Điểm nghẽn trong kế hoạch sản xuất iPhone bên ngoài Trung Quốc
Apple phải đối mặt với áp lực cắt giảm sự phụ thuộc vào sản xuất Trung Quốc song lại đang gặp phải những trở ngại trong nỗ lực tăng cường sản xuất tại Ấn Độ.
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã cử các nhà thiết kế sản phẩm và kỹ sư từ California và Trung Quốc đến các nhà máy ở miền nam Ấn Độ để đào tạo lao động địa phương và giúp thiết lập hoạt động sản xuất.
Chiến lược đa dạng hoá sản xuất bên ngoài Trung Quốc của Ấn Độ được lập ra hai thập kỷ trước đến nay đã bị trễ hẹn. Tại Ấn Độ, các kỹ sư và nhà thiết kế đã dành hàng tuần thậm chí là hàng tháng để nghiên cứu, giám sát quá trình sản xuất non trẻ.
Kể từ năm 2017, Apple bắt đầu sản xuất các mẫu iPhone đời cũ tại Ấn Độ. Bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái, các nhà máy tại Ấn Độ đã sản xuất iPhone đời mới nhất chỉ sau vài tuần khi chúng được xuất xưởng ở Trung Quốc.
Đây là một cột mốc có ý nghĩa quan trọng.
Trong những tháng đầu năm nay, kinh nghiệm sản xuất non yếu của Ấn Độ đã bộc lộ. Tại nhà máy sản xuất vỏ ở Hosur của tập đoàn Tata - một trong những nhà cung cấp của Apple, cứ hai linh kiện sản xuất ra thì chỉ một linh kiện đủ tốt để chuyển tới Foxconn để lắp ráp.
Hiệu suất 50% này kém xa so với mục tiêu của Apple là 100%. Nguồn tin từ FT là hai người từng làm việc tại các nhà máy ở nước ngoài của Apple cho biết công ty đang có kế hoạch cải thiện tình hình nhưng con đường vẫn còn dài.
Nhà tư vấn Jue Wang tại Bain cho biết Apple đang bắt đầu mở rộng sang Ấn Độ. “Chúng ta không thể kỳ vọng nó đạt được quy mô tương tự ở Trịnh Châu”, theo bà Wang. Trịnh Châu được mệnh danh là “thành phố iPhone”, nơi thường có khoảng 300.000 công nhân làm việc.
“Mọi người đều chấp nhận hiệu suất sản xuất sẽ khác nhau. Nhưng thực tế đó đang xảy ra”, bà nói thêm.
Tại Trung Quốc, các nhà máy áp dụng bất kỳ phương thức sản xuất nào để giành được đơn đặt hàng iPhone. Cựu lãnh đạo Apple kể lại rằng có một số mục tiêu công ty ước tính phải mất vài tuần để hoàn thành thì ngay sáng hôm sau họ đã làm xong với tốc độ không giải thích được.
Các hoạt động ở Ấn Độ không diễn ra với tốc độ như vậy. “Không có không khí khẩn trương nào cả”, một người quen thuộc cho hay.
Hoạt động mở rộng sang Ấn Độ diễn ra chậm chạp một phần vì vấn đề hậu cần, thuế quan và cơ sở hạ tầng. Trong khi quá trình đa dạng hoá ở Đông Nam Á diễn ra thuận lợi hơn nhờ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Chủ tịch Mark Zetter của Venture Outsource - công ty tư vấn cho ngành điện tử, nói rằng tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm. 5 năm trước, khi nghiên cứu ở Ấn Độ, ông Zetter nhận thấy các nhà sản xuất theo hợp đồng thường xuyên cam kết rằng họ có thể đáp ứng mọi nhu cầu. Nhưng trên thực tế, họ sẽ chậm đáp ứng những yêu cầu của khách hàng, đặc biệt sau khi thoả thuận đã được ký kết và thiếu linh hoạt trong phản ứng với các thay đổi.
Thỉnh thoảng, các kỹ sư Apple ở tại khách sạn trung tâm thành phố Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ - cách các nhà máy hai giờ đồng hồ di chuyển. Điều này có nghĩa mỗi ngày họ mất 4 tiếng để đi lại, và wifi dọc đường chập chờn.
Apple từ chối bình luận về vấn đề này.
Bất chấp trở ngại, các nhà phân tích vẫn đồng ý rằng tiềm năng của Ấn Độ đối với Apple là rất lớn.
Bain ước tính xuất khẩu sản xuất từ Ấn Độ có thể tăng gấp đôi từ 418 tỷ USD vào năm ngoái lên hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2028 nhờ hỗ trợ chính sách và chi phí thấp. Riêng xuất khẩu điện tử ước tính sẽ tăng với tốc độ hàng năm là 40%.
Ông Vivek Wadhwa - một doanh nhân tại Thung lũng Silicon, người đã từng gặp gỡ Thủ tướng Narendra Modi cho biết chính phủ Ấn Độ đang khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng nhu cầu đa dạng hoá sản xuất bên ngoài Trung Quốc của Apple.
“Chính quyền các địa phương đang cố gắng công nghiệp hoá và họ sẽ làm những gì Trung Quốc đã làm. Nhưng đây là những bước đi nhỏ. Apple đang bắt đầu tìm hiểu xem cái gì là hiệu quả và cái gì không”, ông Vivek nói.
“Hãy cho họ thời gian 3 năm và bạn sẽ thấy quy mô được mở rộng”, ông nói.
Các thông tin tuyển dụng của Apple cho thấy rõ tham vọng tại Ấn Độ. Một quảng cáo nói với công nhân tương lai rằng công ty sẽ phát triển các hoạt động ở Ấn Độ, nhằm sản xuất tất cả các dòng iPhone tại đây.
Trong một cuộc họp báo cáo thu nhập đầu năm nay, CEO Tim Cook nói ông “rất lạc quan về Ấn Độ”. Ông gọi thị trường này là “cực kỳ thú vị” và “trọng yếu”.
Tata Group có kế hoạch đầy tham vọng để trở thành nhà cung cấp dịch vụ đầy đủ cho Apple tương tự như Foxconn đã làm.
Trong khi đó, Chính phủ đã cấp phép sơ bộ cho các nhà cung cấp linh kiện Trung Quốc của Apple liên doanh với các đối tác Ấn Độ.
Ấn Độ dự định giảm thuế hải quan đối với việc nhập khẩu một số linh kiện được sử dụng trong điện thoại di động, chẳng hạn như ống kính camera, nhằm “bảo vệ giá trị gia tăng trong nước trong sản xuất điện thoại di động”.
Một giám đốc điều hành doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện tử ở Tamil Nadu cho biết Apple đã đến muộn trong cuộc chơi.
“Lẽ ra họ phải bắt đầu hoạt động từ 5 năm trước. Họ nên bắt đầu đa dạng hóa sớm hơn để có thể thu được lợi ích vào thời điểm này”, ông nói.