|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

DIC Corp bị cưỡng chế thuế hơn 30 tỷ đồng

09:20 | 29/06/2022
Chia sẻ
DIC Corp cho biết đã có văn bản gửi các Cơ quan Nhà nước liên quan để đề nghị xem xét lại vấn đề thuế liên quan.

Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp - Mã: DIG) cho biết ngày 27/6 đã nhận được quyết định của Chi cục thuế khu vực Vũng Tàu - Côn Đảo về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và yêu cầu phong tỏa tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng với số tiền hơn 30,6 tỷ đồng.

Theo Luật Quản lý thuế, quyết định cưỡng chế chỉ được ban hành tại các thời điểm: Sau ngày thứ 90 kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế; ngay sau ngày hết thời hạn gia hạn nộp thuế; ngay sau ngày người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt (trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế); hoặc ngay trong ngày phát hiện người nộp thuế có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn. 

DIC Corp cho biết đã có văn bản gửi các Cơ quan Nhà nước liên quan để đề nghị xem xét lại vấn đề thuế liên quan.

Trên báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022, DIC Corp cho biết số thuế thu nhập doanh nghiệp đầu kỳ là 244,6 tỷ đồng, phát sinh trong kỳ là 25,5 tỷ đồng, Công ty đã nộp 249 tỷ đồng trong quý I, số thuế còn nợ cuối quý I là 21 tỷ đồng. 

Ngoài ra, công ty có khoản tiền 79,6 tỷ đồng tiền thuê đất cuối năm 2021, không phát sinh tăng/giảm trong quý I/2022.

Về tình hình tài chính, tính tới ngày 31/3/2022, tổng tài sản của DIC Corp giảm 2,7% so với đầu năm về 16.393 tỷ đồng. Trong đó, tiền và tương đương tiền hơn 1.575 tỷ đồng, tiền gửi có kỳ hạn khoảng 1.444 tỷ.

Tính tới cuối quý I/2022, tổng nợ đi vay của DIC Corp tăng thêm 9,3% so với đầu năm lên 5.363 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay dài hạn và chiếm khoảng 1/3 tổng nguồn vốn.

Xét về dòng tiền trong quý I, dòng tiền kinh doanh chính của DIC Corp âm 1.496 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 175,1 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 1.629 tỷ và dòng tiền tài chính dương 441,7 tỷ đồng.

Ba năm liên tiếp từ 2019 đến 2021, DIC Corp đều ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm, lần lượt là âm 245 tỷ đồng, âm 504 tỷ đồng và âm 1.966 tỷ đồng.

Tuần trước, CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân đã bán ra hơn 1,1 triệu cổ phiếu DIG để giảm tỷ lệ nắm giữ từ 17,11% về 16,89% vốn điều lệ. Trước đó ngày 17/5, Thiên Tân cũng bán đi 1,85 triệu cổ phiếu DIG.

Tương tự, phía Địa ốc Him Lam cũng có động thái xả hàng DIG khi trong tháng 4 đã bán ra tổng cộng 25,6 triệu đơn vị và hiện không còn là cổ đông lớn của công ty với tỷ lệ sở hữu là 4,9%.

Các cổ đông lớn thoái vốn trong bối cảnh thị giá DIG rơi thẳng từ vùng 120.000 đồng hồi đầu năm về 38.600 đồng/cp chốt phiên 28/6.

Ở chiều ngược lại, lãnh đạo DIC Corp có động thái mua vào cổ phiếu để chặn đà lao dốc. Phó Chủ tịch Nguyễn Hùng Cường đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu DIG để tăng sở hữu từ 10,3% lên 12,3%. Đồng thời, bà Lê Thị Hà Thành, vợ ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch DIC Corp đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu.

Ngoài ra, Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn cũng lên tiếng trấn an cổ đông trước sự rớt giá cổ phiếu. Ông cho rằng tiềm lực của công ty chưa được phản ánh đúng vào giá cổ phiếu DIG trong thời gian gần đây do xu hướng tiêu cực chung của thị trường.

 Diễn biến giá cổ phiếu DIG trong 6 tháng qua. (Nguồn: TradingView).

Minh Hằng

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.