|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Vĩnh Hoàn: Đơn hàng từ EU tăng mạnh dưới tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine, lãi quý I gấp 4 lần cùng kỳ

13:29 | 20/04/2022
Chia sẻ
Vĩnh Hoàn xác định năm 2022 là năm cột mốc hoàn tất các dự án đầu tư quan trọng để thực hiện hóa mục tiêu nâng định giá lên gấp đôi, đạt mức 1 tỷ USD đến năm 2025.

Sáng 20/4, CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 với các cổ đông đại diện cho hơn 130 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 71% số cổ phần có quyền biểu quyết.

 Toàn cảnh ĐHĐCĐ VHC sáng 20/4. (Ảnh: Minh Hằng).

Tăng kế hoạch lợi nhuận năm 2022 lên 1.600 tỷ đồng

Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng, tương ứng tăng 44% và tăng 46% so với năm 2021. Nếu đạt được thì đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi hoạt động của công ty.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Giải thích về kế hoạch lợi nhuận cao hơn so với tài liệu công bố trước đó (1.500 tỷ đồng), đại diện VHC cho biết qua những tháng đầu năm, nhìn chung nhu cầu đã quay trở lại, các khách hàng ở châu Âu và châu Mỹ đặt hàng nhiều hơn nên chúng tôi cũng kỳ vọng lợi nhuận năm 2022 này sẽ khả quan hơn.

Chia sẻ bên lề đại hội, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc cho biết lợi nhuận quý I khoảng 540 tỷ đồng, gấp khoảng 4,1 lần cùng kỳ năm ngoái.

Tổng Giám đốc VHC Nguyễn Ngô Vi Tâm cho biết, năm 2022 cũng là năm được xác định là cột mốc hoàn thành các dự án đầu tư quan trọng với mục tiêu tăng định giá lên gấp đôi, đạt mức 1 tỷ USD đến năm 2025.

Về kế hoạch cổ tức, tỷ lệ dự kiến trả cổ tức năm 2022 dự kiến là 20% bằng tiền và 20% bằng cổ phiếu. Đối với năm 2021, công ty sẽ trả với tỷ lệ 20% (2.000 đồng/cp).

Doanh nghiệp cũng đã trình cổ đông phương án phát hành tối đa 3,6 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ công nhân viên của công ty Vĩnh Hoàn, công ty con và công ty thành viên với giá 10.000 đồng/cp. Thời gian phát hành trước ngày 31/12/2022. Số cổ phiếu chỉ được chuyển nhượng 100% trong 5 năm, tức là mỗi năm chỉ được chuyển nhượng 20%.

Năm nay, Vĩnh Hoàn lên kế hoạch đầu tư với tổng giá trị lên đến 1.530 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi bổ sung ngân sách 100 tỷ đồng, xây dựng xưởng chế biến bột cá, mỡ cá và cải tạo nhà máy tại Công ty Thanh Bình 350 tỷ đồng, đầu tư thêm 1 dây chuyền sản xuất Collagen, 1 line cho hoạt động R&D và cải tạo nhà máy tại Công ty Vĩnh Hoàn Collagen 150 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, Công ty sẽ đầu tư nhà máy chế biến trái cây Thành Ngọc 500 tỷ đồng, các khoản đầu tư cho mở rộng vùng nuôi 280 tỷ đồng và các khoản đầu tư cho cải tạo nhà máy Vĩnh Phước, Vĩnh Hoàn, Sa Giang 150 tỷ đồng.

Thảo luận:

Câu hỏi: Triển vọng của Sa Giang trong năm nay?

Nhà máy số 3 của Sa Giang sau khi về với VHC đã được hoàn hành, công suất đã tăng 2,5 lần. Dự kiến sản lượng sản phẩm gạo của Sa Giang sẽ đạt 6.000 – 7.000 tấn/năm, bánh phồng tôm khoảng 10.000 tấn/năm.

Bà Vi Tâm đánh giá Sa Giang còn rất nhiều tiềm năng và chưa khai phá hết. Công ty đang hỗ trợ để Sa Giang có được định giá cao hơn, đồng thời biên lợi nhuận được cải thiện.

Tổng Giám đốc nói thêm về dây chuyền collagen của VHC, năm ngoái bán chậm do dịch bệnh. Mảng collagen kỳ vọng sẽ full công suất.

Tiềm năng của các thị trường xuất khẩu của Vĩnh Hoàn?

Sau năm thiếu hụt do sản xuất trong điều kiện dịch bệnh, năm nay VHC đặt mục tiêu cung cấp đầy đủ nhu cầu các khối thị trường chính với giá bán phù hợp trong bối cảnh chi phí nguyên liệu tăng cao trong năm.

Tổng Giám đốc Nguyễn Ngô Vi Tâm cho biết, thị trường Mỹ có vụ kiện chống bán phá giá cá tra, nên VHC đang có lợi thế cạnh tranh từ vụ kiện này.

Đối với thị trường EU, VHC có lợi thế về thuế nhập khẩu, trước là 5,5% và đang lộ trình giảm xuống 0% trong vòng 1 – 2 năm nữa. Cơ hội thứ hai là nhu cầu tiêu thụ tại châu Âu (do chiến tranh Nga – Ukraina) nên chúng tôi nhận được nhiều đơn hàng từ EU hơn. Đây là cơ hội trong ngắn hạn, nhưng dài hạn cũng rất tiềm năng khi các nhà máy ở EU dùng cá tra để thay thế các sản phẩm khác. 

Đối với thị trường Trung Quốc: Năm 2022 – 2023 sẽ không tăng trưởng nóng do hàng rào về COVID-19. Tuy nhiên nhu cầu của Trung Quốc về cá tra luôn luôn có, và xu thế là họ mua về cá fille thô rồi sẽ về nước chế biến, bà Lệ Khanh bổ sung thêm.

Làm sao cải thiện được biên lợi nhuận trong dài hạn?

Công ty qua nhiều năm đã tích lũy được tay nghề, cải tiến ở khâu nuôi,… chúng tôi tự tin về vùng nguyên liệu. VHC cũng theo đuổi tối ưu mặt sản xuất về phụ phẩm, dự án surimi là dự án chiến lược của công ty. Đây là dự án nhằm tối ưu các sản phẩm vụn công ty chuyển thành các sản phẩm giá trị gia tăng nhằm tăng doanh thu cho công ty.

Bằng mọi giá phải cắt giảm chi phí có thể, khi chi phí bao bì tăng, tiền lương tăng. Phải làm sao chi phí chế biến của chúng ta không tăng trong bối cảnh các chi phí khác đều tăng do đại dịch, "nữ hoàng cá tra" quyết tâm.

Tuy nhiên, VHC cũng sẽ bán cá theo nhu cầu thị trường và bán theo thực trạng của nhà máy. Năm 2022 - 2023 VHC sẽ tối ưu chi phí sản xuất. Nếu chúng tôi tăng được năng suất thì giá thành của các sản phẩm sẽ thấp đi. Bà Khanh cũng nói thêm, công ty có tham vọng đưa vắc xin, đưa dinh dưỡng vào thức ăn cho cá.

Minh Hằng