|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Điều hành linh hoạt giá xăng dầu, tránh tác động bất lợi lên lạm phát

15:24 | 23/02/2022
Chia sẻ
Cơ quan quản lý giá sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và làm tốt dự báo, điều hành linh hoạt giá xăng dầu, tránh tác động bất lợi lên lạm phát.
Điều hành linh hoạt giá xăng dầu, tránh tác động bất lợi lên lạm phát - Ảnh 1.

Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. (Ảnh: TTXVN).

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, tác động của tăng giá xăng dầu đã được tính toán và dự báo trong kịch bản điều hành giá từ đầu năm, cơ quan quản lý giá sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và làm tốt dự báo, điều hành linh hoạt giá xăng dầu, tránh tác động bất lợi lên lạm phát.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn theo quy định của Luật Giá, xăng, dầu thành phẩm nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Giá xăng dầu tăng làm gia tăng áp lực cũng như tăng kỳ vọng về lạm phát.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, tác động của tăng giá xăng dầu đã được tính toán và dự báo trong kịch bản điều hành giá từ đầu năm và tại các cuộc họp định kỳ của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, giá xăng dầu tăng ở thời điểm kinh tế thế giới phục hồi đã được các cơ quan quản lý dự báo từ sớm. Trước diễn biến phức tạp của giá một số mặt hàng là đầu vào nền kinh tế, từ ngày 7/2, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành và địa phương phải cùng vào cuộc, tập trung kiểm soát giá cả ngay từ những tháng đầu năm. 

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công thương chủ động nắm bắt diễn biến giá xăng dầu thế giới sau Tết để có phương án điều hành phù hợp, hạn chế tác động mạnh đến thị trường trong nước và đảm bảo dư địa kiểm soát lạm phát cả năm.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, việc giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng, mặt hàng xăng dầu thành phẩm chiếm quyền số khoảng 3,6%, giả định giá xăng dầu tăng 5% sẽ làm cho chỉ số CPI tăng khoảng 0,18%, tăng 10% làm CPI tăng 0,36% tùy thuộc vào mức tăng của giá xăng dầu.

Ngoài ra, xăng dầu còn tác động đến nhóm giao thông vận tải như vận tải hành khách bằng đường sắt, hàng không, đường bộ, đường thủy, xe buýt, taxi… và vận chuyển hàng hóa; làm tăng chi phí sản xuất các mặt hàng sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất, từ đó kéo theo các mặt hàng khác trong nhóm hàng hóa, dịch vụ tính CPI tăng theo.

Về tác động đến chỉ số giá sản xuất (PPI), ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, giá xăng dầu tăng làm tăng chỉ số giá nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu, tăng chỉ số giá sản xuất các mặt hàng sử dụng xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất như điện khí, dầu mỏ tinh chế…

Thời gian qua, giá xăng dầu thành phẩm thế giới tiếp tục xu hướng tăng là nguyên nhân chính tác động làm tăng chi phí đầu vào, qua đó tác động tăng giá xăng dầu trong nước và gây áp lực lên việc điều hành giá xăng dầu nói riêng, việc điều hành giá nói chung.

“Trước áp lực như vậy, đi đôi với việc đánh giá đảm bảo nguồn cung, kiểm soát thị trường và tăng cường dự báo, thì điều hành giá xăng dầu đã cố gắng bám sát diễn biến thị trường; đồng thời linh hoạt sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, để giảm tác động tăng giá mặt hàng xăng dầu trong nước. Nếu không sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá thì biến động trong nước còn phức tạp hơn”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, trên thực tế, việc tăng giá xăng dầu có thể điều tiết bằng một số giải pháp. Nghị định số 95/2021/NĐ-CP quy định, giá bán xăng dầu trong nước được thực hiện theo cơ chế thị trường và phù hợp với giá xăng dầu thế giới.

Hiện nay, Bộ Công thương đang triển khai một số giải pháp cần thiết, như đảm bảo nguồn cung; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý.

“Về điều hành giá, chúng tôi tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và làm tốt dự báo; đồng thời tiếp tục cân đối sử dụng công cụ tài chính là Quỹ Bình ổn giá một cách linh hoạt, hiệu quả để hạn chế trường hợp tăng đột biến về giá”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Anh Tuấn cần tiếp tục chú trọng việc thông tin, tuyên truyền về điều hành giá xăng dầu để đảm bảo tính công khai, minh bạch; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.

Thời gian tới, để kiểm soát lạm phát từ sớm, từ xa, góp phần hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của người dân khi đã chịu nhiều khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết việc quản lý, điều hành giá năm 2022 cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động, linh hoạt ngay từ những tháng đầu năm 2022, bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Đi đôi với việc đánh giá đảm bảo nguồn cung, kiểm soát thị trường và tăng cường dự báo, thì việc điều hành giá xăng dầu đã cố gắng bám sát diễn biến thị trường; đồng thời linh hoạt sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, để giảm tác động tăng giá mặt hàng xăng dầu trong nước.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2022, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Thông báo số 882 về công tác điều hành giá năm 2022.

Cụ thể, tập trung theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược, kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và điều hành, bình ổn giá. 

Đối với giá một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, các bộ quản lý ngành chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê trong rà soát, tính toán các phương án giá, đánh giá tác động đối với kinh tế xã hội, mặt bằng giá, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để chủ động có phương án điều hành phù hợp khi có dư địa.

Thùy Dương