Đình chỉ tổ bay sau sự cố máy bay Vietjet tại Buôn Ma Thuột
Chiếc máy bay Vietjet gặp sự cố tại Buôn Ma Thuột |
Sáng nay (1/12), trao đổi nhanh với Báo Giao thông, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết đã đình chỉ tổ bay sau sự cố xảy ra tại Buôn Ma Thuột với chuyến bay VJ356 ngày 29/11/2018 của hãng hàng không Vietjet.
“Hộp đen máy bay hiện đã được niêm phong. Ngay trong tuần tới, chúng tôi sẽ tiến hành giải mã, phân tích dữ liệu hộp đen, mô phỏng hóa quá trình bay, đặc biệt là quá trình hạ cánh của máy bay để làm rõ nguyên nhân sự cố", ông Thắng nói và cho biết thêm: Hiện tại, chúng tôi đã loại trừ nguyên nhân do yếu tố kỹ thuật của tàu bay. Tình trạng máy bay trước khi bị sự cố là tốt. Điều kiện thời tiết khi hạ cánh cũng tốt. Trước khi hạ cánh, phi công không yêu cầu mặt đất hỗ trợ kỹ thuật do trục trặc hệ thống càng hay áp suất lốp.
"Cũng do nguyên nhân liên quan đến kỹ thuật được loại trừ nên chúng tôi vẫn không yêu cầu dừng khai thác với các tàu bay A321 khác hay nói cách khác, hoạt động khai thác của dòng máy bay này vẫn diễn ra bình thường", ông Thắng thông tin.
Được biết, hiện tại, cả VietJet Air, Vietnam Airlines và sắp tới đây là Bamboo Airways cũng đều khai thác dòng máy bay này.
Trong ngày hôm qua, Bộ GTVT cũng đã có văn bản yêu cầu khẩn trương điều tra, khắc phục sự cố chuyến bay VJ356 của hãng hàng không Vietjet và bảo đảm công tác an toàn hàng không.
Văn bản của Bộ GTVT nêu rõ, Cục Hàng không VN có trách nhiệm thành lập tổ điều tra sự cố để tiến hành điều tra, xác minh nguyên nhân sự cố đối với chuyến bay VJ356 ngày 29/11/2018 của hãng hàng không Vietjet; Chỉ đạo các cảng vụ hàng không tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện kịp thời các vấn đề không tuân thủ quy trình bảo dưỡng, quy trình khai thác tàu bay nhằm phát hiện được các yếu tố tiềm ẩn ảnh hưởng đến an toàn khai thác bay và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Hãng hàng không Vietjet khẩn trương phối hợp với Cục Hàng không VN, Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam và các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân sự cố, nhanh chóng có báo cáo điều tra để công khai nguyên nhân sự cố; tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn không để xảy ra các trường hợp tương tự.
Phía các hãng hàng không và các tổ chức bảo dưỡng tàu bay, Bộ GTVT yêu cầu tuân thủ nghiêm các quy trình về bảo dưỡng, khai thác tàu bay. Cụ thể, bố trí đầy đủ nhân viên bảo dưỡng tàu bay, vật tư dự phòng, dụng cụ trang thiết bị… tại các cảng hàng không nhằm tăng cường năng lực khắc phục hỏng hóc, sự cố tàu bay.
Thành viên tổ bay tuân thủ nghiêm các quy trình khai thác, tiêu chuẩn đã được phê duyệt, trong đó chú trọng công tác chuẩn bị trước chuyến bay đảm bảo đầy đủ các thông tin cần thiết cho chuyến bay; nhân viên bảo dưỡng tàu bay cần tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn quy định trong các tài liệu bảo dưỡng, sử dụng danh mục kiểm tra trong khi thực hiện công việc để tránh xảy ra những sự cố do sai lỗi bảo dưỡng tàu bay; Thực hiện đúng quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, không để xảy ra trường hợp vi phạm quá giờ làm việc của thành viên tổ bay, nhân viên bảo dưỡng; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý an toàn (SMS), khắc phục triệt để các vấn đề về an toàn còn tồn đọng; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo sự cố, báo cáo định kỳ và đột xuất.