|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Điều chỉnh phí BOT tại 10 trạm sụt giảm lớn

08:01 | 04/07/2019
Chia sẻ
Bộ GTVT đưa ra phương án điều chỉnh phí trong bối cảnh 49 dự án BOT đường bộ đang khai thác, có 26 dự án doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.
Điều chỉnh phí BOT tại 10 trạm sụt giảm lớn | Chính trị - Xã hội - Ảnh 1.

Hiện trong số 49 dự án BOT đường bộ đang khai thác, có 26 dự án doanh thu sụt giảm. Bộ GTVT đang tính phân nhóm các dự án này, trong đó có 10 trạm sụt giảm lớn sẽ nghiên cứu tính toán phương án điều chỉnh.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả thực hiện công tác 6 tháng đầu năm 2019 và trao đổi các giải pháp điều hành giá trong những tháng còn lại của năm 2019, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, hiện trong số 49 dự án BOT đường bộ đang khai thác, có 26 dự án doanh thu sụt giảm. Bộ đang tính phân nhóm các dự án này, trong đó có 10 trạm sụt giảm lớn sẽ nghiên cứu tính toán phương án điều chỉnh.

“Tuy nhiên, chúng tôi đang đàm phán với nhà đầu tư, không tăng đến mức 18%, mà nằm trong khung từ 9 - 18%, ở mức thấp nhất”, ông Lê Đình Thọ nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ đã trình Chính phủ hai phương án điều chỉnh giá dịch vụ BOT, trong đó phương án 1 là tăng phí trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021 và phương án 2 là giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện việc tăng phí theo hợp đồng từ năm 2022.

Hiện các bộ, ngành cơ bản đồng ý phương án 1, bởi phương án 2 là không phù hợp, nếu nhà nước hỗ trợ thực hiện phương án 2 thì phải chi 3.000 tỷ đồng, sẽ không có tiền. Bên cạnh giải pháp thu phí không dừng, Bộ đã xây dựng phần mềm độc lập để kiểm soát doanh thu của nhà đầu tư. Qua kiểm tra đột xuất 4 trạm BOT, chưa phát hiện để các khoản thu ngoài sổ sách.

Tuy nhiên, theo thông tin báo Tuổi trẻ: Bộ Xây dựng cho rằng việc thực hiện các dự án BOT hiện nay cần tính tới điều khoản đã ký kết trong các hợp đồng BOT giữa nhà nước và tư nhân, các quy định pháp luật về hợp đồng.

Trong hai phương án Bộ GTVT đề xuất Chính phủ để giải cứu các dự án BOT sụt giảm doanh thu, tránh nguy cơ doanh nghiệp dự án phá sản, theo Bộ Xây dựng cần đánh giá cụ thể từng dự án BOT. Gỡ vướng cho dự án theo hướng không bố trí, sử dụng ngân sách nhà nước và bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các bên tham gia hợp đồng, tính minh bạch, bền vững và hiệu quả của các dự án BOT.

Bộ Xây dựng ủng hộ Bộ GTVT tăng phí các trạm BOT đúng lộ trình từ nay đến 2021 và để tránh "sốc" khi tăng phí quá nhiều trạm BOT trong năm 2019 Bộ GTVT nên đàm phán với các nhà đầu tư theo hướng chỉ tăng phí những trạm sụt giảm doanh thu lớn.

Bộ Xây dựng cũng lưu ý Bộ GTVT cần đánh giá kỹ tác động việc hoãn tăng phí và giãn thời gian thu phí tối đa đối với các dự án BOT.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả thực hiện công tác 6 tháng đầu năm 2019, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo xin ý kiến Chính phủ cụ thể phương án điều chỉnh giá dịch vụ BOT. Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Công an tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đấu tranh phát hiện và xử lý nghiêm những tiêu cực, gian lận trong quản lý và hạch toán doanh thu của các dự án BOT.

“Không để lặp lại trường hợp để ngoài sổ sách rất nhiều tiền như dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương. Nhà nước, nhà đầu tư cũng phải minh bạch. Kịp thời làm việc với chủ đầu tư, không để tình trạng chủ đầu tư bỏ dự án, xã hội nói anh có lời thì bỏ túi, thua lỗ thì trả Nhà nước là vô lý. Vấn đề này liên quan đến trật tự, an ninh, an toàn, cố tình phá hoại phải xử lý nghiêm”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Thành An

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.