Dịch chồng dịch, giá heo hơi Hà Nam rớt không phanh
Theo báo Hà Nam, dịch COVID-19 bùng phát làm giá heo hơi giảm sâu xuống mức 30.000 – 35.000 đồng/kg. Dịch bệnh ở người chưa tan, dịch tả heo châu Phi lại đến, khiến người nuôi dè dặt tái đàn.
Kể từ tháng 9 đến nay, tỉnh Hà Nam phát hiện hai ổ dịch tả heo châu Phi ở TP Phủ Lý và huyện Bình Lục, tổng số heo tiêu hủy lên tới 450 con.
Được biết, đàn heo được mua và vận chuyển từ tỉnh Bình Phước ra. Ngay khi đàn heo được đưa về trang trại đã có 46 con chết, ngày tiếp theo hơn 70 con tiếp tục chết.
Các địa phương ở tỉnh đã tiến hành tiêu hủy đàn heo, tiêu độc khử trùng và siết chặt các biện pháp an toàn sinh học, phòng dịch bùng phát diện rộng.
Khảo sát ngày 21/10, giá heo hơi ba miền chỉ còn 32.000 - 38.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với đầu năm.
Giá thành nuôi 1 tạ heo hơi đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang dao động 5,5 - 6 triệu đồng vì giá thức ăn chăn nuôi tăng hơn 30% kể từ đầu năm. Với giá bán heo hiện tại, nông dân đang lỗ ít nhất 1,5 - 2 triệu đồng/tạ.
Trao đổi với báo Hà Nam, anh Phạm Khả Thắng, người dân huyện Bình Lục cho biết giá heo hơi xuất chuồng thời gian gần đây xuống quá nhanh, giảm đến hơn 10 giá chỉ trong vòng nửa tháng.
Heo thịt khi đủ trọng lượng phải xuất chuồng, không thể giữ lại được vì càng nuôi càng lỗ, nhưng bán đi cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Tính riêng đợt xuất chuồng lần này anh Thắng lỗ gần 20 triệu đồng.
Với mức giá heo hiện nay, ngay cả những trang trại chăn nuôi theo chuỗi, tổng đàn 200 – 1.000 con cũng thiệt hại nặng nề, mức lỗ tương đương với thời điểm năm 2016 - 2017.
Tổng đàn heo của toàn tỉnh Hà Nam hiện nay khoảng 370.000 con. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh chỉ khoảng 50 – 60%, còn lại xuất bán ra các tỉnh ngoài.
Thời gian qua, dịch COVID-19 làm cho lưu thông khó khăn dẫn đến lượng heo thịt bán ra thị trường bên ngoài rất thấp.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Hà Nam, nguồn cung vượt cầu là nguyên nhân tất yếu dẫn đến giá heo hơi xuất chuồng giảm mạnh, hơn nữa việc tiêu thụ heo thịt trên địa bàn vẫn phụ thuộc rất lớn vào thị trường tự do nên rất khó có thể điều tiết.
Trong bối cảnh này, người chăn nuôi cần theo dõi thị trường, tính toán hợp lý khi quyết định xuất bán, nhất là tái đàn. Đồng thời, thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hạn chế thua lỗ trong điều kiện khó khăn.