Dịch tả heo châu Phi bùng phát, Masan tạm ngừng cung cấp thịt từ ngày 12/4
Công ty Cổ phẩn Tập đoàn Masan (Mã: MSN) thông báo dịch tả lợn châu Phi (ASF) tại xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam - địa điểm có trụ sở chính của Công ty TNHH MNS Meat Hà Nam (đơn vị thành viên của Masan) được Ủy ban Nhân dân huyện Kim Bảng công bố dịch bệnh vào ngày 10/4 vừa qua.
Nhà máy thuộc Tổ hợp chế biến thịt Hà Nam - Tập đoàn Masan đặt tại KCN Đồng Văn IV, huyện Kim Bảng cách xa 1,5km với nơi phát hiện ổ dịch tại xóm 5, thôn Dương Cường, xã Đại Cương, huyện Kim Bảng.
Tuy nhiên, do nằm trong vùng bị dịch "uy hiếp" theo quy định của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và nhu cầu của người tiêu dùng vẫn tăng cao, để tuyệt đối bảo đảm vấn đề an toàn sức khoẻ cho người tiêu dùng với các nguyên tắc quản lý nghiêm ngặt và cẩn trọng nhất, Masan sẽ tạm ngừng cung cấp thịt heo kể từ ngày 12/4/2019 cho đến khi được thông báo an toàn dịch bệnh tại địa phương theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Masan đang tích cực làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Thú y cùng các ban ngành tại trung ương và địa phương tại tỉnh Hà Nam, theo sát tình hình để có thể sớm tái cung cấp sản phẩm thịt heo cho người tiêu dùng. Công ty sẽ cập nhật thông tin thường xuyên.
Công ty cho biết, Tổ hợp chế biến thịt Hà Nam luôn áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và vệ sinh an toàn thực phẩm cao nhất ngang tầm tiêu chuẩn Châu Âu, luôn cam kết thực hiện mục tiêu đặt sức khoẻ người tiêu dùng hàng đầu và không bao giờ mạo hiểm với các rủi ro tiềm tàng có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo cung cấp sản phẩm chất lượng, sạch và an toàn luôn là tôn chỉ mục đích hoạt động kinh doanh xuyên suốt. Đây là một quyết định khó khăn vì sự việc bất khả kháng này, Masan cho hay.
Năm 2020, lợi nhuận Masan Nutri-Science có thể đạt 200 - 250 triệu USD
Trong Quý IV/2018, Masan Nutri-Science (MNS - công ty thành viên của Masan) đã giới thiệu sản phẩm thịt heo mát mang thương hiệu "MEATDeli" và đặt mục tiêu chiếm 5 - 10% thị phần thịt tại Hà Nội vào cuối năm 2019.
Ngành thức ăn chăn nuôi của MNS đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi giá thịt heo không ổn định suốt 2 năm qua, làm cho thị trường thức ăn chăn nuôi thương mại giảm 72%, từ khoảng 6,3 triệu tấn vào năm 2016 xuống còn 1,5 triệu tấn năm 2018. Tuy nhiên, sản lượng thức ăn cho heo của Masan chỉ giảm 58% .
Kết quả là doanh thu thuần của MNS giảm 25,2% còn 13.977 tỉ đồng trong năm 2018. Tuy nhiên, giá heo hơi vẫn giữ trên 45.000 đồng/kg suốt ba quý cuối của năm 2018 thì doanh thu của MNS đã tăng trong quý IV/2018.
Trong năm 2019, MSN dự báo doanh thu thuần sẽ tăng từ 20% đến 40%, trong đó doanh thu ngành thức ăn chăn nuôi sẽ tăng trưởng một chữ số do rủi ro bùng nổ dịch tả lợn Châu Phi. Doanh thu thuần của thịt tươi có thể sẽ đóng góp khoảng 10% vào doanh thu thuần hợp nhất của MNS.
MNS đặt mục tiêu vào năm 2022 đạt 2 tỉ USD doanh thu, trong đó, sản phẩm thịt có thương hiệu đóng góp 50% doanh thu. Lợi nhuận có thể đạt 200 - 250 triệu USD, biên lợi nhuận bằng với Masan Consumer (CTCP Hàng tiêu dùng Masan).