|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dịch vụ đòi nợ: Quản chặt chứ không nên cấm

18:35 | 16/11/2019
Chia sẻ
Sáng ngày 15/11, tiếp tục Chương trình Kì họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Đủ điều kiện sẽ xây dựng luật riêng về hộ kinh doanh

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp. Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết. 

Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động (hộ kinh doanh), đề nghị cân nhắc nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh.

Dịch vụ đòi nợ: Quản chặt chứ không nên cấm - Ảnh 1.

Sáng 15/11, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Đầu tư (sửa đổi)

Về doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Ủy ban Kinh tế cho rằng việc thay đổi khái niệm DNNN như quy định tại dự thảo Luật là một vấn đề lớn, quan trọng, đề nghị đánh giá kỹ tác động của việc thay đổi khái niệm DNNN tới hoạt động của các doanh nghiệp sẽ trở thành DNNN theo quy định của dự thảo Luật này.

Đánh giá tác động đến việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối hoặc không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp.

Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, xác định tỷ lệ nắm giữ vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước phù hợp (tỷ lệ thấp nhất là 75%), bảo đảm được sự chi phối của Nhà nước trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp.

Đồng thời hài hòa với quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên góp vốn, cổ đông khác nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Liên quan đến việc thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử, Ủy ban Kinh tế tán thành với dự thảo Luật, tuy nhiên, đề nghị rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định bảo đảm quản lý nhà nước đối với việc đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử, kiểm soát chữ ký số công cộng, bảo đảm tính pháp lý của chữ ký điện tử để có thể giải quyết các tranh chấp pháp lý (nếu có) xảy ra liên quan đến vấn đề này.

Đối với nội dung về con dấu của doanh nghiệp, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần phải đánh giá tác động, cân nhắc kỹ khi bỏ con dấu trong điều kiện, môi trường kinh doanh ở nước ta hiện nay, nên thận trọng, tiếp cận từng bước vấn đề này.

Trước khi các đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), đặc biệt là quy định về việc đưa ngành, nghề "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm của Uỷ ban này là, việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. 

Tuy nhiên thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân.

Vì vậy, đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này. Do đó, Luật không nên cấm mà cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch, đảm bảo công tác quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Đồng tình, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, kinh doanh dịch vụ đòi nợ vừa qua đã xuất hiện tình trạng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.

“Ví dụ tín dụng đen, qua các tổ chức đòi nợ thuê, đứng sau là các nhân vật cộm cán, dẫn đến bắt bớ, gây mất trật tự” – Phó Chủ tịch Quốc hội nêu tồn tại và chỉ rõ, hành vi như vậy phải bị trừng trị nghiêm.

Tuy nhiên, theo ông Hiển, dịch vụ đòi nợ cũng là dịch vụ của cơ chế thị trường, do đó, luật phải quy định cụ thể ai được làm và làm thì cần tuân thủ cái gì, vi phạm thì xử lý ra sao chứ cấm là không hợp lý.

Tán thành quan điểm này, đại biểu Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định) khẳng định, dịch vụ đòi nợ là nhu cầu có thực của xã hội, vì vậy, nếu cấm thì sẽ biến tướng, và đã có ví dụ thực tế là, hoạt động tín dụng đen bị cấm thì chuyển sang hoạt động trên mạng, đòi nợ thuê cũng vậy, nên cần quan tâm xây dựng pháp luật đủ để quản lý chứ không nên cấm.

“Cần đánh giá tác động nhiều chiều, nếu do quản lý nhà nước chưa tốt thì phải bổ sung quy định để đảm bảo tổ chức kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoạt động đúng quy định của pháp luật” – là ý kiến của đại biểu Nguyễn Phi Long (Đoàn Bình Định) khi cũng cho ý kiến vào nội dung này với phần bổ sung, rằng, cấm sẽ ảnh hưởng đến quyền kinh doanh của tổ chức, cá nhân.

Thu Hằng - Hoàng Châu