Đi lại giữa các địa phương: Nhiều tỉnh thành bỏ quy định giấy xét nghiệm COVID-19, riêng Thái Bình, Nam Định vẫn yêu cầu
Hải Phòng: Người vào thành phố không phải xuất trình giấy xét nghiệm COVID-19
Chiều tối ngày 14/10, TP Hải Phòng đã có văn bản hỏa tốc về việc điều chỉnh một số biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Nhiều tỉnh, thành chưa thực hiện ngay Nghị quyết 128 của Chính phủ, vẫn quy định người dân đến/về địa phương phải có có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Theo đó, từ 0h ngày 13/10, người vào thành phố Hải Phòng không phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2. Đồng thời, thành phố cũng điều chỉnh cách ly y tế đối với người từ các địa phương khác về.
Cụ thể, đối với người ở các tỉnh, thành phố, khu vực có nguy cơ rất cao (tương ứng với màu đỏ và màu cam trên bảng phân vùng dịch của Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế) thì áp dụng như sau:
Người mới được công bố khỏi bệnh COVID-19 theo quy định, chưa quá 6 tháng khi về thành phố phải áp dụng cách ly tại nhà 7 ngày kể từ ngày về/đến địa phương, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7, nếu âm tính thì kết thúc cách ly.
Người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19: Thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7, tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày và xét nghiệm vào ngày thứ 7 khi kết thúc cách ly; thực hiện tự theo dõi sức khỏe 7 ngày tiếp theo.
Người chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã tiêm đủ liều nhưng mũi tiêm cuối cùng chưa đủ 14 ngày: Thực hiện cách ly tập trung 14 ngày kể từ ngày về /đến địa phương, thực hiện xét nghiệm ba lần vào ngày thứ 1, thứ 7, thứ 14.
Những trường hợp người già yếu, bệnh lý nặng, trẻ nhỏ cần có người chăm sóc, áp dụng cách ly tại nhà 14 ngày kể từ ngày về/đến địa phương, lấy mẫu xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ 1, thứ 7, thứ 14.
Đối với những người trở về từ các địa phương ở các vùng nguy cơ cao (tương ứng với màu vàng trên bảng phân vùng trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế) sẽ áp dụng cụ thể như sau:
Người mới được công bố khỏi bệnh COVID-19 theo quy định, chưa quá 6 tháng khi về thành phố phải áp dụng cách ly tại nhà 7 ngày kể từ ngày về/đến địa phương, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7, nếu âm tính thì kết thúc cách ly.
Người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19: Thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7 khi kết thúc cách ly; thực hiện tự theo dõi sức khỏe 7 ngày tiếp theo.
Người chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã tiêm đủ liều nhưng mũi tiêm cuối cùng chưa đủ 14 ngày: Thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày kể từ ngày về /đến địa phương, thực hiện xét nghiệm ba lần vào ngày thứ 1, thứ 7, thứ 14.
Đối với những người trở về từ các địa phương ở các vùng nguy cơ (tương ứng với các vùng màu xanh trên bảng phân vùng trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế) thì áp dụng cụ thể như sau:
Người mới được công bố khỏi bệnh COVID-19 theo quy định, chưa quá 6 tháng khi về thành phố phải áp dụng cách ly tại nhà 7 ngày kể từ ngày về/đến địa phương, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7, nếu âm tính thì kết thúc cách ly.
Người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19: Thực hiện tự theo dõi sức khỏe 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày đầu tiên khi về địa phương.
Người chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã tiêm đủ liều nhưng mũi tiêm cuối cùng chưa đủ 14 ngày: Thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày kể từ ngày về /đến địa phương, thực hiện xét nghiệm hai lần vào ngày thứ 1, thứ 7, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe 7 ngày tiếp theo.
Quảng Ninh chỉ xét nghiệm người đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4
Ngày 14/10, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành quyết định về việc thực hiện quyết định số 4800 của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
UBND tỉnh cũng dừng triển khai văn bản số 7217 đã ban hành ngày 12/10 về quy định người về từ các vùng xanh, vàng, cam và đỏ.
Theo đó, kể từ 11h ngày 14/10, không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.
Đối với hoạt động vận tải hành khách, thực hiện theo Quyết định số 1777 Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành ngày 10/10 về quy định thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ, áp dụng từ ngày 13 đến 20/10. Sau thời gian thí điểm, Bộ GTVT sẽ đánh giá và điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế giai đoạn tiếp theo.
Quy định này chỉ áp dụng với hoạt động vận tải khách liên tỉnh tuyến cố định bằng ô tô có điểm đi hoặc đến nằm trong vùng nguy cơ dịch bệnh rất cao, hoặc nguy cơ cao đi/đến địa phương nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn và ngược lại. Với các địa phương có nguy cơ, hoặc địa phương bình thường mới, tổ chức hoạt động vận tải bình thường như khi chưa bùng phát dịch.
Cụ thể, hành khách khi đi từ địa phương, khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương, khu vực có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, thẻ xanh trên sổ Sức khỏe điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày; hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương.
Bên cạnh đó, hành khách phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72h trước khi lên ô tô. Đồng thời, phải tuân thủ thông điệp 5K; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế.
Trường hợp hành khách đi từ địa phương, khu vực có nguy cơ và bình thường mới đến địa phương, khu vực có nguy cơ cao hơn, ngoài việc phải tuân thủ 5K, khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế, phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72h trước khi lên ô tô và thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch của Bộ Y tế và từng địa phương nơi đến.
Đối với các địa phương nguy cơ thấp và bình thường đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương thì tổ chức hoạt động vận tải bình thường.
Nhiều tỉnh thành vẫn chưa điều chỉnh yêu cầu xét nghiệm COVID-19
Tính đến thời điểm hiện tại, các tỉnh Hải Dương, Thái Bình và Nam Định vẫn chưa có hướng dẫn mới trong việc kiểm soát người ra vào địa bàn. Trước đó, các địa phương này đều quy định người nơi khác vào nội tỉnh cần phải có xét nghiệm âm tính COVID-19 trong vòng 72h.
Trong khi đó, tại Hà Nội, mặc dù đã mở cửa, nới lỏng nhiều hoạt động từ sáng 14/10 khi cho phép dịch vụ ăn uống tại chỗ, xe buýt, taxi hoạt động trở lại,... nhưng 22 chốt cửa ngõ vẫn duy trì và áp dụng kiểm soát người, phương tiện vào Hà Nội theo Chỉ thị 16.
Pháp luật TP HCM dẫn lời Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, hiện tại, UBND thành phố chưa có chỉ đạo về việc bỏ chốt hay dừng kiểm tra xét nghiệm COVID-19 trước khi vào thành phố nên công an chưa thể tháo chốt kiểm soát. Tuy nhiên, các chốt sẽ linh hoạt để tránh gây ùn tắc.
"Trong 1-2 ngày tới, nếu thành phố chưa có ý kiến thì chúng tôi sẽ tự đề xuất còn hiện tại vẫn duy trì các chốt để tiếp đón, phục vụ ăn uống đối với bà con đi xe máy từ vùng dịch đi qua Hà Nội, bàn giao cho công an các tỉnh", Đại tá Phạm Ngọc Dương nói.
Trước đó, ngày 12/10, Bộ Y tế có tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Trong hướng dẫn nêu, chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.
Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh: chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; với trường hợp cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).
Ngoài ra, theo Nghị quyết 128 về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả dịch bệnh COVID-19" được Chính phủ ban hành ngày 11/10, toàn quốc tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16, 19; và nhiều hoạt động, cơ sở kinh doanh được mở cửa.