|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Điều hành lãi suất trong 'cơn xoáy' lạm phát - Bài 4: Doanh nghiệp chèo lái khi lãi suất tăng

13:30 | 04/12/2022
Chia sẻ
Nhằm ứng phó những biến động tỷ giá, làn sóng lạm phát diễn ra mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh lãi suất điều hành và nới biên độ tỷ giá từ từ mức ±3% lên ±5%.

Theo đó, lãi suất huy động và cho vay tại các ngân hàng thương mại có sự biến động tăng thêm từ 3 - 4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi nguồn vốn tiếp cận còn khó khăn, lãi suất lại tăng cao, doanh nghiệp đang tìm mọi cách để chèo lái đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Phóng viên TTXVN ghi lại ý kiến doanh nghiệp xung quanh câu chuyện này.

Bà Cao Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng nấm Hòa Long:

Hiện nay, Công ty TNHH Nuôi trồng nấm Hòa Long đang chịu mức lãi suất vay là 12%/năm. Với khoản vay 4 tỷ đồng, mỗi tháng công ty phải trả tiền lãi và gốc hơn 250 triệu đồng.

Thêm vào đó, cả nước vừa trải qua khoảng thời gian ứng phó dịch bệnh, doanh nghiệp, người lao động mới trở lại sản xuất, làm việc nên khả năng phục hồi kinh tế còn chậm, lạm phát lại diễn ra cùng lúc nên người tiêu dùng bắt buộc phải thắt chặt chi tiêu.

Chính vì điều này, doanh nghiệp nằm ở thế kẹt giữa lãi suất tăng, nguồn vốn vay hạn chế, sản phẩm làm ra không được tiêu thụ mạnh vì hầu hết người tiêu dùng chỉ chi tiêu cho các mặt hàng thực phẩm, nông sản thiết yếu.

Đối với những khoản vay trung hạn và dài hạn, chưa tới thời điểm đáo hạn, doanh nghiệp chỉ phải xoay xở nguồn tiền trả lãi ngân hàng nên còn có thể giữ vốn cầm cự. Nhưng với lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, nuôi trồng nấm, ngân hàng chỉ xét duyệt hồ sơ vay ngắn hạn trong 6 tháng, nên đến thời gian đáo hạn, doanh nghiệp phải hoàn trả cả gốc và lãi, đây mới là vấn đề nan giải. Chính vì vậy, để duy trì sản xuất, Công ty TNHH Nuôi trồng nấm Hòa Long phải tìm cách giải quyết nguồn vốn bằng tài sản của doanh nghiệp, cố gắng qua giai đoạn khó khăn này.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam:

Giá bất động sản bị đánh giá là đang ở mức cao, không phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân. Cơ cấu sản phẩm bất động sản cũng đang có những dấu hiệu bất hợp lý, tồn kho trên thị trường chủ yếu đến từ bất động sản cao cấp. Trong khi nhà thương mại giá rẻ, các căn hộ trung cấp vừa túi tiền rất ít trên thị trường.

Ngoài sự bất hợp lý về cơ cấu nguồn cung, chưa bao giờ thị trường bất động sản lại “khát” vốn đến thế. Tín dụng ngân hàng khó tiếp cận. Kênh huy động vốn từ thị trường bất động sản là trái phiếu doanh nghiệp đang đình trệ, niềm tin nhà đầu tư ảnh hưởng sau những vụ việc vi phạm pháp luật của một số doanh nghiệp.

Thanh khoản yếu dẫn đến sụt giảm doanh thu rất mạnh của các doanh nghiệp bất động sản. Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn nên buộc phải dừng các dự án đang triển khai thậm chí là sa thải bớt lực lượng lao động, giảm giá thành, chấp nhận lỗ, thị trường và sức khoẻ doanh nghiệp đang yếu dần.

Do tắc các kênh huy động vốn nên một số doanh nghiệp bất động sản phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao hoặc phải bán bớt tài sản, dự án; bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (40% giá hợp đồng).

Năm 2023, doanh nghiệp sẽ vẫn tiếp tục đối mặt với các khó khăn, tạo ra rất nhiều những hệ lụy với nền kinh tế.

Theo tôi đầu tiên, cần giải quyết các vướng mắc về pháp lý tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án. Thứ 2 là tạo điều kiện cho những doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để doanh nghiệp có thể triển khai dự án tạo nguồn cung ra thị trường.

Việc điều chỉnh các chính sách vĩ mô đều cần một độ trễ nhất định, đây là quá trình điều chỉnh Luật, Nghị định… Nhưng trước mắt để giải quyết khó khăn phải khơi thông được nguồn vốn cho thị trường.

Với những doanh nghiệp làm có hiệu quả, sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì cần được khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ tiếp cận vốn thực hiện dự án. Điều này sẽ giúp thị trường bước đầu đỡ khó khăn.

Ông Lý Văn Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông trại sinh thái Ecofarm:

Khi lãi suất cho vay của các ngân hàng tăng lên đồng nghĩa doanh nghiệp phải cộng thêm một khoản chi phí vào sản phẩm. Tuy nhiên, với tình trạng lạm phát hiện nay, giá xăng, dầu tăng trở lại, cùng với sự thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng, sản phẩm bán ra khó có thể tăng hơn. Chính vì vậy, doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi, điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh theo hướng “4 ít”. Đó là, ít nhân lực, ít vốn, ít tồn kho và ít mặt bằng. Bằng phương pháp này, Ecofarm giảm thiểu các nhân lực không chủ chốt, chuyển sang liên kết với các hộ sản xuất.

Hiện nay, đội ngũ sản xuất của Ecofarm chỉ còn 10 người, thay vì 40 người như trước đây. Ecofarm chỉ giữ lại những lao động chủ chốt, được đào tạo lâu dài của công ty. Với cách liên kết, Ecofarm giảm được nguồn tài chính trả lương nhân viên đến 75%. Song song với tiết giảm nhân sự trong sản xuất, Ecofarm cũng sử dụng chiến lược giảm tồn kho từ nguyên, vật liệu đầu vào, đến thành phẩm làm ra. Để có thể duy trì hoạt động sản xuất, Ecofarm kí kết hợp đồng mua nguyên liệu với số lượng vừa đủ cho mùa vụ, sử dụng chính kho của nhà cung cấp để giữ nguồn hàng đó cho đến lúc sử dụng.

Với sản phẩm làm ra, Ecofarm cũng nhanh chóng bán hàng, thu hồi vốn nhanh nhất, không gia hạn nợ để doanh nghiệp có nguồn kinh phí xoay vòng cho lần sản xuất tiếp theo. Khi thu hồi vốn nhanh, điều này cũng đồng nghĩa doanh nghiệp không mất nhiều chi phí giàn trải, mà tập trung vào đúng quy trình sản xuất. Bán hàng nhanh cũng chính là giúp Ecofarm không phải thuê mặt bằng lưu trữ sản phẩm. Với tất cả 4 phương án này, Ecofarm đã tiết kiệm được một nguồn kinh phí lớn, có thể ứng phó với thực tế lãi suất cho vay tăng cao hiện nay.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang siết chặt tín dụng, nên doanh nghiệp muốn dùng tài sản thế chấp để vay thêm cũng không thể được xét duyệt hồ sơ. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, thông thường các ngân hàng chỉ xét duyệt hồ sơ vay ngắn hạn 6 tháng. Các khoản vay trung hạn và dài hạn rất khó được duyệt. Chính vì vậy, tự thân doanh nghiệp phải điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh là điều tất yếu.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư kí Hiệp hội Dệt may Việt Nam:

Ngành dệt may vốn có nhiều doanh nghiệp đặc thù tạm nhập nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, sau đó xuất khẩu thì sẽ không chịu thuế nguyên phụ liệu này, chỉ thực hiện tạm nhập tái xuất (hợp đồng FOB). Thêm vào đó, khi doanh nghiệp xuất khẩu đơn hàng thì phải nộp thuế giá trị gia tăng ngay, nhưng thời gian hoàn thuế nguyên phụ liệu nhập khẩu đối với các doanh nghiệp kí hợp đồng FOB lại kéo dài. Trong thời gian chưa hoàn thuế, doanh nghiệp phải chịu lãi suất ngân hàng khoản tiền này.

Quá trình hoàn thuế lâu khiến doanh nghiệp phải chôn vốn, không thể sử dụng xoay vòng, bắt buộc doanh nghiệp phải làm hồ sơ vay vốn tiếp theo để có kinh phí thực hiện các hợp đồng khác. Trong điều kiện ngân hàng chặt chẽ cho vay như hiện nay, doanh nghiệp ngành dệt may khó lại chồng khó.

Trong trường hợp doanh nghiệp ngành dệt may không thể vay vốn để nhập khẩu nguyên phụ liệu, thì phải mua nguyên phụ liệu trong nước và gánh phần thuế nguyên phụ liệu này. Đơn hàng sau khi xuất khẩu chịu thêm thuế giá trị gia tăng mà không được tính hoàn thuế như đối với nguyên phụ liệu nhập khẩu, vô tình doanh nghiệp phải gánh 2 đầu chi phí khiến giá thành sản phẩm tăng thêm, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Không những vậy, khi doanh nghiệp phải tự xoay xở vốn để mua nguyên phụ liệu trong nước, thì vô tình hợp đồng của doanh nghiệp với khách hàng trở thành hợp đồng gia công, không còn là đơn vị giao thương tương ứng như trước. Chính vì vậy, từ tháng 7/2022 đến nay, đã có hiện tượng doanh nghiệp có đơn hàng FOB phải chấp nhận làm gia công vì không vay được tiền để mua nguyên liệu. 

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An:

Trước  đây, nông dân sản xuất lúa mạnh hộ nào hộ đó làm nên sẽ phải tự lo giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Khi liên kết với doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ cung cấp toàn bộ giống, vật tư sản xuất cho nông dân và bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch. Việc này để nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, đảm bảo sản phẩm chất lượng đồng đều, đạt chuẩn vào các thị trường khó tính. Toàn bộ quá trình này, doanh nghiệp phải có được nguồn vốn tốt.

Doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp là sự đầu tư dài hạn. Vụ sản xuất Đông Xuân đang diễn ra, nhu cầu vốn đầu tư cho nông dân sản xuất rất lớn nhưng lãi suất liên tục tăng cao khiến doanh nghiệp phải tìm cách xoay xở.

Hiện đầu ra sản phẩm của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An tương đối ổn định. Để đảm bảo cho sản xuất, xuất khẩu, công ty có nhu cầu liên kết với nông dân khoảng 50.000 ha. Tuy nhiên, hiện công ty mới liên kết được khoảng 18.000 ha bởi thiếu nguồn vốn đầu tư. Trong khi đó, nông dân rất mong muốn vào cánh đồng liên kết, các địa phương “trải thảm đỏ” mời gọi doanh nghiệp do sản xuất được, doanh nghiệp lo đầu vào, đầu ra, quy trình sản xuất có sẵn nên nông dân “khỏe” với cánh đồng liên kết.

Nhóm phóng viên

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.