|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

DN cần chủ động nắm bắt các cơ hội từ thương mại điện tử

20:27 | 03/11/2016
Chia sẻ
Để đạt được mục tiêu doanh số bán lẻ của thương mại điện tử (TMĐT) 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ của cả nước vào năm 2020, bên cạnh hỗ trợ từ Nhà nước, các doanh nghiệp (DN) cần phải nỗ lực, chủ động nắm bắt lấy các cơ hội.
dn can chu dong nam bat cac co hoi tu thuong mai dien tu
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa bàn giải pháp phát triển TMĐT với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phía nam. Ảnh: VGP/Lê Anh

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho biết như vậy tại hội thảo Định hướng phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 3/11 tại TPHCM, với sự tham dự của lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phía nam và các cơ quan, ban ngành liên quan.

Hiện nay, TMĐT tại Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ với mục tiêu đến năm 2020, doanh số bán lẻ thông qua TMĐT đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ của cả nước. Trong đó, kỳ vọng các giao dịch TMĐT DN-DN (B2B) chiếm 30% kim ngạch xuất nhập khẩu vào năm 2020.

Mặc dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia, việc phát triển TMĐT của Việt Nam còn chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Việc quản lý và phát triển TMĐT tại nhiều địa phương còn hạn chế, yếu kém.

DN chưa mặn mà với TMĐT

Theo phản ánh của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phía nam, hiện nay, mặc dù các sở đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, tuyên truyền về TMĐT, nhưng số lượng DN tham gia hạn chế. Nhiều DN tỏ ra e dè, thiếu niềm tin vào sự phát triển TMĐT, quen sử dụng mô hình thương mại truyền thống.

Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, môi trường triển khai TMĐT còn gặp nhiều khó khăn, DN tự xây dựng các website nhưng hiệu quả hoạt động còn thấp, thiếu đầu tư; công tác thanh kiểm tra, giám sát các hoạt động TMĐT còn gặp nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, năng lực hạn chế...

Có một thực trạng được các địa phương phản ánh là việc quản lý TMĐT tại Sở Công Thương mỗi nơi lại do những phòng, ban khác nhau quản lý, mà chưa có sự thống nhất.

Từ những hạn chế nêu trên, lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh phía nam cho rằng, TMĐT là một lĩnh vực mới và phát triển nhanh, nguồn nhân lực của địa phương còn hạn chế về số lượng và chất lượng, nên trong thời gian tới địa phương rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị thuộc Bộ Công Thương trong công tác đào tạo, huấn luyện, tuyên truyền cho các cán bộ Nhà nước và DN ở địa phương, nhất là tổ chức các khóa đào tạo dài hạn.

Xây dựng và hoàn thiện về TMĐT, nhất là các quy định của các cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động TMĐT từ Trung ương đến địa phương, về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động TMĐT. Tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT nhằm thúc đẩy sự tham gia của người tiêu dùng trong thực hiện các giao dịch điện tử. Tăng cường hỗ trợ địa phương triển khai các đề án thuộc chương trình TMĐT quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Tạo sân chơi cho DN

Ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, kinh nghiệm phát triển tại TPHCM cho thấy, cần tạo môi trường thuận lợi cho TMĐT phát triển, không nên quản lý cứng nhắc... Điều quan trọng là hướng dẫn, tuyên truyền cho các DN TMĐT tuân thủ đúng pháp luật, bảo đảm lợi ích cho người tiêu dùng.

Chính vì vậy, Bộ Công Thương và các địa phương cần tổ chức nhiều sân chơi về TMĐT để hỗ trợ, khuyến khích các DN tham gia, như ngày mua sắm trực tuyến Online Friday..., từ đó nâng cao nhận thức của DN về hiệu quả, lợi ích khi tham gia TMĐT.

Chia sẻ về những khó khăn của các địa phương khi triển khai phát triển TMĐT, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, để đạt được những mục tiêu đề ra tại kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương trên cả nước nhằm phát triển hài hòa mọi khía cạnh của lĩnh vực TMĐT.

Do đó, các địa phương cần tập trung phát triển TMĐT theo định hướng của kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành theo Quyết định số 1563/QĐ-TTg ngày 8/8/2016, trong đó đề cập đến các nhóm giải pháp như: Phát triển hạ tầng, xây dựng hoàn thiện chính sách, phát triển ứng dụng sàn TMĐT để hỗ trợ DN, hỗ trợ và đào tạo kỹ năng cho DN để tham gia vào sàn TMĐT hiệu quả, khai thác được công cụ này để phục vụ cho việc kinh doanh của mình.

Đồng thời, mỗi địa phương cần tính đến các thế mạnh của mình để đầu tư có trọng điểm, hiệu quả hoạt động TMĐT hỗ trợ DN. Chẳng hạn như cách làm của tỉnh Lâm Đồng, với thế mạnh là các sản phẩm nông sản xuất khẩu, nên tỉnh đã hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn DN xuất khẩu, tham gia vào sàn giao dịch TMĐT Alibaba.

Hay như cách làm của Đồng Tháp là thành lập sàn giao dịch TMĐT hỗ trợ các DN, thu hút 50 DN tham gia với 700 mặt hàng chủ lực của địa phương giới thiệu tới khách hàng.

Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các địa phương, xem xét, hỗ trợ kinh phí cho các DN nhỏ và vừa tham gia vào sàn TMĐT Alibaba.com

Lê Anh