Điều gì phía sau sự giật cục của cổ phiếu MBG?
Từ diễn biến giá bất thường...
Niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) từ cuối năm 2015, cổ phiếu MBG của CTCP Đầu tư phát triển xây dựng và thương mại Việt Nam là một trong những câu chuyện điển hình của loại cổ phiếu lên sàn rồi… lặn mất hút.
Ngay sau khi niêm yết, cổ phiếu MBG có một đợt tăng giá mạnh, từ mức giá ngày chào sàn hơn 13.000 đồng/CP đã tăng lên gần 22.000 đồng/CP, đi kèm với thanh khoản cao, thậm chí nhiều phiên có hàng triệu cổ phiếu được khớp lệnh, trong khi tổng số lượng cổ phiếu lưu hành tại thời điểm này chỉ là 8 triệu đơn vị.
Thế nhưng, sau chuỗi ngày hưng phấn đó, MBG bắt đầu "nguội lạnh". Kể từ giữa năm 2016, giá và thanh khoản cổ phiếu MBG ổn định ở mức thấp cho đến tận giữa năm nay.
Giữa lúc thị trường chứng khoán trong giai đoạn tích lũy chờ cơ hội đi lên, thị giá MBG ghi nhận mức tăng ấn tượng: Từ 1.900 đồng/CP hồi đầu tháng 5, đến nay tăng lên 6.600 đồng/CP. Cùng với đó, thanh khoản cũng tăng mạnh với nhiều phiên khớp từ 1-2 triệu đơn vị.
Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2018 của MBG cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, Công ty đạt 268 tỷ đồng doanh thu thuần và 2,434 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 76,3% và 106% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ hiệu quả kinh doanh trên vốn chủ sở hữu, MBG vẫn đang đi lùi khi thu nhập trên mỗi cổ phiếu đã giảm về mức 58 đồng thay vì 100 đồng của cùng kỳ, do MBG tăng vốn điều lệ năm 2017.
... Đến những nhà đầu tư trung thành và hào phóng
Cả năm 2017, song với kết quả kinh doanh èo uột, cổ phiếu MBG cũng giao dịch quanh mức thấp (3.000 đồng/CP, thu nhập trên mỗi cổ phiếu là 119 đồng). Thế nhưng, MBG lại có những nhà đầu tư "trung thành và hào phóng".
Theo đó, tháng 3/2017, MBG thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:3, tức mỗi cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu MBG được quyền mua 3 cổ phiếu MBG giá 10.000 đồng/CP, đồng thời phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2015. Với phương án này, MBG dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thêm 128 tỷ đồng.
Kể từ khi thực hiện việc phát hành, mức giá cao nhất của cổ phiếu MBG là 5.300 đồng/CP, còn lại chủ yếu dao động quanh mức 3.000 đồng/CP.
Với mức giá này, MBG chỉ bán được gần 2,175 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trong tổng số 12 triệu cổ phiếu chào bán, tương đương 27,186% vốn điều lệ tại thời điểm chào bán. Phần còn lại là hơn 9,825 được phân phối cho 11 nhà đầu tư cá nhân, trong đó không có nhà đầu tư nào là cổ đông hiện hữu.
Chưa rõ vì sao MBG lại có những nhà đầu tư hào phóng sẵn sàng mua cổ phiếu phát hành ở mức cao hơn 2,5 lần thị giá, nhưng chắc chắn rằng, những nhà đầu tư này đã ngậm trái đắng.
Trong bản cáo bạch chào bán cổ phiếu, MBG dự kiến đạt lợi nhuận sau thuế năm 2017 là 22 tỷ đồng, tương đương mức thu nhập trên mỗi cổ phiếu là 1.058 đồng.
Tuy nhiên, con số lợi nhuận thực tế đạt được chỉ là 1,937 tỷ đồng, tức chưa đến 10% kế hoạch đặt ra. Sau đợt phát hành năm 2017, nhóm nhà đầu tư mới nắm 47,27% vốn điều lệ, còn nhóm nhà đầu tư cũ nắm 27,2%. Tổng cộng, nhóm cổ đông này nắm giữ 74,47% vốn điều lệ mới của MBG.
Năm 2018, tuy giá cổ phiếu MBG tiếp tục sụt giảm với kết quả kinh doanh èo uột, nhưng các cổ đông của MBG lại một lần nữa tỏ ra "hào phóng" với Công ty khi không mua cổ phiếu trên sàn với giá thấp, thanh khoản cao, mà chấp nhận mua phát hành riêng lẻ cổ phiếu để bị hạn chế chuyển nhượng.
Với 14 nhà đầu tư cá nhân, MBG dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thêm 200 tỷ đồng, trong khi Công ty vẫn ước lợi nhuận chỉ đạt 4 tỷ đồng trên vốn điều lệ mới là 418,8 tỷ đồng.
Trong số này, có 7 cái tên đã xuất hiện trong lần mua trước đó, với số tiền bỏ ra mua lần này là 72 tỷ đồng.
Thị giá cổ phiếu thấp, kết quả kinh doanh đì đẹt kéo dài, điều gì đang khiến các nhà đầu tư, cổ đông chấp nhận "thiệt đơn thiệt kép" khi mất ngay cả trăm tỷ đồng và cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng để gắn bó với MBG? Liệu câu chuyện MBG có tương tự như những công ty khoáng sản từng trồi lên, sụt xuống trước đây?