ĐHĐCĐ SCB: Không chia cổ tức, xác định 2020 là năm khó khăn
Sáng 29/5, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 và đã thông qua kế hoạch kinh doanh cũng như tăng vốn điều lệ, giao dịch trên UPCoM.
Đồng thời, tại Đại hội, các cổ đông đã nhất trí miễn nhiệm một thành viên HĐQT là bà Mai Thị Thanh Thủy và một thành viên Ban kiểm soát là ông Nguyễn Mạnh Hải. Đại hội cũng đã thông nhất bầu bổ sung ông Bùi Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Doanh nghiệp là thành viên mới của HĐQT nhiệm kì 2017-2022.
2020 sẽ là một năm khó khăn
Tại phần thảo luận, cổ đông đã đề xuất chia cổ tức khoảng 2% đồng thời muốn ban lãnh đạo giải thích nguyên nhân dự phòng tăng lên đáng kể trong những năm qua.
Trả lời cổ đông, Tổng Giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cho biết năm nay SCB tổ chức đại hội trong hoàn cảnh khó khăn bởi tác động dịch COVID-19 khá nghiêm trọng.
Nền kinh tế rơi vào khó khăn khi hơn 80% ngân hàng phải giảm lương nhân viên để duy trì hoạt động tuy nhiên SCB đã không giảm lương cán bộ nhân viên.
"Chúng ta luôn giữ hình ảnh của ngân hàng, thành quả luôn có sự đóng góp của các cổ đông và thực sự quan tâm đến lợi ích ngân hàng", ông Văn nói.
Năm 2020, có một điều trăn trở đối với SCB là chia cổ tức. Hơn nữa, HĐQT cũng không nêu vấn đề thù lao ban lãnh đạo như các năm trước. Việc chia cổ tức ngân hàng phải tuân thủ pháp luật và sự cho phép của NHNN. Ông Văn mong cổ đông thông cảm về vấn đề này.
Hiện nguồn lợi tức của cổ đông mà ngân hàng đang giữ 1.234 tỉ đồng, đây là con số rất đẹp. Trong đó, lợi nhuận để lại 713 tỉ đồng, quỹ bổ sung vốn điều lệ là 521 tỉ đồng. Cũng trong năm 2020, ngân hàng sẽ đánh giá lại tài sản cố định để xem xét giá trị thực của ngân hàng.
Ông Văn cho biết thêm SCB cũng là ngân hàng đầu tiên có sổ tiết kiệm online, tạo niềm tin và sự thích thú cho khách hàng.
Về tình hình hiện tại của ngân hàng, ông Văn cho biết hai tháng vừa qua là hai tháng không thể tả xiết khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp xin ngân hàng tái cơ cấu, gia hạn nợ.
Nợ xấu gia tăng khi nói về phía quản lí, nhưng đứng về phía doanh nghiệp đang gặp khó khăn, ngân hàng phải cân đối để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, xin tái cơ cấu. Nhà máy không sản xuất được, hàng hóa không xuất khẩu được, có thanh lí tài sản cũng khó có người mua.
Ông Văn nhấn mạnh lại năm 2020 là một năm khó khăn và hệ quả để lại sẽ rất rõ ở các con số.
Tổng tài sản dự kiến đạt 637.166 tỉ đồng, tăng 12,2%
Về kế hoạch kinh doanh 2020, ông Nguyễn Văn Thanh Hải, Phó Chủ tịch HĐQT cho biết SCB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 637.166 tỉ đồng, tăng 12,19% so với cuối năm 2019.
Trong đó, cho vay khách hàng đạt 377.283 tỉ đồng, tăng 13%; huy động thị trường 1 là 553.092 tỉ đồng, tăng 13,3%.
SCB dự kiến trong năm 2020 sẽ ghi nhận thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ 1.800 tỉ đồng, tăng 40% so với năm 2019, trong đó doanh số bảo hiểm tăng 70% so với năm 2019; tiếp cận 30.000 khách hàng trên nền tảng số; đẩy mạnh phát hành mới thẻ tín dụng quốc tế lên 50.000 thẻ…
Đồng thời, SCB chủ trương phát triển tín dụng mới một cách thận trọng và an toàn, chú trọng cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ…, và đặc biệt là cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. SCB cũng tách rõ phân khúc khách hàng để xây dựng chiến lược cụ thể cho từng phân khúc.
Bên cạnh đó, SCB sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng mới, thu hồi nợ xấu, và xử lí tài sản theo lộ trình đã được NHNN phê duyệt tại Đề án cơ cấu lại SCB gắn với xử lí nợ xấu giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Dự kiến phát hành 500 triệu cổ phiếu, đăng kí giao dịch trên UPCoM
Tại đại hội, ông Võ Tấn Hoàng Văn – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc SCB cho biết, ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ lên 20.232 tỉ đồng bằng hình thức chào bán 500 triệu cp, tương đương giá trị 5.000 tỉ đồng theo mệnh giá.
Đối tượng phát hành là cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư trong, ngoài nước. Giá phát hành không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cp. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của SCB sẽ tăng từ 15.232 tỉ đồng lên mức 20.232 tỉ đồng.
Tổng số tiền thu được từ đợt phát hành này được SCB dự kiến dùng 4.000 tỉ đồng bổ sung nguồn vốn kinh doanh và 500 tỉ đồng đầu tư vào tài sản cố định và công nghệ thông tin; 500 tỉ đồng sẽ được đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trụ sở hoạt động và hệ thống nhận diện thương hiệu SCB.
SCB cũng sẽ đăng kí cổ phiếu SCB tại Trung tâm lưu kí chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng kí giao dịch cổ phiếu SCB trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (hệ thống giao dịch UPCoM) với mã chứng khoán là SCB.
Bên cạnh đó, ngân hàng dự kiến thay địa điểm trụ sở chính từ số 927 Trần Hưng Đạo, quận 5, TP HCM sang tòa nhà tại địa chỉ số 19-21-23-25 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM.