|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ PNJ: Ước doanh số tăng hơn 40% trong quý I, dự kiến mở thêm 35-40 cửa hàng và xây nhà máy mới

08:05 | 17/04/2022
Chia sẻ
Năm 2022, PNJ lên mục tiêu đạt hơn 25.800 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 1.320 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 32% và 28% so với cùng kỳ. Và để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, công ty dự kiến tiếp tục mở thêm các cửa hàng, đồng thời tìm kiếm mặt bằng xây dựng thêm nhà máy mới.

Sáng 16/4, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022. Đại hội kết thúc với các tờ trình đều được thông qua. 

Đánh giá về kết quả hoạt động năm vừa qua, ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc PNJ, cho rằng: "Năm 2021 vẫn khó hơn nhiều năm 2020, nếu như năm 2020 chúng ta phải leo dốc trong bão tuyết thì năm 2021 bão tuyết còn dày hơn, đường đi bão bùng hơn năm 2020".

Theo đại diện PNJ, trong bối cảnh tình hình kinh tế cực kỳ khó khăn dưới tác động của dịch COVID-19, mặc dù bị mất khoảng ba tháng "lockdown", 283 cửa hàng bị đóng cửa vào thời điểm cao nhất và 90 ngày không thể sản xuất, doanh thu của PNJ vẫn tăng trưởng giữa bối cảnh thị trường suy yếu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm, sức mua giảm mạnh đặc biệt với mặt hàng không thiết yếu như trang sức.

"Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021, PNJ đã hoàn thành gần 50% kế hoạch lợi nhuận, nhưng cuối tháng 4 khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát và kéo dài đã tạo "thung lũng" sâu trong kết quả kinh doanh, cuốn đi thành quả vừa tạo được trước đó. Nhưng dù mất 22% thời gian kinh doanh nhưng công ty quyết định không điều chỉnh chỉ tiêu",  Phó Chủ tịch HĐQT chia sẻ.

Kết thúc năm 2021, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 19.600 tỷ đồng, tăng gần 12% và hoàn thành 93,3% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.000 tỷ đồng, giảm 3,7% so với năm trước đó và mới đạt 84% mục tiêu năm 2021.

Tổng tài sản của PNJ đạt hơn 10.600 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020. Trong đó, hàng tồn kho chiếm 82% tổng tài sản. Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA) năm 2021 đạt 10,8%.

Tính đến 31/12/2021, chỉ số nợ phải trả trên tổng tài sản của PNJ đạt 43%, trong năm, do nhu cầu tài trợ vốn lưu động tăng, công ty đã tăng nợ vay ngắn hạn lên hơn 2.700 tỷ đồng. Tổng nợ vay tương đương 31% hàng tồn kho.

  Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của PNJ được tổ chức sáng 16/4 tại TP HCM. (Ảnh: P. Dương) 

Đặt kế hoạch lợi nhuận tăng hơn 28% trong năm 2022, thưởng 1-1,5% LNST nếu vượt mục tiêu

Tổng giám đốc PNJ cho biết năm 2022, PNJ đặt kế hoạch doanh thu thuần hơn 25.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 1.320 tỷ, lần lượt tăng 32% và 28% so với kết quả của năm 2021. Mức cổ tức dự kiến cũng 20%, tương tự như năm 2021. 

 Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ PNJ

Đối với phương án thưởng bằng tiền mặt, đại diện HĐQT PNJ cho hay nếu lợi nhuận sau thuế thực hiện năm 2022 đạt 128% so với cùng kỳ sẽ thưởng cho HĐQT và lãnh đạo chủ chốt 1% của lợi nhuận sau thuế. Nếu lợi nhuận sau thuế thực hiện năm 2022 đạt 135% so với lợi nhuận sau thuế thực hiện năm 2021, thưởng cho HĐQT và lãnh đạo chủ chốt 1,5% của lợi nhuận sau thuế.

Bên cạnh đó, PNJ dự kiến phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với tỷ lệ 2%/ tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành. Giá phát hành dự kiến bằng 40% bình quân giá đóng cửa của 10 ngày giao dịch liên tiếp trước thời điểm được thông qua phát hành ESOP. Thời gian hạn chế chuyển nhượng trong vòng 36 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành. 

Đồng thời, PNJ dự kiến phát hành hơn 82 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 3:1, cổ đông sở hữu cứ 3 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới. Nếu thành công, vốn điều lệ của PNJ dự kiến tăng từ 2.276 tỷ đồng lên 3.096 tỷ đồng. 

Về nhân sự, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT, ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT tái nhiệm và ông Đào Trung Kiên được bầu bổ sung làm thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ mới 2022 - 2027.    

Thảo luận

 Kết quả kinh doanh quý I/2022 của công ty như thế nào?

-  Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ: Kết quả kinh doanh thường được công bố vào ngày 18-21 hàng tháng, riêng quý I năm nay công ty tăng trưởng 41-42% về doanh số so với quý I/2021, là tốc độ tăng trưởng khá cao.

Thị phần 56,5% là riêng mảng bán lẻ hay toàn thị trường?

Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ:  Con số này là thị phần mảng trang sức, không phải thị phần vàng và nó chỉ mang tính chỉ dấu không mang tính thống kê, đặc thù của ngành, là dấu mốc để ước đoán, dựa trên tổng lượng sử dụng nguyên liệu từ đó đưa ra các quyết đoán.

Kế hoạch mở cửa hàng năm 2022 như thế nào?

- Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ: Công ty hướng đến mở 35-40 cửa hàng và nếu thị trường thuận lợi công ty sẽ mở nhiều hơn, chuẩn bị nhiều kịch bản khác nhau

Đánh gái rủi ro ảnh hưởng kết quả kinh doanh năm 2022?

Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ: Rủi ro lớn nhất là các vấn đề lạm phát, chính sách tiền tệ, và thực tế dấu hiệu lạm phát đến từ quý III, quý IV năm ngoái tại một số nước châu Âu và trong tháng 3/2022 xung độ Nga- Ukcraia cũng đã ảnh hưởng việc cung ứng của thế giới.

Tại Việt Nam, chúng tôi quan sát và theo dõi các biến động liên quan thị trường chứng khoán, bất động sản có thể ảnh hưởng sức mua chung so với 2021, bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế, xu hướng tiêu dùng, sức mua dịp lễ, sự kiện thay đổi theo các trend cho thấy nền tảng, dư địa cho pnj trong 10 năm tới phát triển còn rất rộng.

Định hướng mở cửa hàng trong giai đoạn 2022-2025, khu vực nào chính?

 Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ: Chúng tôi dự kiến mở 30-50 cửa hàng tùy cơ hội thị trường trong các năm tới, các điểm bán bao gồm nhiều conset khác nhau, dư địa cả thành lớn và nhỏ, tăng độ bao phủ trên toàn thị trường Việt Nam.

Công suất nhà máy hiện tại, kế hoạch nâng công suất thế nào?

- Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ: Hiện nay công ty đang tập trung vào đổi mới tăng nâng suất, đầu tư, cụ thể tại nhà máy Long Hậu là nhà máy đang sử dụng thuê tạm, không dài hạn nhưng công suất năm nay sẽ tăng thêm 1-2  line hàng cho phát triển hàng trang sức vàng, thay vì trước đây chỉ làm bạc và hàng style, quà tặng; nhà máy tại quận Gò Vấp (TP HCM) cũng gần hết công suất. 

Công suất hiện nay là 4 triệu sản phẩm, dự kiến năm nay gần hết công suất nên trong chiến lược phát triển, PNJ đang tìm kiếm mặt bằng xây dựng nhà máy lớn hơn, đáp ứng hệ thống bán lẻ, chiến lược bán lẻ và phát triển thêm về trụ cột bán buôn, mở rộng nhà máy trong tương lai. 

   Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ phát biểu tại ĐHĐCĐ sáng 16/4. (Ảnh: P. Dương)

Đánh giá sức mua thị trường 2022 và các năm tới?

 Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ:  Nhìn bức tranh lớn hơn 10 năm tới, xu hướng trang sức trung và cao cấp có nền tảng rất tốt, dư địa rất rộng, riêng năm 2022, có nhiều thách thức từ các vấn đề kinh tế tồn tại nhiều năm chưa được giải quyết và những tác động của đại dịch COVID -19 sẽ tiếp tục gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, cũng như tại Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng giới trẻ có lối sống, thời trang ngày càng đổi mới, nếu không có ảnh hưởng lớn của  dịch bệnh sức mua sẽ tốt hơn rất nhiều 2021.

Thực tế chứng minh ở kết quả kinh doanh trong quý I năm nay, cơ hội đó cho thấy vị trí cạnh tranh thay đổi, PNJ có những tiếp cận chiến lược chiếm vị thế cạnh tranh hơn, tiềm năng trên thị trường.  


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

P. Dương

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.