|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

DN âm vốn hàng chục tỷ, SCIC rao bán 100.000 đồng/cp

07:30 | 17/08/2016
Chia sẻ
Tính đến cuối năm 2015, vốn chủ sở hữu âm hơn 53 tỷ đồng, doanh nghiệp này vẫn được SCIC rao bán gần 82.000 cp với giá 100.000 đồng/cp.

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có thông báo về việc bán cả lô 81.876 cp của CTCP Nông sản Tâm Lâm, chiếm tỷ lệ 74,43% với giá khởi điểm 100.000 đồng/cp. Dự kiến số tiền thu về tối thiểu khoảng 8,2 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý là tính đến cuối năm 2015, Nông sản Tân Lâm có khoản lỗ lũy kế hơn 66 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 54 tỷ đồng. Cùng với đó, Báo cáo kiểm toán 2015 lưu ý về khả năng hoạt động của Công ty trong thời gian tới.

Nông sản Tân Lâm là doanh nghiệp trồng cà phê và cao su có vốn điều lệ 11 tỷ đồng. Công ty được cổ phần hóa từ năm 2004 trên cơ sở cổ phần hóa Công ty Hồ tiêu Tân Lâm và SCIC là cổ đông lớn nhất nắm 74,43% vốn.

dn am von hang chuc ty scic rao ban 100000 dongcp

Giai đoạn 2004-2011, doanh thu đạt trung bình 50 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng/năm, cổ tức duy trì mức trên 10%. Tuy nhiên đến năm 2012, Công ty bất ngờ lỗ hơn 45 tỷ đồng và kể từ đó đến nay liên tục lỗ.

Tình hình kinh doanh 2011-2016 của Tân Lâm

dn am von hang chuc ty scic rao ban 100000 dongcp

Tại báo cáo tài chính kiểm toán 2015, đã có hàng loạt lưu ý tiếp tục được chỉ ra trong nhiều năm qua. Tính đến 31/12/2015, Công ty lỗ lũy kế 66,4 tỷ đồng, vốn chủ sử hữu âm 53,8 tỷ đồng và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn đến 58 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty còn 1,5 tỷ đồng các khoản công nợ của vườn tiêu Tân Nghĩa và nợ liên doanh, liên kết tồn đọng từ trước cổ phần hóa.

Kiếm toán viên nhấn mạnh về doanh thu năm 2015 phát sinh từ khai thác mủ 164 ha cao su, đang là tài sản thế chấp cho các khoản vay tại BIDV – Chi nhánh Quảng Trị mà Ngân hàng đã khởi kiện Công ty vào năm 2013. Theo kết quả thỏa thuận tại Tòa án thì BIDV có quyền phát mãi toàn bộ cây cao su nếu Công ty không trả đủ nợ.

Tính đến cuối 2015 thì trong cơ cấu nợ vay thì Tân Lam nợ BIDV Quảng Trị 6,7 tỷ đồng và tiền lãi gần 3 tỷ đồng.

Trong năm 2015, cổ đông lớn nhất là SCIC đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng trị tạm thời chưa thực hiện phát mãi tài sản thế chấp để hỗ trợ tái cơ cấu Công ty.

Ngoài ra, Tân Lam còn có khoản nợ Ngân hàng Agribank – Chi nhánh Cam Lộ hơn 32 tỷ đồng và tiền lãi khoảng 16 tỷ đồng đã được bán cho Công ty Quản lý Tài sản của Tổ chức Tín dụng vn (VAMC). Đây là những khoản vay phục vụ cho kinh doanh cao su, cà phê.

Trước những vấn đề tồn đọng trên, kiếm toán đã nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Mặt khác, tại ĐHĐCĐ thường niên 2016, đã có nhiều ý kiến cho rằng SCIC chỉ quan tâm đến việc bán vốn nhà nước kể từ khi Công ty bị lỗ đến nay, là cổ đông lớn nắm trên 51%vốn thì SCIC phải có trách nhiệm về việc Công ty làm ăn bị thua lỗ.

Bên cạnh đó, cổ đông cũng nêu ý kiến SCIC phải có lộ trình cụ thể, nếu không bán được vốn cho nhà đầu tư khác thì tiến hành phá sản Công ty để không kéo dài khoản nợ và thất thoát, hư hỏng tài sản.

Được đại hội thông qua, năm 2016, chỉ tiêu sản lượng của Công ty khoảng 140 tấn cao su mủ khô, doanh thu 3 tỷ đồng và kế hoạch lỗ 8,2 tỷ đồng.

Theo kế hoạch của SCIC, phiên đấu giá cổ phần Tân Lâm sẽ tổ chức vào sáng ngày 14/09/2016. Cùng ngày, SCIC cũng đấu giá cả lô 9.000 cổ phần của CTCP Vận tải và Thương mại Dự trữ Quốc gia (đơn vị từng thuộc Tổng Cục dự trữ Nhà nước) với giá khởi điểm 100.000 đồng/cp.

Tiến Vũ