Giá dầu tăng sẽ ảnh hưởng ra sao đến lạm phát và tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam?
Giá dầu đang là một trong những tâm điểm khá quan trọng trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát thế giới đang ở mức cao, sự vận động của giá dầu cũng là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách, các NHTW và các chính phủ đương nhiệm trên toàn cầu. Hơn hết, gần đây giá dầu đang nằm trong xu hướng tăng điểm khá mạnh.
Giá dầu thế giới Brent đang nằm ở mức 93,44 USD/thùng, hồi phục khá rõ nét và tăng gấp 3 lần so với điểm đáy năm 2020.
Giá dầu thế giới vượt ngưỡng 100 USD/thùng có thể khiến lạm phát ở Việt Nam tăng cao
Mới đây, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) công bố báo cáo dự đoán giá dầu thế giới và tác động lên kinh tế Việt Nam. Theo BSC, xu hướng tăng giá hiện tại của giá dầu đang được ủng hộ bởi yếu tố chính: Dự báo nhu cầu giá dầu gia tăng theo đà hồi phục kinh tế thế giới.
Báo cáo cho biết xu hướng giao dịch giá dầu có thể không tăng mạnh và thậm chí suy giảm đang được các tổ chức thế giới ủng hộ khi mức trung bình dự báo giá dầu USD/thùng đang được dự đoán ở mức từ 76,2-81,3 (USD/thùng).
Nếu giá dầu duy trì ở vùng giá 80 USD/ thùng, BSC dự báo lạm phát của Việt Nam có thể tăng tới 4,5% (kịch bản 1 - kịch bản tiêu cực khi GDP dự báo tăng 6%).
Nếu nguy cơ Mỹ ban lệnh trừng phạt thành hiện thực thì giá dầu nhiều khả năng sẽ duy trì trên ngưỡng 100 USD/thùng.
Hiện tượng này cũng sẽ khiến lạm phát trong kịch bản 1 tăng từ mức 4,5% lên 5,1%.
Ở kịch bản 2 - kịch bản tích cực hơn, lạm phát sẽ tăng từ 3% lên 3,6%. Trong trường hợp này, tác động của lạm phát tăng cao có thể gây áp lực lên việc điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN và tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022.
Tuy nhiên, BSC cho rằng hiện tượng này cũng sẽ khiến dòng tiền đầu tư tìm đến các cổ phiếu ngành dầu khí.
Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng trong thời gian tới, giá dầu cao hơn sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên nhu cầu tiêu dùng trong nước và làm tăng lạm phát, điều này có thể làm xói mòn sự phục hồi kinh tế.
Giá xăng dầu tăng có thể vô hiệu hoá chính sách giảm 2% thuế VAT
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ trên TTXVN, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.
Trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu.
Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.
Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không.
Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Đối với nền kinh tế nước ta, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5%. Đây là mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hoá chính sách tài khoá cắt giảm 2% thuế VAT đang triển khai thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.
Nói về tác động của giá xăng dầu tăng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế, theo TS. Nguyễn Bích Lâm, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/