|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng TP HCM

16:54 | 25/07/2017
Chia sẻ
Chiều 25/7 tại TP HCM, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đồng chủ trì Hội nghị về điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Chủ tịch UBND TP HCM và lãnh đạo các địa phương trong vùng.

Theo Đồ án Quy hoạch điều chỉnh, vùng TP HCM có phạm vi ranh giới trùng với vùng kinh tế trọng điểm phía nam gồm 8 tỉnh, thành phố là TPHCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu. Vùng TP HCM có vị trí chiến lược trung tâm vùng Đông Nam Á; giữ vị trí chiến lược về cảng biển trung chuyển quốc tế, cảng hàng không quốc tế; là cầu nối tiểu vùng sông Mekong.

dieu chinh quy hoach xay dung vung tp hcm
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đồng chủ trì Hội nghị về điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến.

Vùng TP HCM có dân số gần 19 triệu người, chiếm 21% dân số cả nước, là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của quốc gia. Về phát triển kinh tế, vùng TPHCM dự báo đóng góp khoảng 41,8% GDP, 51,04% kim ngạch xuất khẩu cả nước và 59,57% tổng thu ngân sách quốc gia.

Quy hoạch vùng TP HCM trước đó được phê duyệt năm 2008. Năm 2014, để đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng phù hợp với xu thế và tình hình phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM. Bộ Xây dựng đã chỉ đạo đơn vị tư vấn trong nước là Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam phối hợp với Công ty Tư vấn INSAR (CHLB Đức) triển khai lập.

Sau hơn 2 năm nghiên cứu, đồ án đã được Bộ Xây dựng tổ chức hội đồng thẩm định, có sự tham gia của các bộ, ngành và địa phương trong vùng, các hội nghề nghiệp, các chuyên gia phản biện quốc tế và trong nước. Đồ án đã được tiếp thu, giải trình các ý kiến và hoàn chỉnh.

Bản đồ án đã đưa ra các ý tưởng mới trên cơ sở khoa học, kinh nghiệm quy hoạch vùng tại một số quốc gia phát triển có quy mô, vị trí, vai trò tương đồng vùng TPHCM như vùng Berlin, Frankfurt (Đức) là vùng tương đồng với TPHCM về quy mô, dân số… hay London (Anh), vùng Paris (Pháp), vùng Barcelona (Tây Ban Nha), vùng Seul (Hàn Quốc), vùng Tokyo (Nhật Bản), Milan (Italy).

Đồ án cũng đã làm rõ mục tiêu, quan điểm, tính chất của vùng; dự báo các chỉ tiêu về dân số, đất đai, mô hình, cấu trúc không gian vùng, định hướng phát triển không gian và hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng; đánh giá toàn diện vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; đề xuất các chương trình dự án ưu tiên đầu tư xây dựng.

Về mô hình, đồ án đề xuất mô hình phát triển tập trung-đa cực, bảo đảm sự cân bằng và thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; được phân làm 4 tiểu vùng và các trục hành lang kinh tế trọng điểm với những định hướng phát triển không gian phù hợp với các yếu tố đặc thù của điều kiện tự nhiên; điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật; trình độ phát triển kinh tế.

Tiểu vùng đô thị trung tâm bao gồm TP HCM và vùng phụ cận với các huyện, thành phố, thị xã: Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức (Long An); Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên (Bình Dương); Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành và một phần huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). TPHCM là đô thị hạt nhân trung tâm của vùng; TP. Bình Dương là đô thị động lực phía bắc, TP. Biên Hòa-Long Thành-Nhơn Trạch là vùng đô thị động lực phía đông. Đô thị Củ Chi-Hậu Nghĩa-Đức Hòa là các đô thị động lực vùng phía tây bắc. Bến Lức-Cần Giuộc-Hiệp Phước là các đô thị sinh thái phía tây nam. Diện tích khoảng 5.163,92 km2, dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 15.700.000 người, tỉ lệ đô thị hóa năm 2030 khoảng 85-90%.

Tiểu vùng đô thị trung tâm có tốc độ và tỉ lệ đô thị hoá cao; nổi bật với các thế mạnh về công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, đào tạo, y tế, đầu mối giao thương kết nối với quốc tế. Phát triển không gian về phía đông và đông bắc, xây dựng mô hình đô thị nén và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức hệ thống giao thông đồng bộ, tăng cường không gian xanh dọc các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai; duy trì và phát triển các hành lang xanh nhằm giảm nguy cơ ngập lụt; bảo tồn không gian sinh quyển Cần Giờ.

Khu vực phía nam tỉnh Bình Dương (Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành) phát triển đô thị-công nghiệp-dịch vụ-tài chính gắn với các trung tâm đầu mối đa phương tiện, tạo động lực phát triển cho khu vực phía bắc của tiểu vùng đô thị trung tâm. Tăng cường phát triển các chức năng về y tế, giáo dục-đào tạo, thể dục thể thao, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ và trung chuyển hàng hóa. Duy trì và bảo tồn cảnh quan dọc các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và cảnh quan nông nghiệp đô thị.

Khu vực phía tây tỉnh Đồng Nai (Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành) phát triển kinh tế tổng hợp về dịch vụ, công nghiệp đa ngành, công nghệ cao. Tăng cường phát triển các chức năng về thương mại, y tế, giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trung chuyển hàng hóa gắn với cảng hàng không quốc tế Long Thành. Phát triển du lịch cảnh quan sinh thái dọc sông Đồng Nai, cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp đô thị. Phát triển du lịch văn hóa lịch sử Cù lao Phố.

Khu vực phía đông tỉnh Long An (Đức Hòa-Bến Lức-Cần Giuộc) phát triển đô thị sinh thái, công nghiệp nhẹ và nông nghiệp đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, có vai trò bảo vệ cảnh quan sinh thái và thoát lũ cho tiểu vùng đô thị trung tâm. Tăng cường phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sạch, công nghiệp đa ngành, công nghiệp chế biến nông sản; nông nghiệp công nghệ cao gắn với trung tâm giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ, trung chuyển hàng hóa nhằm giảm tải cho TP HCM.

Về vai trò của TPHCM, đồ án xác định:

Là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là đô thị hạt nhân của vùng, có vai trò liên kết và hỗ trợ các đô thị trong vùng cùng phát triển;

Là trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia; trung tâm văn hoá, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực;

Trung tâm du lịch, tài chính-thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2030 của Thành phố đạt khoảng 80-90%.

Xuân Tuyến

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.