|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

PVTrans sẽ đầu tư gần 3.000 tỷ nâng cấp đội tàu năm nay

13:56 | 30/06/2022
Chia sẻ
Lãnh đạo PVTrans cho biết giá thuê tàu hóa chất trước đây khoảng 8.500 USD/ngày thì giờ đã lên 13.000 đến 14.000 USD/ngày. Năm nay, PVTrans dự kiến dùng 2.915 tỷ đồng đầu tư đội tàu thêm 23 chiếc, đồng thời thanh lý hai tàu cũ hơn 20 năm tuổi.

Sáng 30/6, Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 theo hình thức trực tuyến với tất cả tờ trình được thông qua.

Năm nay, PVTrans đặt mục tiêu doanh thu 6.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 480 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và giảm 42% so với kết quả đạt được năm 2021.

Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch HĐQT PVTrans cho biết, 6 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất đạt khoảng 4.100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và giảm 12% so với kết quả đã kiểm toán năm ngoái. 

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của PVTrans.

Về kế hoạch cổ tức cho năm 2021, công ty dự chia với tỷ lệ 10% bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến 2021 hơn 502 tỷ đồng. Sau khi chia, vốn điều lệ của PVTrans tăng từ  3.237 tỷ lên 3.560 tỷ đồng. Cho năm 2022, tỷ lệ cổ tức dự kiến là 7% (hoặc bằng tiền mặt và/hoặc bằng cổ phiếu).

Trong năm, PVTrans dự kiến dùng 3.298 tỷ đồng để đầu tư. Trong đó, 2.915 tỷ đồng đầu tư tàu; 373 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào các đơn vị thành viên; và 10 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị.

Cụ thể, công ty dự kiến đầu tư 1 tàu chở hàng rời khoảng 50.000 - 85.000 DWT, hoặc tàu dầu/hóa chất 10.000 - 25.000 DWT; đầu tư 1 tàu chở dầu thô khoảng 100.000 - 120.000 DWT; đầu tư 1 tàu chở dầu/HC khoảng 10.000 – 25.000 DWT; đầu tư 1 tàu chở dầu MR/LR1 khoảng 20.000 – 75.000 DWT; và đầu tư 2 tàu chở dầu/hóa chất khoảng 10.000 – 25.000 DWT.

Lãnh đạo PVTrans cho biết, ước tính trong năm 2022, PVTrans sẽ đầu tư thêm 6 tàu cho công ty mẹ, còn công ty thành viên là 17 tàu. Nhưng do tình hình chung toàn cầu gặp đúng thời điểm khó khăn, nên công ty buộc phải thận trọng.

*Thảo luận:

Câu hỏi:  Sự cố tại Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn có tác động đến PVTrans như thế nào?

Đại điện PVTrans: Những tháng đầu năm, Nhà máy Nghi Sơn có sự cố, cả về nhà máy lẫn tình hình tài chính. PVTrans chủ yếu vận chuyển đầu ra và một phần vận chuyển dầu thô từ nhà máy cho các đầu mối lớn như PV OIL.

6 tháng đầu năm, lượng hàng PVTrans vận chuyển ra các đầu mối ko bị ảnh hưởng, trên 500.000 tấn dầu sản phẩm. Lãnh đạo PVTrans khẳng định sự cố tại Nghi Sơn không ảnh hưởng lớn đến hoạt động của PVTrans.

Nhìn chung, ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch HĐQT PVTrans nhận định Nhà máy Nghi Sơn sẽ duy trì hoạt động đến cuối năm, tháng 7 tháng 8 sẽ có cuộc bảo dưỡng nhưng ít. Dự kiến công ty sẽ vận chuyển khoảng 600.000 tấn dầu sản phẩm trong hai quý còn lại.

Kế hoạch mua tàu trong thời gian tới?

Đại điện PVTrans: Thực tế trong 3 - 4 năm trước, PVTrans đã thực hiện bắt đáy để đầu tư đội tàu. Tính đến cuối năm 2021, PVTrans đang sở hữu đội tàu hàng lỏng lớn nhất Việt Nam với tổng số 36 chiếc đa dạng chủng loại, tổng trọng tải đạt 1,05 triệu DWT. 

Những tháng đầu năm, công ty đã đầu tư thêm 3 tàu. Theo kế hoạch cả công ty mẹ và công ty thành viên cần đầu tư khoảng 23 tàu. Hiện giá tàu đã tăng lên rất nhiều do giá sắp thép, giá niken (đầu vào để sản xuất một con tàu) leo thang. Trong khoảng 2 đến 3 tháng tới, công ty mẹ sẽ mua 2 đến 3 chiếc. Với giá cước tàu đang neo cao như hiện nay, PVTrans tự tin sẽ triển khai thu về lợi nhuận ổn.

Về nguồn vay, hiện PVTrans không thuộc đối tượng ưu đãi, việc vay vốn cũng sẽ khó khăn hơn. Nhưng nhìn chung, công ty nhận định việc thu xếp vốn sẽ không gặp nhiều trắc trở.

Công ty đánh giá thị trường vận tải trong thời gian tới như thế nào?

Đại điện PVTrans: Tình hình kinh tế - chính trị thế giới năm 2022 dự báo tiếp tục biến động phức tạp, nhất là xung đột chính trị Nga-Ukraine, dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt, sự phục hồi kinh tế tại các quốc gia còn thiếu ổn định, chưa đồng đều, giá dầu thô và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác có xu hướng tăng cao làm gia tăng chi phí sản xuất, vận tải, đẩy áp lực lạm phát và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu lên cao.

Trong ngắn hạn, thị trường vận tải biển quốc tế sẽ diễn biến thuận lợi với giá cước tăng ở hầu hết các phân khúc tàu, nguyên do xung đột Nga - Ukraine kéo theo các biện pháp cấm vận đội tàu biển của Nga, đẩy nhu cầu vận tải biển ở các khu vực khác tăng lên.

Bên cạnh đó, sự thay đổi nguồn cung làm cho nhu cầu tàu, lượng hàng luân chuyển bằng đường biển thay đổi, tạo ra các tuyến giao thương đường biển thay thế, gia tăng cơ hội tham gia vận chuyển của các đội tàu quốc gia khác.

Ông Việt Anh đánh giá điều này sẽ có lợi cho các chủ tàu nhờ giá cước tăng mạnh. Đến năm 2023, suy thoái kinh tế có thể diễn ra, vận tải sẽ có sụt giảm những không ảnh hưởng đáng kể so với nhu cầu khổng lồ.

Lãnh đạo PVTrans cho biết giá thuê tàu hóa chất trước đây khoảng 8.500 USD/ngày thì giờ đã lên 13.000 đến 14.000 USD/ngày. Trong khi thực tế nguồn cung tàu rất hạn chế do giá sắt thép vẫn còn neo ở mức cao.

Tình hình vận tải của PVTrans trong nước?

 Đại điện PVTrans: Nhiên liệu chiếm hơn 40% chi phí vận hành tàu của PVTrans. Song, giá cước tàu trong nước sẽ neo theo giá dầu. Về cơ bản, giá dầu biến động không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của công ty.

Tỷ trọng doanh thu của PVTrans?

Đại điện PVTrans: Hiện 80% đội tàu của PVTrans ở quốc tế, hầu hết theo hình thức thuê định hạn theo ngày. Do giá cước quốc tế thấp hơn so với trong nước nên tỷ trọng doanh thu của đội tàu quốc tế chiếm 60 - 65% tổng doanh thu.

Kế hoạch thanh lý tàu cũ của PVTrans?

Đại điện PVTrans: Hầu hết các tàu trên 20 tuổi PVTrans đã đưa vào thanh lý và đã bán gần hết. Thời gian tới, công ty sẽ thanh lý hai tàu cũ, trong đó có tàu PVT Athena và sẽ được ghi nhận lợi nhuận trong năm nay.

Trước đó SSI Research tính toán tàu PVT Athena có thể đem về gần 140 tỷ cho công ty trong năm 2022 này.

Minh Hằng