|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Điểm trũng' Đông Nam Á trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp Trung Quốc

08:30 | 07/10/2023
Chia sẻ
Sự mở rộng của lĩnh vực công nghệ xanh đang khiến các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á xích lại Trung Quốc chặt chẽ hơn bao giờ hết.

Công nghệ sạch đang thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Sở hữu nguồn cung dồi dào các khoáng sản như đồng và bauxite, cùng với xu hướng bùng nổ công nghệ sạch, khu vực Đông Nam Á đang là “điểm trũng” thu hút rất nhiều công ty Trung Quốc đến xây dựng nhà máy. Ngoài ra, đây cũng là chiến lược nhằm “né” những hàng rào chống lại căng thẳng thương mại Mỹ-Trung của các công ty đến từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sự mở rộng của lĩnh vực công nghệ xanh đang khiến các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á xích lại Trung Quốc chặt chẽ hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, các phóng viên của Nikkei Asia đến từ 5 quốc gia ASEAN đã thu thập thông tin về một số dự án đầu tư lớn nhất gần đây do Trung Quốc thực hiện trong khu vực.

Nhà sản xuất xe điện BYD, có trụ sở tại Thâm Quyến, hiện là một trong những nhà đầu tư Trung Quốc lớn nhất ở Đông Nam Á. Họ đang xây dựng một nhà máy xe điện ở tỉnh Rayong ở Thái Lan, nơi BYD chiếm khoảng 30% doanh số bán xe điện.

Tại Malaysia, Sime Darby Motors, một đơn vị của tập đoàn thương mại nhà nước Malaysia Sime Darby, đã công bố khoản đầu tư 500 triệu ringgit (106 triệu USD) để mở rộng các phòng trưng bày BYD trên toàn quốc.

BYD cũng đang có kế hoạch sản xuất xe điện tại Việt Nam để phục vụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang tham gia vào một thỏa thuận bảo mật với Indonesia về một khoản đầu tư tiềm năng, các quan chức ở Jakarta cho biết.

Sản phẩm của hãng xe điện Trung Quốc Build Your Dreams (BYD). Ảnh: LinkedIn/BYD

Các nhà sản xuất xe điện khác của Trung Quốc cũng đang rậm rịch với những kế hoạch. Hãng sản xuất ô tô Changan Automobile thuộc sở hữu nhà nước đến từ Trùng Khánh sẽ đầu tư 9,8 tỷ baht (279 triệu USD) vào một nhà máy xe điện ở Thái Lan. Tập đoàn SAIC (Thượng Hải) và Great Wall Motor (Hà Bắc) cũng có kế hoạch sản xuất tại nước này.

Nhà sản xuất ô tô Wuling Motors có trụ sở tại Liễu Châu đang dẫn đầu doanh số bán xe điện ở Indonesia với mẫu xe hatchback Air EV (xe có kiểu dáng gần giống với dòng xe sedan, có 4-5 chỗ ngồi, khoảng sáng gầm thấp và kích cỡ nhỏ gọn), sau khi hãng này mở một nhà máy lắp ráp bên ngoài Jakarta vào năm ngoái. Wulling cũng đang tạo ra đột phá ở thị trường Việt Nam.

Hai hãng xe Great Wall Motors và Chery có trụ sở tại tỉnh An Huy đã gia nhập thị trường Malaysia, trong khi Geely đến từ Hàng Châu đã công bố kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD vào Thung lũng công nghệ cao ô tô của Malaysia sau chuyến thăm làm việc của Thủ tướng Anwar Ibrahim tới Bắc Kinh hồi đầu năm nay.

Geely hiện sở hữu 49,9% cổ phần thương hiệu xe hơi quốc gia Proton của Malaysia, trong khi lần lượt China Harmony Auto Holding và GAC AION New Energy Automobile cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc sản xuất tại Malaysia.

Hãng pin khổng lồ CATL của Trung Quốc năm 2022 đã công bố kế hoạch đầu tư chung trị giá 5,97 tỷ USD để phát triển chuỗi cung ứng toàn diện pin lithium-ion ở Indonesia, từ khai thác mỏ đến pin và tái chế. Sự giàu có về nickel của Indonesia - thành phần quan trọng trong pin xe điện - đã thu hút làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực này, giúp Indonesia trở thành nhà sản xuất kim loại lớn nhất thế giới.

Các nhà sản xuất thành phần pin lớn của Trung Quốc, bao gồm CNGR Advanced Material, Zhejiang Huayou Cobalt và Ningbo Lygend Mining, đã xây dựng các nhà máy luyện kim ở miền Đông Indonesia để chế biến quặng nickel thành nguyên liệu sản xuất pin.

Trong khi đó, các công ty pin khác của Trung Quốc đang đặt cược vào Malaysia. EVE Energy hồi tháng 12/2022 đã công bố khoản đầu tư 422,3 triệu USD để xây dựng cơ sở sản xuất pin hình trụ ở bang Kedah, với các hoạt động thương mại dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2025. Senior Technology Material đang có kế hoạch đầu tư 685,9 triệu USD để xây dựng nhà máy tách pin lithium-ion ở Penang.

Trung Quốc cũng đang tìm kiếm các nguyên tố đất hiếm tại Malaysia, trong đó có một số nguyên tố rất cần thiết đối với công nghệ sản xuất carbon thấp. Hoạt động khai thác đất hiếm của Malaysia vẫn còn ở giai đoạn sơ khai nhưng nước này có trữ lượng chưa khai thác ước tính trị giá khoảng 800 tỷ ringgit.

Tại Myanmar, một trong những nước sản xuất khoáng sản đất hiếm hàng đầu thế giới, gần như tất cả các dự án khai thác mỏ đều thuộc sở hữu của Trung Quốc.

Các nhà sản xuất tấm pin năng lượng Mặt Trời của Trung Quốc, bao gồm JinkoSolar và Trina Solar, đang đầu tư và hợp tác với các công ty Malaysia để xây dựng các trang trại năng lượng Mặt Trời ở bán đảo Malaysia và trên đảo Borneo. JinkoSolar cũng đã hiện diện tại Việt Nam cùng với Boway Alloy, Vina Solar Technology và JA Solar.

Tại Indonesia, nhà sản xuất pin Mặt Trời Suntech của Trung Quốc đã ký một thỏa thuận khung vào tháng 8/2023 với một số đối tác nhằm thiết lập dây chuyền sản xuất tại địa phương cho các tấm pin Mặt Trời và hệ thống lưu trữ năng lượng. Trong khi đó, nhà sản xuất tuabin gió hàng đầu Trung Quốc Goldwind đang hoạt động tại Thái Lan và Việt Nam.

Tại Philippines, các công ty năng lượng Trung Quốc hồi tháng Một đã cam kết chi 760 tỷ peso Philippines (13,35 tỷ USD) để phát triển ngành năng lượng tái tạo của quốc gia Đông Nam Á này.

Những công ty này bao gồm Tập đoàn Năng lượng Quốc tế Trung Quốc, Tập đoàn Phát triển Quốc tế Điện lực Trung Quốc, Công ty Điện lực SPIC Quảng Tây, Tập đoàn Cơ khí Máy móc Trung Quốc, Tập đoàn Điện hạt nhân Tổng hợp Trung Quốc, Tập đoàn Kỹ thuật Huadian Trung Quốc, Tập đoàn Tianying Trung Quốc, Tập đoàn Công nghiệp nặng Dajin và Năng lượng Thông minh Mingyang.

Điều này xảy ra sau khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. “bật đèn xanh” cho việc vốn nước ngoài sở hữu hoàn toàn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, với mong muốn nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng quốc gia lên 35% vào năm 2030./.

Phương Nga