|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Điểm loạt dự án BĐS thương mại 'khủng' của Nhật tại Việt Nam

17:01 | 23/07/2019
Chia sẻ
Chuỗi TTTM Aeon Mall, 'siêu' thành phố thông minh Nhật Tân – Nội Bài 4,2 tỉ USD, chuỗi khu công nghiệp Thăng Long tại Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Khu du lịch Xuân Thiều, TTTM 1,7 ha tại KĐT Starlake... là vài trong những dự án BĐS vốn "khủng" của Nhật đã và đang đầu tư tại VN.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/6/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 18,47 tỉ USD, bằng 90,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Nhật Bản đứng vị trí số 5 với tổng vốn đầu tư là 1,95 tỉ USD trong nửa năm qua.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký hơn 4,87 tỉ USD, chiếm 26,4% tổng vốn đầu tư. Mặc dù số vốn cụ thể của từng quốc gia đổ vào TP Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2019 không được nêu rõ, tuy nhiên nếu tính trong năm 2018, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài có tổng vốn FDI đổ vào thành phố này lớn nhất.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung dự báo trong chuyến công tác tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Nhật Bản hồi cuối tháng 6, đầu tháng 7 rằng, Nhật Bản có thể tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu trong năm 2019.

Cũng tại sự kiện trên Chủ tịch Nguyễn Đức Chung và đại diện các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản đã trao đổi các biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội với tổng số vốn cam kết lên tới 3,75 tỉ USD.

Dưới đây chúng tôi điểm lại những dự án "khủng" trong lĩnh vực bất động sản thương mại mà các nhà đầu tư Nhật Bản đã và đang đầu tư tại Việt Nam.

Aeon lên kế hoạch mở 30 trung tâm thương mại quy mô 5 tỉ USD tại Việt Nam

Thông tin trên được đưa ra trong buổi tiếp của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với ông Masaki Suzuki, Chủ tịch Công ty dịch vụ tài chính Aeon (Nhật Bản) hồi cuối tháng 2/2019.

Ông Masaki Suzuki cho biết, Aeon xem Việt Nam là địa bàn đầu tư trọng điểm của Tập đoàn này tại Đông Nam Á với kế hoạch mở rộng lên 30 trung tâm thương mại quy mô lớn với tổng mức đầu tư khoảng 5 tỉ USD, dự kiến tạo ra 50.000 việc làm cho lao động trong nước.

aeon3

Aeon lên kế hoạch mở 30 trung tâm thương mại quy mô 5 tỉ USD tại Việt Nam. Ảnh nguồn: Thời báo Chứng khoán.

Vừa qua, Aeon đã ký biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương về tăng cường xuất khẩu hàng hoá Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Năm 2018, Aeon đã xuất khẩu 250 triệu USD và năm 2019 dự kiến là 500 triệu USD.

Aeon gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2008. Đến đầu năm 2014, Tập đoàn này chính thức đưa vào hoạt động trung tâm thương mại quy mô 3,5ha có tên Aeon Mall Celadon Tân Phú. Sau đó, Aeon tiếp tục khai trương siêu thị Aeon Mall Canary Bình Dương với quy mô lên tới 6 ha.

Năm 2015 doanh nghiệp này bắc tiến với việc khai trương Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên vào tháng 10. Tới năm 2016, tập đoàn này khai trương trung tâm mua sắm thứ hai ở TP HCM là Aeon Mall Bình Tân với tổng diện tích 4,6 ha.

Tháng 3/2018, tập đoàn động thổ xây dựng dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông và công trình này đã được cất nóc hồi cuối tháng 1/2019, đánh dấu trung tâm thương mại thứ 5 của Aeon tại Việt Nam.

Hiện tập đoàn này cũng đã ký cam kết đầu tư dự án Trung tâm thương mại AeonMall Bắc Từ Liêm, Hà Nội với vốn đầu tư dự kiến 250 triệu USD.

'Siêu' đô thị thông minh Nhật Tân – Nội Bài 4,2 tỉ USD

Theo nguồn tin từ BRG, dự án có tổng mức đầu tư gần 4,2 tỷ USD, được xây dựng đồng bộ trên diện tích khoảng 272 hecta. Giai đoạn 1, liên danh Sumimoto-BRG sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD trên diện tích 73,11 hecta.

Đây là một trong những dự án tỷ đô được UBND TP Hà Nội cấp phép đầu tư năm 2018. Dự án nằm tại xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh với tổng vốn đầu tư là 94.349 tỉ đồng (tương đương khoảng 4,2 tỉ USD) do Liên doanh Sumimoto (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG đầu tư.

do thi

Phối cảnh dự án 'siêu' đô thị thông minh Nhật Tân – Nội Bài. Nguồn: BRG.

Bắt đầu tư ngã tư đường Võ Nguyên Giáp và đường 5 kéo dài chạy về hướng sân bay Nội Bài 11km là khu vực được quy hoạch dự án Thành phố thông minh. Theo quy hoạch, cầu Nhật Tân là điểm nhấn và cũng là cửa ngõ kết nối siêu đô thị thông minh này với trung tâm đô thị hiện hữu Tây Hồ Tây và đô thị lõi Hà Nội, cùng với đó là tuyến metroline từ Trần Hưng Đạo - Nam Thăng Long - Nhật Tân.

Dự án có tổng diện tích khoảng 272 ha, sẽ triển khai theo 5 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 5 dự kiến hoàn thành vào 2028; giai đoạn 1, liên danh Sumimoto và BRG sẽ đầu tư hơn 1 tỉ USD trên diện tích 73,11 ha.

Theo thiết kế, tòa tháp tài chính dự kiến cao 108 tầng được xem là điểm nhấn kiến trúc của thành phố thông minh, nằm ngay điểm đầu vào cửa ngõ Thủ đô nhìn về cầu Nhật Tân.

Kiến trúc của siêu thành phố thông minh được quy hoạch theo hướng thân thiện với thiên nhiên, sử dụng công nghệ cao vào các lĩnh vực năng lượng, giáo dục, sức khỏe...

Theo thông tin từ báo chí, hiện BRG và Sumitomo đã hoàn chỉnh các hồ sơ pháp lý và đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn tài chính để chuẩn bị đầu tư, triển khai "siêu" dự án này.

Chuỗi dự án khu công nghiệp mang tên Thăng Long

Dự án Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh – Hà Nội) được thành lập và cấp giấy phép từ năm 1997, chủ đầu tư là liên doanh giữa Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản và Công ty cơ khí Đông Anh của Bộ Xây dựng. Trong đó, phía Sumitomo đầu tư 58% vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng, kêu gọi đầu tư, và có quyền sử dụng đất trong vòng 50 năm.

Khu công nghiệp Thăng Long có tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng là 76.846.000 USD, diện tích đất chiếm 302 ha và được phát triển làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có 121,23 ha; giai đoạn 2 (80 ha) thực hiện trong thời gian từ 2000 – 2001; giai đoạn 3 thực hiện trong thời gian từ 2003 - 2004.

Theo giới thiệu trên trang web của khu công nghiệp này, tính đến nay, khu công nghiệp đã thu hút 31 nhà đầu tư, hầu hết là các nhà đầu tư của Nhật, ngoại trừ 1 nhà đầu tư của Malaysia và 1 nhà đầu tư đến từ Singapore. Các nhà đầu tư này phần lớn hoạt động trong các lĩnh vực điện tử, lắp ráp điện tử, sản xuất linh kiện ô tô và xe máy.

Ngoài Khu công nghiệp Thăng Long ở Đông Anh, Hà Nội thì Tập đoàn Sumitomo còn đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Thăng Long II ở Hưng Yên và Khu công nghiệp Thăng Long III ở Vĩnh Phúc.

Trong đó, Khu công nghiệp Thăng Long II có quy mô diện tích 345 ha, nằm liền kề nút giao cắt Quốc lộ 39 và Quốc lộ 5. Hiện khu công nghiệp đã tiếp nhận 84 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng diện tích đất cho thuê 212ha, chiếm 82% diện tích đất công nghiệp cho thuê.

Tập đoàn Sumitomo Corporation đã lên kế hoạch đầu tư mở rộng Khu Công nghiệp Thăng Long II giai đoạn 3 trong khoảng thời gian từ năm 2019-2022, với diện tích xây dựng thêm khoảng 200ha và tổng số vốn đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng.

Khu công nghiệp Thăng Long III tại Vĩnh Phúc được thành lập cuối năm 2015, khởi công xây dựng ngày 21/9/2017 và đến ngày 8/11/2018 hoàn thành giai đoạn I. Tính đến cuối quý I/2019, có 11 nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đã đăng ký đầu tư nhà máy, dự án tại đây với tổng số vốn 200 triệu USD (tương đương 4.600 tỉ đồng).

3 doanh nghiệp Nhật đầu tư loạt dự án văn phòng, khách sạn tổng vốn hơn 11.600 tỉ đồng tại Hà Nội

Theo thông tin từ IDS Equity Holdings (công ty từ Nhật Bản chuyên đầu tư vốn nhắm tới các doanh nghiệp có tiềm năng trong lĩnh vực phát triển sản xuất và kinh doanh thương mại, bất động sản) phát đi mới đây, IDS Equity Holdings, Raysum Co., Ltd và Argo Holdings Co., Ltd vừa ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư phát triển các dự án văn phòng, khách sạn thông qua đầu tư trực tiếp và xử lý nợ trị giá 500 triệu USD (tương đương 11.650 tỉ đồng) với Thành phố Hà Nội.

ky ket

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa IDS Equity Holdings, Raysum Co., Ltd và Argo Holdings Co., Ltd với UBND TP Hà Nội hồi đầu tháng 7/2019. Ảnh: IDS Equity Holdings.

Việc ký Biên bản ghi nhớ hợp tác này diễn ra tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Việt Nam 2019 được tổ chức tại thành phố Tokyo, Nhật Bản hồi đầu tháng 7 vừa qua.

Tại buổi ký kết, ông Nobuyuki Matsukura - Thành viên Hội đồng quản trị của IDS Equity Holdings cũng khẳng định cam kết về việc đẩy nhanh các hoạt động đầu tư và kinh doanh của công ty này tại Hà Nội trong những năm tới.

Tập đoàn Nhật xây trung tâm thương mại 1,7 ha tại Khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây

Hồi cuối tháng 5 vừa qua, THT Development - Chủ đầu tư dự án Khu đô thị Starlake (Tây Hồ Tây, Hà Nội) đã bất ngờ "bắt tay" với đại gia bán lẻ Nhật Bản là Toshin Development để cùng hợp tác xây dựng một trung tâm thương mại, văn hoá mang phong cách Nhật trên khu đất rộng 1,7ha tại lô đất C1CC1 thuộc dự án khu đô thị này.

Ra đời từ cuối năm 1963, Toshin Development là nhà phát triển bất động sản thuộc Tập đoàn Takashimaya - một trong những cửa hàng bách hóa hàng đầu Nhật Bản. Toshin Development có hơn 50 năm kinh nghiệm phát triển, đầu tư trung tâm thương mại phức hợp quy mô lớn. 

Tại Việt Nam, trụ sở công ty được thành lập và đặt tại TP HCM từ năm 2008. Hiện tập đoàn này đã mở trung tâm thương mại đầu tiên tại TP HCM rộng 15.000m2 trong khu phức hợp Saigon Centre vào hồi tháng 8/2016.

Dự án Khu du lịch Xuân Thiều 2.300 tỉ đồng tại Đà Nẵng

Tại Đà Nẵng, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đã đang đầu tư một số dự án bất động sản, trong đó đáng chú ý là dự án Khu du lịch Xuân Thiều với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD (tương đương hơn 2.300 tỉ đồng)

Dự án này đã được trao giấy chứng nhận, quyết định đầu tư tại chương trình Tọa đàm mùa xuân 2019 diễn ra ở Đà Nẵng vào ngày 1/3 vừa qua.

Dự án có quy mô 12 ha, bao gồm các chức năng chính như khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng gồm khách sạn 5 sao, khu công viên nước, khu công viên trò chơi, ẩm thực, bãi đỗ xe... Khu khách sạn 5 sao có quy mô 500 phòng đạt chuẩn 5 sao, tất cả các phòng có diện tích thấp nhất là 69,5m2, có ban công, bể tắm nóng ngoài trời.

Khu đất đầu tư xây dựng Khu du lịch Xuân Thiều tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, có phía Đông Bắc giáp Vịnh Đà Nẵng, các mặt còn lại giáp đường quy hoạch.

Được biết, giai đoạn 1 của dự án sẽ được hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2020 với công viên nước nóng; giai đoạn 2 gồm toàn bộ tổ hợp khu du lịch sẽ hoàn thành và đưa vào phục vụ du khách trong năm 2021.

Khánh Hà

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.