|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Điểm nóng mùa đại hội ngân hàng 2020: Bài toán tăng vốn và đối phó với dịch COVID-19

15:48 | 12/03/2020
Chia sẻ
Hiện có khá nhiều ngân hàng đã chốt danh sách cổ đông để tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2020 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh với nhiều điều chỉnh liên quan đến dịch COVID-19 cũng như vấn đề tăng vốn đáp ứng tiêu chuẩn Basel II.

Khả năng phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh do dịch COVID-19

Trước những diễn biến mới, phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19, tại hội nghị NHNN mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng cho biết ảnh hưởng của dịch dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỉ lệ nợ quá hạn, nợ xấu.

Đến nay, có 23 tổ chức tín dụng báo cáo NHNN, với ước tính có khoảng 926.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm 14,27% tổng dư nợ của 23 tổ chức tín dụng này và chiếm 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.

Trong đó, bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…

Báo cáo phát hành ngày 2/3 của Moody's cũng nhận định, chất lượng tài sản trong các ngân hàng Việt Nam sẽ gặp rủi ro vì COVID-19. Nếu dịch bệnh kéo dài, nợ xấu trong khu vực sản xuất kinh doanh, thương mại và một số lĩnh vực khác theo đó sẽ tăng lên, do Việt Nam phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Điều này đã đặt ra thách thức cho ngành ngân hàng trong việc duy trì ổn định tình hình kinh doanh, giữ tỉ lệ nợ xấu ở mức thấp cũng như xem xét điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2020.

Nói về về tình hình kinh doanh của BIDV trong những tháng đầu năm, tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 mới diễn ra, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho biết trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngân hàng đã đưa ra 8 ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất và cả ngành tài chính ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.

Theo đó, hai tháng đầu năm, mọi hoạt động của BIDV diễn ra bình thường, trong đó huy động vốn giảm 1,6% và dư nợ tín dụng giảm gần 2%.

Theo ông Tú, sự suy giảm này là "phù hợp với xu hướng" do tính mùa vụ khách hàng ít vay vào tháng 1 - 2 do tâm lí Tết ) và ảnh hưởng rất mạnh từ dịch COVID-19 từ cả phía cung lẫn phía cầu.

Chênh lệch thu chi hai tháng đầu năm ước đạt 5.700 tỉ đồng, hoàn thành 16,8% kế hoạch cả năm. Với kết quả này BIDV đã đảm bảo được hoạt động trích lập dự phòng rủi ro và mua lại toàn bộ trái phiếu từ VAMC.

"Lợi nhuận đến thời điểm hiện tại đảm bảo kế hoạch đề ra nhưng do diễn biến dịch bệnh phức tạp nên BIDV sẽ xây dựng kịch bản một cách tốt nhất để đảm bảo không bị động ở bất cứ tình huống nào", Chủ tịch Phan Đức Tú cho biết.

Đâu là tâm điểm mùa đại hội ngân hàng 2020? - Ảnh 1.

Bộ phận tiếp đón cổ đông của BIDV ngày 7/3 (Ảnh: Quang Hưng)

Cũng trong buổi gặp gỡ chuyên gia phân tích và cập nhật kết quả kinh doanh năm 2019 của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), ông Vũ Minh Trường, Giám đốc Khối Nguồn vốn và Thị trường Tài chính cho biết theo khảo sát từ Techcombank, với nhóm khách hàng có hoạt động liên quan nhiều tới Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, nhu cầu tín dụng ở nhóm khách hàng này sẽ giảm.

Theo ông, khả năng để đạt được mức tăng trưởng tín dụng là 14% trong năm 2020 sẽ khó hơn trong khi tăng trưởng huy động tiếp tục tốt.

Còn tại Ngân hàng Bản Việt, khoảng 20% tổng dư nợ cho vay khách hàng có khả năng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt chia sẻ với Báo Đầu tư cho biết tác động trước mắt của dịch bệnh khiến doanh thu, thu nhập và dòng tiền trong ngắn hạn của khách hàng bị ảnh hưởng, nên trong giai đoạn này, ngân hàng quan tâm nhiều đến vấn đề cơ cấu lại nợ hơn là vay mới.

Tăng vốn tiếp tục là điểm nóng của mùa đại hội 2020

Bên cạnh điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, tăng vốn tiếp tục là điểm nóng của mùa đại hội 2020 nhằm áp ứng đủ vốn theo yêu cầu Basel II.

Theo đó, các ngân hàng sẽ tăng vốn từ ba nguồn thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu; phát hành tăng vốn cho cổ đông nước ngoài, phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2.

Theo thống kê của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC), hiện khối NHTM nhà nước hiện đang có tỉ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 9 - 10% Basel I, mức thấp hơn so với các NHTM cổ phần (12%) và đang có nhu cầu cao trong việc tăng vốn đảm bảo tăng trưởng. Tuy nhiên, nhóm này cũng đã tìm được phương án tăng vốn cho riêng mình.

Tháng 7/2019, BIDV đã đàm phán xong việc bán 15% cho KEB Hana Bank với giá 33.640 đồng/cp và sẽ tiếp tục tìm kiếm đối tác đầu tư tài chính trong năm 2020. Tại ĐHĐCĐ mới diễn ra, BIDV cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 6.230 tỉ đồng (tăng 15,5%) lên 46.432 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phần phổ đông để trả cổ tức và chào bán cổ phiếu ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Vietcombank cũng tiếp tục theo đuổi kế hoạch phát hành tăng vốn cho cổ đông nước ngoài (room ngoại hiện còn 7,45%).

Trong khi đó, VietinBank cũng đã nhận được chủ trương giữ lại lợi nhuận trong năm 2017 và 2018 để tăng vốn và theo các công ty chứng khoán, ngân hàng này có thể sẽ giữ lại lợi nhuận năm 2019 để đảm bảo an toàn vốn.

Ở nhóm ngân hàng cổ phần, các ngân hàng khác như VPBank, TPBank lại lên kế hoạch huy động vốn cấp 2 bằng phát hành các trái phiếu quốc tế thời hạn dài, từ đó cải thiện CAR của các TCTD này.

CAR Basel I của toàn ngành, theo ước tính của BSC đang ở mức 11,5% (CAR Basel II sẽ thấp hơn từ 2%-2,5%). Đòn bẩy tài chính của các ngân hàng cũng đã giảm nhiều cho thấy các ngân hàng cũng đang tập trung tăng trưởng an toàn bền vững hơn trong thời gian tới.

Thu Hoài