc dù Ấn Độ đã trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu điện thoại di động được lắp ráp hoàn chỉnh, nước này vẫn chưa thể thiết lập một hệ sinh thái cho các nhà chế tạo linh kiện. Theo India Times, Apple, Samsung và Xiaomi đã sản xuất và xuất khẩu thiết bị 3G và 4G từ Ấn Độ.
ICEA cho biết việc tiếp nhận ý tưởng sản xuất linh kiện thay thế diễn ra rất tự nhiên. Chính sách Quốc gia về Thiết bị Điện tử năm 2019 của Ấn Độ đặt mục tiêu sản xuất điện thoại di động đạt 190 tỉ USD và xuất khẩu đạt 110 tỉ USD, tập trung vào việc biến Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất toàn cầu.
Theo đó, khối lượng sản phẩm được tạo ra sẽ đưa các cụm lắp ráp và ngành chế tạo linh kiện đi vào guồng quay một cách tự nhiên.
Khi chương trình thuế quan và PMP được khái niệm hóa, Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN không nằm trong danh sách xem xét, ICEA cho biết. Thay vào đó, trọng tâm của kế hoạch là đưa Ấn Độ trở thành một lựa chọn cho doanh nghiệp Trung Quốc chuyển cơ sở sản xuất qua.
Ngay cả khi vấn đề FTA và hành vi vi phạm tiêu chuẩn giá trị gia tăng rõ ràng của các nước ASEAN trở nên sáng tỏ, chính phủ Ấn Độ vẫn chưa có hành động thích đáng.
"Tình trạng này khiến doanh nghiệp cực kì nản lòng và khiến ngành công nghiệp smartphone phải định hình lại kế hoạch đầu tư của họ ở Ấn Độ", ICEA cho hay.
Cùng lúc, ICEA đưa ra ví dụ về việc Samsung chuyển cơ sở sản xuất TV sang Việt Nam sau khi Ấn Độ đánh thuế 5% vào bảng điều khiển TV mở, khiến hoạt động sản xuất TV LED ở nước này trở nên tốn kém hơn đối với gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc. Mức thuế này sau đó đã được gỡ bỏ.
ICEA còn khuyến cáo chính phủ Ấn Độ nên ngăn chặn việc nhập khẩu bảng mạch in (PCBA), linh kiện thường chiếm 50% chi phí sản xuất smartphone và kiểm soát chặt ngay tại chỗ rằng việc nhập khẩu linh kiện này sẽ hiển nhiên vi phạm tiêu chuẩn giá trị gia tăng (tỉ lệ linh kiện không chiếm quá 35% thành phẩm).